Tổng Giám đốc CDC châu Phi Jean Kaseya cho biết, cơ quan này đã nhận được cam kết tài trợ gần 814 triệu USD nhằm hỗ trợ kế hoạch ứng phó với dịch mpox. Nếu tính đến hỗ trợ bổ sung, số tiền này sẽ tăng lên khoảng 1 tỷ USD, trong đó phần lớn đến từ Mỹ, quốc gia sẽ tài trợ 500 triệu USD và 1 triệu liều vaccine cho kế hoạch nêu trên.
Ngoài ra, CDC châu Phi sẽ nhận được khoảng 314 triệu USD từ một ngân quỹ phòng chống dịch bệnh vốn được lập ra để nhận các khoản đóng góp từ các quốc gia thành viên và đối tác. Số tiền này bao gồm cả khoản 129 triệu USD do quỹ nêu trên đề xuất. Cũng theo ông Kaseya, CDC châu Phi đã nhận được 4,3 triệu liều vaccine trong số hơn 10 triệu liều cần thiết để kiểm soát dịch mpox. Trong bối cảnh nguồn cung vaccine, nguồn lực y tế còn hạn chế và dịch bệnh tiếp tục lan rộng gây ảnh hưởng đến nhiều quốc gia hơn, CDC châu Phi cho biết sẽ phải điều chỉnh kế hoạch ứng phó.
Dịch đậu mùa khỉ bùng phát dữ dội ở châu Phi khi 15 trong số 55 quốc gia thành viên của Liên minh châu Phi đã báo cáo có các ca bệnh. Từ đầu năm đến nay, lục địa này ghi nhận hơn 32.000 ca nghi mắc mpox, trong đó có 840 người chết. Số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ và tử vong ở châu Phi đã tăng lần lượt là 177% và 38,5% so với cùng kỳ năm 2023. Do lo ngại nguy cơ gia tăng số ca nhiễm chủng Clade 1b mới ở CHDC Congo, tâm dịch, lây lan sang các quốc gia lân cận, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc tế về bệnh đậu mùa khỉ vào tháng 8 vừa qua.
Đây là lần thứ hai trong hai năm WHO kích hoạt mức cảnh báo toàn cầu cao nhất đối với căn bệnh này.
Hoạt động đi lại xuyên biên giới, tình trạng suy dinh dưỡng và hành vi tình dục không an toàn tại nhiều khu vực ở châu Phi được cho là những yếu tố chính gây lây lan bệnh đậu mùa khỉ. Trong khi đó, nguồn lực yếu kém ảnh hưởng tới khả năng chống chọi với dịch bệnh ở nhiều nước châu Phi. Công tác xét nghiệm và giám sát dịch ở một số nước gặp khó khăn do thiếu thốn trang thiết bị và nguồn lực. Tỷ lệ xét nghiệm vẫn là một vấn đề lớn và cần tăng cường năng lực xét nghiệm cho các nước để theo dõi tốt hơn dịch bệnh.
CDC châu Phi gần đây đã công bố việc triển khai kế hoạch ứng phó chung của lục địa với WHO. Kế hoạch này kéo dài 6 tháng, bắt đầu từ tháng 9/2024 đến tháng 2/2025, cần nguồn ngân sách ước tính gần 600 triệu USD. Trong số này, 55% được phân bổ cho các nỗ lực ứng phó bệnh đậu mùa khỉ ở các quốc gia bị ảnh hưởng, số còn lại được dùng để hỗ trợ hoạt động và kỹ thuật thông qua các tổ chức đối tác.
Trước nguy cơ rơi vào tình trạng mất kiểm soát đối với bệnh đậu mùa khỉ, CDC châu Phi kêu gọi 10 triệu liều vaccine cho châu Phi, song đến nay, chỉ có 3,6 triệu liều vaccine được bảo đảm cho châu lục này. Liên minh vaccine (Gavi) đã công bố đợt đầu tiên sử dụng Quỹ Ứng phó khẩn cấp (FRF) nhằm ứng phó dịch đậu mùa khỉ, theo đó Gavi ký thỏa thuận với hãng dược phẩm Bavarian Nordic để bảo đảm cung cấp 500.000 liều vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ MVA-BN cho các quốc gia châu Phi đang trong vùng dịch. Mỹ mới đây thông báo sẽ tặng 1 triệu liều vaccine phòng mpox và ít nhất 500 triệu USD cho các nước châu Phi ứng phó dịch bệnh này. Dự kiến, vaccine mà Mỹ sẽ tặng châu Phi là loại Jynneos do hãng dược Bavarian Nordic sản xuất, với phần lớn trong số này được lấy từ kho dự trữ của Mỹ.
Trong bối cảnh nhiều nước châu Phi bị cuốn vào vòng xoáy xung đột và nguy cơ lây lan dịch bệnh qua biên giới khó kiểm soát, Giám đốc CDC châu Phi Jean Kaseya đã kêu gọi cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phương Tây, tăng cường hỗ trợ châu Phi chống lại sự lây lan bệnh đậu mùa khỉ. Ông cho rằng, các nước phương Tây cần rút ra bài học từ đại dịch Covid-19 và không thể để lịch sử lặp lại đối với mpox nếu châu Phi một lần nữa bị bỏ rơi trong cuộc chiến chống dịch bệnh này.