Giáo sư Nguyễn Thục Quyên: "Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu khoa học"

NDO - Giáo sư Nguyễn Thục Quyên, đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture bày tỏ hy vọng, trong tương lai gần, Chính phủ Việt Nam sẽ đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu khoa học trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, gửi các nhà khoa học trẻ học tập ở nước ngoài... để thu hút nhiều bạn trẻ theo đuổi nghiên cứu khoa học. 
0:00 / 0:00
0:00
Giáo sư Nguyễn Thục Quyên, đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo, Đại học California, Santa Barbara, Hoa Kỳ.
Giáo sư Nguyễn Thục Quyên, đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo, Đại học California, Santa Barbara, Hoa Kỳ.

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên, đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo, Đại học California, Santa Barbara, Hoa Kỳ chia sẻ. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn nhanh bên lề buổi Giao lưu với các thành viên Hội đồng giải thưởng.

Cộng đồng khoa học rất ngưỡng mộ giải VinFuture

Phóng viên: Cơ duyên nào đưa bà trở lại Việt Nam với sự hỗ trợ lớn trong việc kết nối với các nhà khoa học hàng đầu thế giới đến với Tuần lễ khoa học VinFuture và giải thưởng VinFuture?

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên: Giáo sư Vũ Hà Văn là người liên lạc với tôi từ năm 2018 mời tôi về gặp gỡ anh Phạm Nhật Vượng để chia sẻ câu chuyện muốn cống hiến cho đất nước bằng việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Lúc đầu chúng tôi chỉ nói về nghiên cứu khoa học, về AI, Big Data. Anh Phạm Nhật Vượng muốn nhờ tôi xây dựng phòng nghiên cứu về vật liệu.

Tháng 7/2020, khi anh Phạm Nhật Vượng và chị Hương chia sẻ ý tưởng muốn thành lập quỹ và liên lạc với tôi, tôi đồng ý ngay vì tôi có mối quan hệ quen biết với cộng đồng khoa học thế giới. Từ đó, chúng tôi bắt đầu xây dựng Quỹ VinFuture. Nhờ quen biết nhiều nhà khoa học quốc tế nên khi mời các giáo sư đầu ngành họ nhận lời ngay.

Phóng viên: Ý nghĩa của Quỹ VinFuture với bà như thế nào?

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên: Tôi là người Việt Nam, sinh ra lớn lên tại Việt Nam, biết đến những khó khăn của người Việt Nam. Giải này không chỉ có ý nghĩa với bản thân tôi mà giải này tôi nghĩ của cả dân tộc Việt Nam. Khi đồng hành với quỹ, tôi coi đây là cách mình giúp đất nước mình để mọi người trên thế giới, cộng đồng khoa học biết về Việt Nam nhiều hơn.

Phóng viên: Bà nhận được thông tin phản hồi thế nào về giải thưởng VinFuture từ cộng đồng quốc tế?

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên: Các bạn bè thế giới ngạc nhiên nhưng cũng rất khâm phục vì tiêu chí giải VinFuture khác biệt so với các giải khoa học toàn cầu thế giới khác.

Có những giải thưởng như Nobel tôn vinh những công trình khoa học đột phá hay khoa học cơ bản. Nhưng VinFuture hướng đến những đột phá có tầm ảnh hưởng, và mang lợi ích đến cho nhân loại. Không phân biệt người giàu hay nghèo, mọi người đều được hưởng lợi từ những công trình VinFuture vinh danh. Đó là điều cộng đồng khoa học thế giới rất ngưỡng mộ

Phóng viên: Theo bà, điều mà giải VinFuture có được dấu ấn riêng có phải là có hạng mục dành riêng cho các nhà khoa học nữ?

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên: Điều quan trọng nhất của giải VinFuture là có giải riêng cho người phụ nữ. Các giải khác trên thế giới rất ít có giải cho phụ nữ. Nhờ điểm này mình có nhiều phụ nữ từ Việt Nam và các nước khác sẵn sàng gửi đề cử tới giải thưởng.

