Cả nước đạt tối thiểu 725 cơ sở trợ giúp xã hội vào năm 2030

NDO - Cơ cấu mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội của cả nước đến năm 2030 đạt tối thiểu 725 cơ sở gồm cả công lập và ngoài công lập. Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội theo hướng tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội hiện đại, bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Trẻ em tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 1 Hà Nội, Ba Vì, Hà Nội. (Ảnh: Thành Đạt)
Trẻ em tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 1 Hà Nội, Ba Vì, Hà Nội. (Ảnh: Thành Đạt)

Nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 966/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch).

Phạm vi Quy hoạch là các cơ sở trợ giúp xã hội công lập trực thuộc các bộ, ngành, địa phương và các cơ sở ngoài công lập trên phạm vi cả nước.

Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội theo hướng tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội hiện đại, bền vững.

Một trong những quan điểm phát triển được nhấn mạnh với Quy hoạch là phù hợp Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030; quy hoạch tổng thể quốc gia và các chiến lược, quy hoạch khác có liên quan; xây dựng hệ thống trợ giúp xã hội linh hoạt, thích ứng và đa dạng hóa các dịch vụ trợ giúp xã hội, dịch vụ công tác xã hội chuyên nghiệp, hỗ trợ người dân tiếp cận bình đẳng các dịch vụ xã hội cơ bản nhất.

Quy hoạc nêu rõ, phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội phù hợp với đặc điểm từng địa phương, quy mô dân số và số lượng người dân có nhu cầu trợ giúp xã hội. Phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội, nhất là trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người tâm thần, người nhiễm HIV/AIDS, người nghiện ma túy và đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp. Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, phù hợp điều kiện kinh tế-xã hội của từng địa phương. Bảo đảm người nghiện ma túy được cai nghiện và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng.

Quy hoạch có tính mở, linh hoạt, thực tiễn và kế thừa, căn cứ vào tình hình thực tế, cơ cấu dân số và nhu cầu thực tế của từng vùng, địa phương để xác định số lượng, quy mô, công suất phục vụ phù hợp với các cơ sở trợ giúp xã hội.

Quy hoạch chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội theo hướng tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội hiện đại, bền vững.

Về mục tiêu phát triển đến năm 2030, phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội đa dạng về loại hình, hiệu quả về dịch vụ, đủ năng lực, quy mô. Song hành với đó là mở rộng, phát huy và sử dụng có hiệu quả các nguồn đầu tư, khai thác các tiềm năng trong xã hội, tạo điều kiện phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội; phân bố hợp lý về nhu cầu trợ giúp, quy mô, cơ cấu vùng, miền; bảo đảm là cơ sở để tổ chức không gian, phát triển và quản lý mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội phù hợp với từng địa phương, từng giai đoạn quy hoạch bảo đảm tính khách quan, khoa học và pháp lý hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả.

Quyết định cũng đề cập tới mục tiêu cụ thể đến năm 2030.

Trước hết, bảo đảm ít nhất 90% số người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không có người chăm sóc được các cơ sở trợ giúp xã hội tư vấn, trợ giúp và quản lý, trong đó, ưu tiên trợ giúp người cao tuổi không có người chăm sóc, không có điều kiện sống tại cộng đồng, người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, người khuyết tật nặng, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị buôn bán, người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Cùng với đó, tối thiểu 90% số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện ma túy, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng từ các cơ sở cai nghiện.

Thêm vào đó, tối thiểu 90% các cơ sở trợ giúp xã hội bảo đảm các tiêu chí, điều kiện tiếp cận theo quy định đối với người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người tâm thần, người nhiễm HIV/AIDS, người nghiện ma túy và đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp.

Cuối cùng là, tối thiểu 50% số cơ sở ngoài công lập hiện có trong mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội được củng cố, phát triển về chất lượng, công suất phục vụ. Đạt tối thiểu 90% số người có hoàn cảnh khó khăn được các cơ sở trợ giúp xã hội tư vấn, trợ giúp và quản lý trường hợp.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030:

Bảo đảm ít nhất 90% số người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không có người chăm sóc được các cơ sở trợ giúp xã hội tư vấn, trợ giúp và quản lý, trong đó, ưu tiên trợ giúp người cao tuổi không có người chăm sóc, không có điều kiện sống tại cộng đồng, người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, người khuyết tật nặng, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị buôn bán, người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Về tầm nhìn đến năm 2050, cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội đến từng đơn vị hành chính cấp xã, đến các khu dân cư, bảo đảm các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn và yếu thế được trợ giúp xã hội kịp thời, phù hợp nhu cầu.

Đồng thời, phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội, nhất là cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập bảo đảm đủ năng lực, điều kiện, quy mô, công suất đáp ứng toàn diện, đa dạng các nhu cầu trợ giúp xã hội.

Đến năm 2030: Đạt tối thiểu 725 cơ sở trợ giúp xã hội trên cả nước

Quyết định cũng nêu rõ, cơ cấu mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội của cả nước đến năm 2030 đạt tối thiểu 725 cơ sở gồm cả cơ sở công lập và ngoài công lập.

