Hiệu quả từ các công trình thủy lợi đa mục tiêu

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp đầu tư, khai thác cho nên các công trình thủy lợi ở Bắc Trung Bộ đã thực hiện có hiệu quả vai trò đa mục tiêu, vừa cung cấp nguồn nước cho đời sống, sản xuất, vừa góp phần quan trọng giúp người dân chủ động ứng phó với thiên tai, bảo đảm an ninh nguồn nước.
0:00 / 0:00
0:00
Nguồn nước tưới được bảo đảm góp phần tạo nên những mùa vàng ở Hà Tĩnh. (Ảnh ĐẬU HÀ)
Nguồn nước tưới được bảo đảm góp phần tạo nên những mùa vàng ở Hà Tĩnh. (Ảnh ĐẬU HÀ)

Là một trong những công trình hồ thủy lợi lớn nhất tỉnh Nghệ An với trữ lượng 75 triệu m3 nước, hồ Vực Mấu được huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) bắt đầu xây dựng từ năm 1978. Khi công trình được đưa vào sử dụng, việc bảo đảm nước tưới thường xuyên, đã đánh thức cả một vùng khô hạn, nghèo khó thành làng mạc trù phú.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, năm nay đã ngoài 70 tuổi ở phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai nhớ lại những ngày tháng trống dong, cờ mở, người người, nhà nhà đi vác đất để đắp đập Vực Mấu. Ông Thắng cho biết, khi chưa có nước hồ Vực Mấu, người dân ở huyện Quỳnh Lưu và vùng Hoàng Mai sống nhờ nước trời. Những năm khô hạn, người, vật nuôi thì khát nước; lúa đang vào thời kỳ đẻ nhánh thì chết đỏ ngoài đồng, người dân phải thắt ruột cắt về cho trâu bò ăn... Khi có hồ Vực Mấu, nước về đến đâu, mầu xanh của ấm no, trù phú đến đó. Sản xuất của người dân chủ động và phát triển mạnh về cả diện tích và sản lượng.

Trước đó, năng suất lúa các xã vùng Hoàng Mai rất thấp, nhưng hiện giờ đã đạt bình quân khoảng 60 tạ/ha, bằng với các vùng trọng điểm lúa khác. Hồ Vực Mấu đã góp phần làm thay đổi rất lớn diện mạo đời sống bà con vùng 10 xã phía tây bắc Quỳnh Lưu và toàn bộ thị xã Hoàng Mai, khi bảo đảm nước tưới cho 4.600 ha đất canh tác. Ngoài bảo đảm nước sinh hoạt của cả vùng và Khu công nghiệp Hoàng Mai, hồ Vực Mấu còn đóng góp vào phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch lòng hồ; giảm, cắt lũ cho hạ lưu...

Số liệu từ Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh cho thấy, ngoài việc cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, các công trình thủy lợi trên địa bàn còn cấp hơn 13.000 m3/ngày đêm nước sinh hoạt cho gần 100.000 hộ dân và 100.000m3/ngày đêm cho các đơn vị sản xuất công nghiệp trên địa bàn.

Cùng với việc chủ động “giải khát” cho hàng nghìn héc-ta lúa hè thu tại các huyện, thị phía bắc của tỉnh Hà Tĩnh, những năm qua, công trình thủy lợi Ngàn Trươi-Cẩm Trang đã thực hiện tốt vai trò cắt lũ, giảm lũ cho các địa phương vùng hạ du.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) Bùi Khắc Bằng, thời điểm trước năm 2017, mỗi khi bước vào mùa mưa lũ, bà con trên địa bàn luôn phải đối mặt với những thử thách nặng nề do thiên tai mang lại. Khu vực miền tây Hà Tĩnh có tần suất mưa rất lớn vào mùa mưa lũ (trung bình tổng lượng mưa cả đợt vào khoảng 1.000 mm) nếu không có công trình hồ Ngàn Trươi-Cẩm Trang “cắt” hàng trăm triệu mét khối nước lũ thì các xã vùng hạ du huyện Vũ Quang và thượng Đức Thọ sẽ bị ngập sâu trong biển nước.

Trải dài trên 408 km2, hồ thủy lợi Ngàn Trươi có cao trình thiết kế đỉnh đập +57,8m, dung tích hồ chứa 775 triệu m3, công trình thủy lợi đa mục tiêu này đã góp phần quan trọng giúp chính quyền địa phương và người dân chủ động phòng chống và giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.

Với 610 hồ chứa, có tổng công suất thiết kế 2,156 tỷ m³, dung tích hữu ích là 1,265 tỷ m3 nước/năm, Thanh Hóa được đánh giá là một trong những địa phương thực thi chiến lược thủy lợi một cách chủ động và linh hoạt. Từ năm 2000 trở lại đây, tỉnh Thanh Hóa được đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, hiện đại hóa 379 hồ chứa nước từ chương trình an toàn đập, hồ chứa, đầu tư công, vốn xử lý khẩn cấp, vốn 30a, nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), vốn bảo vệ và phát triển đất trồng lúa...

Các công trình hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-chính trị trên địa bàn, nhất là các khu vực vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Từ khi hoàn thành, đưa hồ Cửa Đạt có dung tích hữu ích gần 800 triệu m3 nước cùng hệ thống kênh tự chảy vào khai thác, đã góp phần cắt lũ, phân lũ, chậm lũ trên sông Chu, sông Mã, đẩy lùi xâm nhập mặn cho vùng hạ du và cung cấp nước tưới ổn định cho hơn 86.000 ha canh tác, kết hợp phát hơn 100 MW điện, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội ở Thanh Hóa.

Theo đại diện lãnh đạo các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, cùng những hiệu quả mang lại, do gặp khó khăn về huy động nguồn lực cho nên các địa phương vẫn chưa thể xây dựng, hoàn thiện hệ thống kênh dẫn nước từ các hồ chứa lớn đến các địa phương, khu vực khan hiếm nguồn nước, vì vậy chưa phát huy hết công năng của các hồ thủy lợi, nhất là hồ chứa có dung tích lớn như mong muốn ban đầu.

Cùng với đó, hệ thống hồ đập tại một số địa phương chủ yếu là hồ đập nhỏ, có lượng nước chứa ít, dễ bị khô cạn về mùa hè cho nên nhiều khu vực trở thành vùng đất chết do khô hạn, thiếu nước sản xuất, sinh hoạt. Bởi thế, mục tiêu phát triển thủy lợi theo hướng hiện đại, linh hoạt, bảo đảm cấp, thoát nước cho dân sinh, các ngành kinh tế, góp phần phục vụ phát triển kinh tế-xã hội bền vững, bảo đảm an ninh nguồn nước, lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh đang được các địa phương tập trung thực hiện.