Nếu không có giải thưởng riêng thì sẽ khó thu hút các nhà khoa học nữ.

Phóng viên: Với vai trò là đồng Chủ tịch Hội đồng sơ khảo, bà đánh giá thế nào các công trình tham dự giải VinFuture năm nay?

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên: Bước sang năm thứ 2 tổ chức, số lượng đề cử tăng lên rất nhiều. Ban giám khảo và các nhà khoa học đánh giá hồ sơ rất vất vả nhưng rất vui vì giải thưởng VinFuture đã được toàn cầu biết tới nên chất lượng càng ngày càng cao hơn.

Năm ngoái chất lượng các nghiên cứu đã tốt, năm nay chất lượng còn tốt hơn và có sự tham gia của nhiều ngành nghiên cứu khác nhau. Trong 50 năm đề cử có các ngành từ trồng trọt, pin, pin năng lượng mặt trời, vật liệu mới, y khoa… Những phát minh này rất quan trọng, có ảnh hưởng tới cuộc sống.

Có một số đề cử đến từ Việt Nam. Tôi hy vọng trong tương lai, giải thưởng sẽ nhận được nhiều hơn các nghiên cứu đến từ Việt Nam.

Cần có chính sách thu hút người tài

Phóng viên: Bà đánh giá thế nào về các nhà khoa học trẻ Việt Nam hiện nay?

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên: Mỗi lần về nước gặp gỡ các em sinh viên, tôi thấy có sự thay đổi nhiều so với 20-30 năm về trước. Tôi rất hãnh diện về điều này. Tôi mong các em cố gắng nhiều hơn để đóng góp cho nền khoa học quốc tế, đừng có ngần ngại gì.

Muốn có cơ hội được hợp tác với quốc tế, các bạn hãy mạnh dạn liên lạc với các nhà khoa học để tìm đến sự giúp đỡ. Trong nghiên cứu khoa học sẽ có những lúc thất bại nhưng chúng ta sẽ học hỏi thất bại đó để cố gắng nhiều hơn. Cứ làm tốt thì cuối cùng sự thành công sẽ đến với mình.

Tôi hy vọng Chính phủ sẽ đầu tư nhiều hơn trong việc gửi các nhà khoa học trẻ đi tu nghiệp ở nước ngoài, mang kiến thức về Việt Nam để giúp đỡ xây dựng đất nước.

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên: "Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu khoa học" ảnh 1
Giáo sư Nguyễn Thục Quyên chia sẻ về việc thu hút các bạn trẻ theo đuổi nghiên cứu khoa học.

Phóng viên: Giải thưởng này có tạo ra được sự kết nối của các nhà khoa học trẻ Việt Nam với thế giới hay không?

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên: Ngoài giải VinFuture, quỹ còn có các hoạt động kết nối toàn cầu. Các nhà khoa học trẻ muốn có sự kết nối toàn cầu có thể liên lạc với quỹ để quỹ hỗ trợ. Từ những buổi giao lưu, gặp gỡ, các nhà khoa học muốn tham gia vào quỹ, muốn liên lạc hỏi kinh nghiệm hoặc cần sự giúp đỡ thì cứ liên lạc thẳng với các nhà khoa học.

Ngay bản thân tôi cũng luôn học hỏi chuyên môn từ nhiều người trong khoa học trên thế giới. Mỗi nhà khoa học có lời khuyên khác nhau và mình sẽ lựa chọn lời khuyên phù hợp với mình. Kinh nghiệm của tôi là học hỏi tất cả mọi người, đi tới đâu hỏi tới đó.

Phóng viên: Bà có lời khuyên nào cho nhà khoa học trẻ, nhất là các nhà khoa học nữ?

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên: Theo tôi, các em sinh viên nữ năm một cần có niềm đam mê khoa học. Từ đó, sẽ tìm đến sự trợ giúp từ những nhà khoa học nữ ở trong nước và nước ngoài. Bất kỳ ai viết thư liên lạc nhờ giúp đỡ, tôi sẵn sàng giúp đỡ.

