Cán bộ đoàn ở địa bàn dân cư

Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 66 bí thư đoàn xã, phường, thị trấn quá tuổi, tám bí thư, phó bí thư đoàn cấp huyện quá tuổi. Bên cạnh đó, lại xuất hiện tình trạng thiếu công chức bổ sung cho tổ chức đoàn, dẫn đến thiếu nguồn cán bộ đoàn trẻ kế cận.
0:00 / 0:00
0:00

Theo Bí thư Thành đoàn Chu Hồng Minh, để công tác đoàn và phong trào thanh niên thật sự vững mạnh, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đoàn các cấp có ý nghĩa rất quan trọng, bởi đây là lực lượng nòng cốt, trực tiếp chỉ đạo và tổ chức mọi hoạt động của tổ chức đoàn ở cơ sở. Thời gian qua công tác cán bộ đoàn của thành phố Hà Nội nói chung và khối địa bàn dân cư ở các cấp nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực, các khâu tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng và luân chuyển cán bộ đoàn từng bước được nâng lên. Đội ngũ cán bộ đoàn từng bước được chuẩn hóa, tác động tích cực đến chất lượng hoạt động của tổ chức đoàn các cấp.

Tuy nhiên, công tác đoàn tại địa bàn dân cư đang gặp phải một số khó khăn. Một số địa phương, đơn vị khi ban hành quy định, tiêu chuẩn đề ra đối với cán bộ đoàn cao hơn so với Quy chế cán bộ đoàn. Một bộ phận cán bộ đoàn chưa đạt tiêu chuẩn về độ tuổi, trình độ chuyên môn… Mặt khác, do đặc thù cán bộ đoàn luân chuyển nhanh, ở một số nơi việc đào tạo, bồi dưỡng không kịp so với yêu cầu của thực tiễn.

Từ thực tế ở địa phương, Bí thư Quận đoàn Cầu Giấy Lê Thị Thu Trang cho biết, hiện đang diễn ra tình trạng thiếu công chức bổ sung cho tổ chức đoàn, dẫn đến thiếu nguồn cán bộ đoàn trẻ kế cận. Để giải quyết yêu cầu cấp bách do thiếu cán bộ, một số giải pháp đã và đang được thực hiện. Tuy nhiên, số cán bộ công chức trong diện rà soát đủ điều kiện, đều bày tỏ nguyện vọng không muốn được điều chuyển đến cơ quan đoàn chuyên trách... Mặt khác, vì không phải là công chức, cho nên dù có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, nhưng cán bộ đoàn tại cơ sở cũng không thể phát triển “tại chỗ”, hay “sang ngang”, hay “theo ngành dọc cấp trên”.

“Đây là trở ngại lớn tác động trực tiếp tới đội ngũ cán bộ Đoàn xã, phường đang đương nhiệm, khiến họ luôn phải trăn trở, lo lắng và có thể làm giảm nhiệt huyết trong công tác, phong trào. Đó cũng là rào cản tác động trực tiếp tới những người trẻ, có tài, có nguyện vọng tham gia công tác đoàn”, chị Trang chia sẻ. Để giải quyết vấn đề, Thành đoàn Hà Nội cần tham mưu đề xuất Thành ủy Hà Nội có cơ chế thi tuyển, xét tuyển công chức cho riêng vị trí cán bộ đoàn. Các đơn vị cần phải chủ động tham mưu đề xuất với cấp ủy, lãnh đạo chính quyền địa phương trong công tác cán bộ.

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Xuân Phong cho rằng, để tháo gỡ khó khăn, trước tiên cán bộ đoàn cần xác định rất rõ mục tiêu, lý tưởng để cống hiến, phấn đấu; cầu thị, học hỏi để cấp ủy có được sự tin tưởng khi giao nhiệm vụ mới; cấp ủy, chính quyền cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho tổ chức đoàn, mạnh dạn giao cho các bạn trẻ, cán bộ đoàn những khâu khó, việc mới để họ có môi trường thử thách, rèn luyện và trưởng thành.

Phát biểu tại diễn đàn “Công tác cán bộ Đoàn khối địa bàn dân cư thành phố Hà Nội: Thực trạng và giải pháp”, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nêu rõ, Ban Thường vụ Thành ủy luôn quan tâm đến công tác đoàn và phong trào thanh niên, công tác cán bộ đoàn. Cán bộ đoàn được trẻ hóa, có năng lực, trình độ ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu công tác trong giai đoạn mới. Đồng chí đề nghị Ban Tổ chức Thành ủy chủ trì, phối hợp với Ban Thường vụ Thành đoàn làm việc với cấp ủy của các quận, huyện, thị xã để sớm bố trí “đầu ra”, công tác mới cho các đồng chí cán bộ đoàn, bảo đảm phù hợp với năng lực, chuyên môn yêu cầu công tác. Đồng chí cũng bày tỏ mong muốn cán bộ đoàn tại cơ sở tiếp tục nhiệt huyết, yên tâm làm việc và cống hiến, sống có hoài bão. Mặt khác, cấp ủy của 30 quận, huyện, thị xã tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện đối với công tác đoàn và phong trào thanh, thiếu niên; nhất là công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng cán bộ.