Trong số này, có tối thiểu 90 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người cao tuổi; tối thiểu 94 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí; tối thiểu 130 cơ sở cai nghiện ma túy; tối thiểu 130 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; tối thiểu 117 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người khuyết tật; tối thiểu 164 cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp và trung tâm công tác xã hội.

Quy hoạch cũng phân bố mạng lưới cơ sở theo vùng đến năm 2030.

Vùng trung du và miền núi phía bắc có tối thiểu 129 cơ sở (công lập và ngoài công lập). Số cơ sở tối thiểu đối với các vùng lần lượt là: 151 cơ sở với đồng bằng sông Hồng, 169 cơ sở với vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung, 43 cơ sở với vùng Tây Nguyên, 131 cơ sở với vùng Đông Nam Bộ, 102 cơ sở với vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Về quy mô chăm sóc, bảo đảm cung cấp dịch vụ chăm sóc tại cơ sở trợ giúp xã hội cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, lang thang, cơ nhỡ, nâng công suất chăm sóc tại cơ sở từ 45.000 người năm 2020 lên 65.000 người năm 2030. Trong đó, công suất chăm sóc tại các cơ sở ngoài công lập tăng từ 30.000 người năm 2020 lên tối thiểu 42.000 người năm 2030. Cụ thể như:

Phân bố mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội (gồm cả công lập và ngoài công lập) theo vùng đến năm 2030:

Vùng trung du và miền núi phía bắc: tối thiểu 129 cơ sở

Vùng đồng bằng sông Hồng: tối thiểu 151 cơ sở

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung: tối thiểu 169 cơ sở

Vùng Tây Nguyên: tối thiểu 43 cơ sở

Vùng Đông Nam Bộ: tối thiểu 131 cơ sở

Vùng đồng bằng sông Cửu Long: tối thiểu 102 cơ sở

Người cao tuổi được chăm sóc tại cơ sở trợ giúp xã hội đạt tối thiểu 10.000 người vào năm 2030.

Người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí được chăm sóc và phục hồi chức năng tại cơ sở trợ giúp xã hội đạt tối thiểu 10.000 người vào năm 2030.

Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc tại cơ sở trợ giúp xã hội đạt tối thiểu 15.000 người vào năm 2030.

Người khuyết tật được chăm sóc tại cơ sở trợ giúp xã hội đạt tối thiểu 10.000 người năm 2030.

Tại các cơ sở xã hội tổng hợp và trung tâm công tác xã hội, số người được chăm sóc đạt tối thiểu 20.000 người vào năm 2030.

Ngoài ra, bảo đảm cung cấp dịch vụ cho tất cả các đối tượng cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy từ 38.000 học viên năm 2020 lên 86.000 học viên năm 2030.

Hiện nay, chính sách trợ cấp xã hội đang được thực hiện hằng tháng cho hơn 3,3 triệu đối tượng bảo trợ xã hội và gần 355 nghìn hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng hằng tháng.

Cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng của cơ sở trợ giúp xã hội được nâng cấp, mở rộng hoặc xây dựng bảo đảm đạt tiêu chuẩn, tiêu chí theo quy định của pháp luật.

Đội ngũ cán bộ, nhân viên trợ giúp xã hội bảo đảm phát triển đủ về số lượng, định mức và trình độ chuyên môn đạt tiêu chuẩn phù hợp theo quy định của pháp luật về trợ giúp xã hội và cai nghiện ma túy đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cơ sở.

Quyết định cũng đề cập tới 10 giải pháp cụ thể về các nội dung. Đó là: Cơ chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực; tăng cường cơ sở vật chất; môi trường, khoa học và công nghệ; liên kết, hợp tác phát triển; giáo dục, tuyên truyền; hợp tác quốc tế; huy động và phân bổ vốn đầu tư; mô hình quản lý, phương thức hoạt động; tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện nay, chính sách trợ cấp xã hội đang được thực hiện hằng tháng cho hơn 3,3 triệu đối tượng bảo trợ xã hội và gần 355 nghìn hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng hằng tháng.

Ngân sách nhà nước chi trợ giúp xã hội hằng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ khoảng 28.650 tỷ đồng/năm. Nhiều tỉnh, thành phố có điều kiện chủ động nâng mức chuẩn trợ cấp, mức trung bình khoảng 400.000 đồng/tháng, cho gần 700.000 đối tượng với kinh phí hơn 3.500 tỷ đồng mỗi năm.

Đến nay, cả nước đã thành lập được 425 cơ sở trợ giúp xã hội. Trong số này có 195 cơ sở công lập và 230 cơ sở ngoài công lập nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ trợ giúp xã hội của đối tượng cần trợ giúp xã hội.

Nhìn chung, đối tượng yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội được quan tâm, tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống; bảo đảm 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng.

Đến nay, cả nước đã thành lập được 425 cơ sở trợ giúp xã hội. Trong số này có 195 cơ sở công lập và 230 cơ sở ngoài công lập nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ trợ giúp xã hội của đối tượng cần trợ giúp xã hội.