Các nhà khoa học nữ tạo nên sự đa dạng và khác biệt

NDO - “Hãy loại bỏ nỗi sợ bạn là phụ nữ, đó sẽ là nội lực mạnh mẽ tạo ra sự khác biệt trong các tổ chức nghiên cứu khoa học”, Giáo sư Albert P. Pisano (Đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture, Chủ nhiệm khoa Trường Kỹ thuật Jacobs thuộc Đại học California, San Diego, Mỹ) khuyến khích các sinh viên nữ kiên định với con đường nghiên cứu khoa học.
0:00 / 0:00
0:00
Các thành viên Hội đồng giải thưởng VinFuture chia sẻ về những thách thức với các nhà khoa học nữ.
Các thành viên Hội đồng giải thưởng VinFuture chia sẻ về những thách thức với các nhà khoa học nữ.

Trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học-Công nghệ VinFuture 2022, các thành viên Hội đồng giải thưởng VinFuture đã có những chia sẻ về những thách thức và thành công của các nhà khoa học nữ với sự tham gia của các giáo sư đầu ngành: Nguyễn Thục Quyên; Albert P. Pisano; Alta Schutte; Monica Alonso Cotta; Jennifer Tour Chayes.

“Đừng bỏ cuộc dễ dàng và đừng vì ai mà bỏ cuộc”

Để có những bước thành công trong con đường nghiên cứu khoa học, khẳng định tên tuổi của một người Việt Nam với thế giới, Giáo sư Nguyễn Thục Quyên, đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture, Giám đốc Trung tâm Polyme và Chất rắn Hữu cơ (CPOS) và Giáo sư Khoa Hóa học và Hóa sinh tại Đại học California, Santa Barbara, Hoa Kỳ cho biết bà cũng phải trải qua nhiều thăng trầm, thậm chí phát khóc nhiều lần vì bị đồng nghiệp đối xử không công bằng khi mình là nữ giới.

Lớn lên ở một ngôi làng nhỏ ở Việt Nam, không điện không nước, thiếu ăn. 21 tuổi bà tới Mỹ với vốn tiếng Anh khiêm tốn. Bà đã lao vào học tiếng Anh và kiên trì theo đuổi nghiên cứu khoa học.

“Tôi đã từng khóc khi hơn 1 năm không có phòng thí nghiệm để triển khai các nghiên cứu. Nhưng sau đó 1-2 ngày, tôi nghĩ mình đã cố gắng nhiều. Vì một người cản trở mà từ bỏ sự nghiệp của mình thì không đáng. Trong sự thành công của tôi có nhiều gian nan, khó khăn. Vì thế, tôi muốn chia sẻ với các bạn tin rằng, trong hành trình nghiên cứu khoa học, có người cản trở mình cũng sẽ có người giúp đỡ mình”, giáo sư Quyên bày tỏ.

Các nhà khoa học nữ tạo nên sự đa dạng và khác biệt ảnh 1

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên.

Với một người phụ nữ làm nghiên cứu khoa học, Giáo sư Nguyễn Thục Quyên dành thời gian 16 tiếng làm việc mỗi ngày. Bà chia sẻ, may mắn nhất với bà là có người chồng hiểu, ủng hộ và hỗ trợ cho bà trên con đường chông gai này.

Đến nay, bà được bình chọn là người có trí tuệ khoa học có tầm ảnh hưởng nhất thế giới năm 2019 và thuộc top 1% các nhà nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất trong khoa học vật liệu từ năm 2015-2018 bởi Thomson Reuters/Clarivate Analytics. Thành công vang dội của một nhà khoa học nữ trên thế giới như giáo sư đã truyền cảm hứng tích cực cho các bạn trẻ.

Đến nay, bà vẫn luôn nỗ lực nghiên cứu những vấn đề mới và luôn quan tâm tới việc làm sao để tốt hơn khi giảng dạy cho các sinh viên.

Bởi vậy, giáo sư Quyên nhấn mạnh người trẻ đừng để trở ngại cản con đường hiện thực hóa giấc mơ: “Hãy mơ lớn và nắm bắt cơ hội. Hãy có thái độ tích cực. Càng nhiều người đẩy bạn xuống thì bạn càng có động lực”.

“Hãy làm việc xứng đáng dù bạn ở bất kỳ môi trường nào”

Giáo sư Monica Alonso Cotta (Phó Giám đốc Viện Vật lý “Gleb Wataghin” tại Đại học Campinas, Brazil, đứng đầu nhóm nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Hệ sinh thái và Nano) cho hay, phần lớn các giáo sư vật lý là nam, chỉ 10% là nữ. Do đó, trong ngành vật lý không có nhiều tấm gương để khích lệ các bạn nữ sinh viên theo đuổi.

Ngay cả chính bà ngày xưa cũng khó để tìm được một hình mẫu noi theo. Bởi vậy, với sự khích lệ của bố mẹ, bà đã tìm hiểu nhiều hơn, đọc sách nhiều hơn và luôn tự tìm kiếm nguồn động lực cho chính mình.