Trong ngày hôm nay, những nhà khoa học tới đây đều giúp bạn trẻ nhiều. Các bạn cứ mạnh dạn liên lạc và học hỏi. Bạn cứ hỏi 10 người sẽ có ít nhất 1 người giúp đỡ mình. Nếu gửi email, họ không trả lời thì gửi cho người khác. Sẽ có người sẵn sàng giúp đỡ mình.

Hy vọng Việt Nam có tầm nhìn xa hơn nghiên cứu về vật liệu tái chế

Phóng viên: Hiện nay có nhiều vấn đề nóng trên toàn cầu như sức khỏe toàn cầu, năng lượng, trí tuệ nhân, từ gợi mở từ các nhà khoa học quốc tế có ý nghĩa như thế nào với Việt Nam.

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên: Năng lượng và ô nhiễm môi trường là vấn đề quan trọng, mình cần phải chuẩn bị từ bây giờ, không thể đợi đến lúc nó là vấn đề to lớn rất khó xử lý.

Tại Việt Nam, chúng ta có nhiều tiềm năng như năng lượng gió, biển, mặt trời và tôi thấy Việt Nam đang phát triển nhiều về năng lượng gió, mặt trời.

Tôi hy vọng Việt Nam có tầm nhìn xa hơn về vật liệu tái chế. Thế giới dùng nhiều chất nhựa mà chỉ có 10% chất nhựa được tái chế. Tôi hy vọng Việt Nam có thể đầu tư làm nghiên cứu vào ngành nhựa để sản xuất vật liệu được tái chế hoặc có những vật liệu thiên nhiên thay thế.

Thế giới cũng đang nói nhiều về pin và sự nguy hại của nó với môi trường. Lĩnh vực tái chế pin chưa có nhiều công ty và nhóm nghiên cứu trên thế giới làm. Đó là những điểm mình cần có tầm nhìn lớn hơn. Việt Nam chú trọng điều đó sẽ đi trước thế giới cả 10-20 năm.

Phóng viên: Theo bà, Việt Nam cần phải có những chính sách như thế nào để đi theo hướng nghiên cứu này?

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên: Để bắt đầu phải có nghiên cứu và muốn nghiên cứu phải có tiền trợ cấp, cơ sở hạ tầng. Tôi nghĩ Chính phủ cần có ngân sách để làm nghiên cứu về bảo quản chất thải như pin, hoặc nghiên cứu về nhựa tái chế.

Phóng viên: Vậy chúng ta cần có cơ chế thế nào để thu hút người tài theo lĩnh vực nghiên cứu khoa học?

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên: Nếu muốn mọi người chú tâm công việc thì phải trả lương để họ sống. Họ phải lo cho gia đình mới chú trọng làm việc. Nước Mỹ hay châu Âu luôn trả lương đầy đủ cho các nhà nghiên cứu trẻ.

Tôi hy vọng, chúng ta sẽ có cơ chế như muốn sinh viên Việt Nam theo nghề nghiên cứu khoa học nhiều hơn thì phải trả lương cho họ.

Phóng viên: Từ giải thưởng này, bà hy vọng gì cho ngành khoa học Việt Nam?

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên: Hy vọng qua giải thưởng này, Chính phủ Việt Nam sẽ đầu tư thêm về nghiên cứu khoa học công nghệ. Quỹ VinFuture đã mang nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới kết nối với Việt Nam. Nếu chúng ta có cơ sở hạ tầng cho các nhà khoa học Việt Nam làm nghiên cứu thì việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế sẽ rất tốt.

Tôi hy vọng, tương lai Chính phủ Việt Nam sẽ đầu tư nhiều về cơ sở hạ tầng để làm nghiên cứu.

Xin cảm ơn Giáo sư!

Lễ trao giải VinFuture - một trong những giải thưởng Khoa học Công nghệ lớn nhất hành tinh - sẽ được phát trực tiếp trên VTV1 và website CNN, Discovery, Euronews, Technode Global.