Thủy lợi nội đồng, đầu tư nhỏ lợi ích lớn

Các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng được ví như những “mạch máu nhỏ lưu thông trong cơ thể”, dẫn nước đến từng thửa ruộng, xứ đồng. Phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng là nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công trình thủy lợi, phục vụ nhu cầu sử dụng nước đa dạng trong nông nghiệp, bảo vệ môi trường, giảm thiệt hại do nguồn nước ô nhiễm gây ra.
0:00 / 0:00
0:00
Nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ mô hình lúa rươi ở huyện Tứ Kỳ, Hải Dương.
Nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ mô hình lúa rươi ở huyện Tứ Kỳ, Hải Dương.

Việc điều tiết nước vào-ra cho từng thửa ruộng, thông qua hệ thống thủy lợi nội đồng, nhằm đáp ứng những yêu cầu về kỹ thuật trong nông nghiệp không chỉ cho cây lúa, mà còn cho nhiều mô hình sản xuất kết hợp khác. Thực tiễn cho thấy, nhờ vận hành tốt hệ thống thủy lợi nội đồng, cho nên quá trình sản xuất nông nghiệp đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân ở nhiều địa phương.

Hiệu quả thiết thực trên những cánh đồng

Dẫn chúng tôi đi thăm xứ đồng rộng chừng 30ha, Chủ tịch UBND xã Quang Trung, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương Nguyễn Việt Dự dừng lại ở cống thủy lợi Lều Vịt chia sẻ: Ðây là cống lấy nước chính dẫn vào ruộng của xã, trước đây cống chỉ nhỏ chừng 1,2m. Cách đây hai năm, được nguồn vốn đầu tư của huyện, cống được mở rộng ra hơn 4m, lượng nước vào rất nhanh. Việc lấy nước nhanh để dẫn vào các kênh nội đồng rất quan trọng đối với xã vì xã ở thế khó, một bên phụ thuộc từ nguồn nước vốn “nổi tiếng” bị ô nhiễm (hệ thống Bắc Hưng Hải), một bên là xâm nhập mặn ngày càng tiến sâu vào nhiều hệ thống thủy lợi nội đồng. Vì thế việc lấy nước nhanh đã khắc phục được cả hai thế khó trên.

Từ cống Lều Vịt, nước được dẫn vào các hệ thống dẫn và trữ nước nhỏ hơn như mương, cừ, nội đồng để phục vụ cho việc gieo cấy lúa vụ đông xuân và sau đó phục vụ cho việc kết hợp nuôi và thu hoạch rươi, cáy. Ông Nguyễn Văn Ðối ở thôn An Hộ, xã Quang Trung đang tháo nước vào ruộng rươi cho biết, những năm trước, gia đình ông cố gắng lắm cũng chỉ thu hoạch được chừng 20kg rươi mỗi sào ruộng. Tuy nhiên, từ khi mở rộng cống, hệ thống điều tiết nước nội đồng ra vào tốt, năm qua gia đình ông thu được gần 60kg rươi/sào, với giá bán giao động từ 300 đến 700 nghìn đồng/kg.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tứ Kỳ Nguyễn Anh Tuấn cho biết, hiện nay huyện đang chỉ đạo sáu xã ảnh hưởng của nước mặn, chuyển đổi mô hình sản xuất chuyên canh một vụ lúa, nhằm bảo đảm lương thực và cải tạo đất cho nuôi rươi, cáy. Tuy nhiên, để bảo đảm nguồn lợi tự nhiên rất giá trị này, công tác điều tiết nước là rất quan trọng, khi cần thì phải cho nước vào mặt ruộng nhanh, giữ nước để ấu trùng rươi sinh sôi, khi rươi đến độ tuổi thu hoạch thì tháo nước ra để thu hoạch. Ðể mở rộng diện tích xen canh lúa, rươi này thì cần tăng cường nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo và nạo vét hệ thống thủy lợi nội đồng.

Chi cục trưởng Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương) Ðỗ Tiếc Bậc cho biết, việc vận hành hệ thống thủy lợi nội đồng hiện nay đang giao cho các hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp và các tổ thủy nông. Riêng vụ đông xuân năm 2023, kinh phí hỗ trợ cho thủy lợi cơ sở là 10,559 tỷ đồng. Tuy nhiên, giải pháp bền vững và hiệu quả hơn, có thể thay vì đầu tư các loại kênh hở thì đầu tư đồng bộ hệ thống kênh dẫn nước kín bằng đường ống, vừa tiết kiệm, vừa bảo đảm chất lượng nước, dễ tu bổ sửa chữa; đồng thời tăng cường vai trò của các tổ thủy nông, các HTX dịch vụ nông nghiệp để vận hành hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng rất quan trọng trong sản xuất.