Cũng chia sẻ những khó khăn trong ngày đầu nghiên cứu ngành vật lý, Giáo sư Jennifer Tour Chayes (thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture, Phó trưởng Khoa Máy tính, Khoa học dữ liệu và Xã hội, Trưởng khoa Thông tin của trường Đại học California, Berkeley) bày tỏ, bà từng rất chán nản, thất vọng khi không mấy nơi tiếp nhận một nhà khoa học nữ như bà.

“Đôi khi chúng ta cảm thấy không ổn, không yên tâm khi làm việc với cùng một nhóm toàn nam. Trong nhóm đó, tư duy nam giới rất khác với nữ”.

Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm vượt qua những thách thức đó, bà vẫn chia sẻ với sinh viên của mình “Đừng tự phản lại nỗ lực của chính mình. Khi bạn chọn làm việc với nhóm các nhà khoa học nam thì phải vượt qua sự phân biệt. Bạn phải bảo đảm mình luôn xứng đáng dù làm việc tại bất kỳ môi trường nào”.

Các nhà khoa học nữ tạo nên sự đa dạng và khác biệt ảnh 2

Giáo sư Jennifer Tour Chayes chia sẻ tại chương trình.

Do đó, Giáo sư Monica Alonso Cotta khuyên các bạn sinh viên nữ hãy là chính mình, đừng là người khác. Thành công sẽ tạo nội hàm khác nhau cho mỗi người.

“Ở Brazil, các em không phát huy được năng lực vì có khi chỉ vì thiếu 1 cặp kính cận. Điều kiện tiên quyết như vậy cần được giải quyết để tài năng phát triển. Khi có điều kiện và có chủ đề yêu thích rồi thì hãy ham học hỏi từ các đồng nghiệp cả nam và nữ. Thường chúng ta mắc kẹt trong định kiến giới nhưng các bạn nên ý thức về định kiến về giới quanh ta và đừng để nó ảnh hưởng. Trong khoa học công nghệ có nhiều rào cản, ta cần mạng lưới hỗ trợ”, giáo sư cho hay.

Yếu tố quan trọng nhất với các bạn sinh viên nữ muốn theo đuổi khoa học chính là phải tự tin vào bản thân. Ban đầu bạn có thể nghĩ thành công do một phần may mắn, một phần chăm chỉ. Nhưng khi những điều thành công liên tiếp lặp lại thì xác suất may mắn sẽ giảm đi. Đừng để tiếng nói bên trong: "Bạn không thành công đâu" ngăn cản.

Giáo sư Jennifer Tour Chayes

Cần có môi trường cho các nhà khoa học nữ

Nói về câu chuyện khác biệt trong mức lương cho phụ nữ và nam giới, Giáo sư Jennifer Tour Chayes cho hay nhiều năm làm nghiên cứu, bà thấy phụ nữ không được khuyến khích làm việc. Bởi vậy, bà thường chia sẻ với các đồng nghiệp, các học viên nữ để giúp họ có được sự cân bằng trong cuộc sống, giúp họ kiên định với con đường nghiên cứu của mình.

Giáo sư Monica Alonso Cotta cho rằng, trong lĩnh vực vật lý của bà vẫn có mặc định là của nam giới. Do đó, bà cho rằng, cần phải có môi trường để phụ nữ cất lên tiếng nói. “Nhiều khi người e lệ xấu hổ không muốn nói ra. Nhưng khi có môi trường an toàn họ sẽ dám chia sẻ”.

Các nhà khoa học nữ tạo nên sự đa dạng và khác biệt ảnh 3

Các giáo sư chia sẻ kinh nghiệm cổ vũ các bạn trẻ theo đuổi nghiên cứu khoa học.

Theo Giáo sư Alta Schutte (Giáo sư và Trưởng nhóm nghiên cứu về Tim mạch, Mạch máu và Chuyển hóa tại Khoa Y, Đại học New South Wales, Sydney, Australia), hiện cộng đồng các nhà khoa học đang tập trung nhiều hơn không chỉ chất lượng khoa học mà hỗ trợ các nhà khoa học nữ nhiều.

Giáo sư nhấn mạnh: "Việc luôn nỗ lực đấu tranh cho nữ giới sẽ có sự bình đẳng".

Hiện nay, giải thưởng VinFuture là một trong số ít những giải thưởng về khoa học công nghệ dành riêng hạng mục giải thưởng tôn vinh các nhà khoa học nữ. Giáo sư Nguyễn Thục Quyên cho rằng đây là một cơ hội để giúp các nhà khoa học nữ có thêm tiếng nói trong cộng đồng khoa học-công nghệ. Do đó, bà khuyên các nữ sinh viên hãy mạnh dạn liên lạc và học hỏi các giáo sư tại Tuần lễ Khoa học-Công nghệ VinFuture.

Năm 2021, Giải thưởng VinFuture trao giải Đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ: GS. Zhenan Bao (Mỹ) với Công trình nghiên cứu các thiết bị điện tử hữu cơ dẻo linh hoạt.

Việc tạo ra các vật liệu hữu cơ mới với các chức năng mô phỏng da như khả năng co giãn, tự phục hồi và phân hủy sinh học, đang thay đổi cách con người trên toàn cầu tương tác với các vật liệu điện tử.