Theo ông Jean Kaseya, Tổng Giám đốc CDC châu Phi, trong tuần qua, châu lục này đã ghi nhận thêm 2.912 ca nhiễm mới, bao gồm 374 ca xác nhận và 14 trường hợp tử vong. Tính từ đầu năm đến nay, tổng số ca nhiễm đã lên đến con số 29.152.
Các ca nhiễm mới được báo cáo từ 15 quốc gia thuộc cả 5 khu vực của châu Phi. Theo ông Kaseya, sự di chuyển xuyên biên giới, tình trạng suy dinh dưỡng và những hành vi không an toàn trong sinh hoạt là những yếu tố chính làm gia tăng nguy cơ lây lan bệnh đậu mùa khỉ.
Vào giữa tháng 8 năm nay, CDC châu Phi đã chính thức tuyên bố đợt bùng phát đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng cấp châu lục.
Ngay sau đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã ra thông báo coi bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu, lần thứ 2 nâng mức cảnh báo lên cao nhất đối với dịch bệnh này chỉ trong vòng 2 năm qua.
CDC châu Phi: Dịch bệnh đậu mùa khỉ ở châu lục chưa thể kiểm soát
Để đối phó với tình hình phức tạp của dịch bệnh, CDC châu Phi và WHO đã phối hợp triển khai kế hoạch ứng phó chung cấp châu lục. Kế hoạch này có thời gian thực hiện trong 6 tháng, kéo dài từ tháng 9/2024 đến tháng 2/2025, với tổng ngân sách dự kiến gần 600 triệu USD.
Trong đó, 55% kinh phí sẽ dành cho các nỗ lực ứng phó dịch bệnh tại các quốc gia bị ảnh hưởng, 45% còn lại sẽ được sử dụng cho hỗ trợ kỹ thuật và vận hành thông qua các tổ chức đối tác.
Bệnh đậu mùa khỉ, còn được biết đến với tên gọi mpox, lần đầu tiên được phát hiện ở khỉ trong phòng thí nghiệm vào năm 1958. Virus đậu mùa khỉ được cho là lây truyền từ các động vật hoang dã, chẳng hạn như loài gặm nhấm, sang người hoặc lây từ người sang người qua tiếp xúc gần. Bệnh thường gây ra các triệu chứng sốt, phát ban và sưng hạch bạch huyết.