Phát huy vai trò các HTX dịch vụ nông nghiệp

Tháng 2 vừa qua, tranh thủ những ngày tạnh ráo, bớt giá rét, nông dân huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa tập trung tháo nước vào ruộng, làm cỏ, chăm sóc diện tích lúa mới cấy. Chị Lê Thị Vân ở Hòa Ðạt, xã Quảng Hòa cho biết: “Hết đợt rét, tôi ra đồng chắm dặm cho thửa ruộng gieo sạ trước Tết Nguyên đán. Tổ bảo nông điều tiết nước ngập ấm bụi lúa mới cấy rồi cho nông dân tra dặm, trừ cỏ, bón phân”. Do cơ giới hóa khâu làm đất, thu hoạch, dẫn thủy nhập điền thuận lợi cho nên vợ chồng chị Vân hiện đảm đương việc canh tác 10 sào ruộng, còn ba người con làm công nhân các công ty, doanh nghiệp.

Là một trong những huyện vùng trọng điểm lúa của tỉnh Thanh Hóa, đi đôi với khai thác tài nguyên đất đai, nhất là diện tích chuyên canh lúa theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, huyện Quảng Xương quan tâm tu bổ, nâng cấp, phát huy hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất. Ngoài việc hằng năm ra quân làm thủy lợi mùa khô, nạo vét gần 25.000m3 đất, rác, khơi thông dòng chảy; mỗi năm huyện lồng ghép các chương trình, dự án, bố trí thêm ngân sách, huy động được hơn 30 tỷ đồng xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi, nạo vét hệ thống kênh tưới, tiêu. Nhiều công trình thủy, kênh dẫn nước từng bước được đầu tư, nâng cấp.

Xã Quảng Long nằm ở phía tây nam huyện Quảng Xương có 15km kênh nội đồng đã được kiên cố hóa, hai trạm bơm tổng công suất 4.000m3 nước/giờ được đầu tư, đưa vào khai thác. Theo đó, diện tích tưới tiêu chủ động đạt tỷ lệ 85% trong tổng gần 300ha đất canh tác. Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Quảng Long Lê Ngọc Thành cho biết: Tăng năng lực tưới cho khu vực ngoại đê sông Yên, huyện Quảng Xương mới đầu tư 7,5 tỷ đồng xây dựng trạm bơm ở thôn Xuân Tiến cùng kênh dẫn. Ði đôi với nâng cao năng lực dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh, tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật cho nông dân, khảo nghiệm giống mới, tổ chức tốt dịch vụ cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật gắn với hướng dẫn nông dân thực hành “4 đúng”; HTX tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ tưới tiêu, bảo nông, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Xương, huyện quản lý gần 60km kênh mương nội đồng, kênh liên xã, 164 cống, 50 trạm bơm tưới, tiêu. Cùng với huy động các nguồn lực, từng bước đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi; tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ của 19 HTX cùng các tổ bảo nông, thời gian qua huyện Quảng Xương bàn giao một số trạm bơm cho Công ty Thủy nông quản lý, vận hành. Hệ thống thủy lợi hiện bảo đảm tưới, tiêu chủ động cho 19.500ha đất canh tác ba vụ trong năm ở huyện Quảng Xương.

Chi cục trưởng Trồng trọt tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Vương cho biết: Ðến thời điểm này, Thanh Hóa đã hoàn thành gieo cấy 113.000ha lúa chiêm xuân. Hệ thống thủy nông điều tiết, vận hành, cung ứng đủ, kịp thời nguồn nước tưới phục vụ sản xuất; nông dân các địa phương đang tập trung chăm sóc lúa chiêm xuân, trong đó có gần 35.000ha cấy trước Tết Nguyên đán hiện sinh trưởng, phát triển tốt.

Ðể tiếp tục xây dựng, quản lý, khai thác tốt các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhiều địa phương đã chủ động ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thu hút các nguồn vốn, mở rộng hình thức đầu tư, có chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng công trình thủy lợi, phát triển HTX dịch vụ thủy lợi. Bên cạnh đó các địa phương chủ động hơn trong lập kế hoạch diện tích canh tác, tưới, tiêu; bảo trì, bảo dưỡng kênh mương; đồng thời gắn trách nhiệm bảo vệ hệ thống thủy lợi với người dân, huy động sức dân trong giám sát, bảo vệ các công trình thủy lợi, từ đó, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng phục vụ tốt cho phát triển kinh tế nông nghiệp ở nông thôn.