Giáo sư Jennifer Tour Chayes: "Chúng ta cần tạo thêm nhiều lĩnh vực khoa học mới"

NDO - “Ngay cả những người xuất thân không phải là trí thức cũng có thể trở thành nhà khoa học. Vì thế, cần tạo nhiều lĩnh vực khoa học mới, nhiều nền công nghiệp mới sẽ trực tiếp tác động cho nhân loại”, Giáo sư Jennifer Tour Chayes, thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture, Trưởng khoa Công nghệ Thông tin, Đại học California, Berkeley truyền cảm hứng cho các bạn trẻ Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
 Giáo sư Jennifer Tour Chayes.
Giáo sư Jennifer Tour Chayes.

Giáo sư Jennifer Tour Chayes từng công tác tại công ty công nghệ hàng đầu thế giới Microsoft (Mỹ) nhiều năm. Sau đó, vì mong muốn được phát triển nhiều hơn và muốn có nhiều cơ hội giúp đỡ các nhà khoa học trẻ nghiên cứu về công nghệ, bà chuyển về trường Đại học California, Berkeley.

Trong buổi giao lưu cùng các chuyên gia trong nước, các nhà khoa học trẻ, sinh viên tài năng cũng như cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam tại Tuần lễ Khoa học-Công nghệ VinFuture, Giáo sư Jennifer Tour Chayes chia sẻ, thế giới đang có thay đổi rất nhanh với nền tảng máy tính, điện toán, đặc biệt là những thay đổi trong lĩnh vực khoa học dữ liệu để mọi người trao đổi giao dịch và phân bổ nguồn lực.

Đại dịch Covid-19 đã tạo ra thách thức với thế giới về nhiều mặt nhưng nó cũng tạo ra bước ngoặt về công nghệ khiến cả thế giới chuyển dịch sang hình thức giao dịch trực tuyến và sử dụng nhiều nền tảng số hóa.

“Ở chừng mực nào, ta đã có một ngôi nhà số hóa trong giáo dục, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và triển khai”, Giáo sư Jennifer Tour Chayes chia sẻ.

Vì thế, với vai trò là một giáo sư ở trường đại học California, bà và các cộng sự đã thúc đẩy những bước đi rất nhanh trong phát triển điện toán, nghiên cứu về AI. “Chúng tôi là nhóm số 1 về AI với nhiều công ty như Databricks - công ty tư nhân lớn nhất phát triển về robot cho các nhà máy”, bà nói.

Do đó, theo Giáo sư Jennifer Tour Chayes, bên cạnh việc mở rộng cơ hội cho giáo dục thì các nước cần phải tăng cường phát triển các khía cạnh mới về khoa học máy tính và các phân ngành khác. Thí dụ như tại trường Đại học California hiện đã có nhiều phân môn sâu hơn về khoa học công nghệ.

Giáo sư Jennifer Tour Chayes: "Chúng ta cần tạo thêm nhiều lĩnh vực khoa học mới" ảnh 1

Giáo sư Jennifer Tour Chayes.

Một trong những xu hướng mới nổi mà nhóm nghiên cứu của bà đang triển khai đó là có các máy để dự đoán cấu trúc chức năng Protein.

“Trong y tế số, chúng tôi có chương trình y tế chính xác. Với sự hỗ trợ của máy tính sẽ đưa ra can thiệp chính xác nhằm cải thiện sức khỏe con người. Chúng tôi đang hợp tác các nhà lâm sàng để đưa máy tính can thiệp trong y tế”, bà nói.

Nhờ công nghệ, các nghiên cứu của bà đang nỗ lực làm thay đổi nhiều ngành nghề, như sàng lọc ung thư. Thí dụ, để hiểu siêu dữ liệu đa chiều về một người, nhờ công nghệ sẽ có hình ảnh con người từ nhiều năm. Đây chính là khoa học về y học chính xác với sự trợ giúp của máy tính và trí tuệ nhân tạo AI. Do đó, nhóm nghiên cứu của bà sẽ vi tính hóa, điện toán hóa và cá nhân hóa việc sàng lọc ung thư.

“Chúng ta có thể sử dụng phương pháp mới AI để thay đổi ảnh chụp dữ liệu, thí dụ như chụp tuyến vú con người. Thường chúng ta phải mất nhiều tiền để cải thiện sức khỏe người bệnh nhưng để việc tầm soát, điều trị hiệu quả, chúng ta cần dùng thêm công nghệ hỗ trợ”, bà nói.

Chia sẻ với các bạn trẻ về lý do bản thân luôn phấn khích khi tạo ra đổi mới sáng tạo, Giáo sư Jennifer Tour Chayes cho hay, việc chuyển dịch chiếm một phần rất quan trọng. Vì trong các nghiên cứu khoa học, vấn đề không phải chỉ ở đổi mới sáng tạo mà còn ở giai đoạn triển khai.

Tuy nhiên, khi lựa chọn để chuyển dịch, đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học cần phải xem yếu tố kinh tế và những quyết định về chính sách từ Chính phủ. Khi đó, chúng ta sẽ tiết kiệm hơn khi chuyển dịch sang hình thái mới, ổn định trong thời gian dài với chi phí đỡ tốn kém hơn.

Trong hành trình nghiên cứu khoa học của mình, giáo sư cũng gặp không ít khó khăn như nhiều nhà khoa học khác. Cũng có lúc, bà cảm thấy mệt mỏi, cảm thấy nản chí nhưng thay vì lùi bước, bà chọn cách bình tĩnh lại xem điều mình hướng tới là gì và mục tiêu mình hướng tới trong những nghiên cứu khoa học mình theo đuổi là ai.

Bà cũng chia sẻ với các bạn trẻ, ba yếu tố chung cho một thành công của một nhà nghiên cứu khoa học: Một là, họ được truyền cảm hứng; Hai là họ có cảm hứng và làm việc nhất quán bền bỉ hướng tới mục tiêu của họ, luôn nỗ lực trong công việc và ba là họ biết cách hợp tác với ai để đạt mục tiêu của mình. Từ đó, các bạn trẻ hãy cần tìm cảm hứng và kiên định với con đường mình đã chọn.

“Tôi nghĩ điều quan trọng chúng ta cần tiếp tục phấn đấu, hợp tác với nhau để đạt những hoài bão lớn, để đạt được ước mơ của mình”, giáo sư cho hay.

Đánh giá về sự phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam, giáo sư cho rằng, Việt Nam đã cố gắng tạo ra những tạo ra những tổ chức mới như VinFuture để có những chương trình đào tạo về khoa học công nghệ tốt nhất, tạo ra sự kết nối toàn cầu cho những sinh viên Việt Nam. Điều đó sẽ có giá trị giúp cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam được tiếp cận với các giáo sư hàng đầu thế giới, tìm kiếm cơ hội học tập, hợp tác.

Giáo sư cũng tin tưởng rằng, trong tương lai, mối quan hệ của các trường đại học Việt Nam với trường Đại học California có những liên kết chặt chẽ hơn nữa với mục tiêu cùng xây dựng nên mô hình các trường đại học của tương lai, đóng góp vào sự tiến bộ của nhân loại.