Cả nước có 425 cơ sở trợ giúp xã hội

Trên toàn quốc hiện có 425 cơ sở trợ giúp xã hội. Con số này đạt khoảng 92% so với quy hoạch, nhưng quy mô phục vụ đã vượt ngưỡng so với mục tiêu quy hoạch.
0:00 / 0:00
0:00
Trung tâm Bảo trợ xã hội Quảng Ninh (Ảnh: baotroxahoiquangninh.vn).
Trung tâm Bảo trợ xã hội Quảng Ninh (Ảnh: baotroxahoiquangninh.vn).

Cần nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, hiện mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội được hình thành và phát triển với 425 cơ sở trên phạm vi cả nước. Trong số này, có 195 cơ sở công lập (bao gồm 8 cơ sở chăm sóc người cao tuổi, 11 cơ sở chăm sóc người khuyết tật, 35 cơ sở chăm sóc trẻ em, 88 cơ sở tổng hợp, 26 cơ sở chăm sóc người tâm thần và 27 trung tâm công tác xã hội).

Mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội có 425 cơ sở trên phạm vi cả nước. Trong số này, có 195 cơ sở công lập.

Số lượng các cơ sở trợ giúp xã hội chỉ đạt 92,2% so với quy hoạch, nhưng quy mô phục vụ đạt 157% so với mục tiêu quy hoạch.

Bên cạnh đó, đến năm 2020, trên toàn quốc có 65 cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh và người có công với cách mạng.

Cụ thể, có 7 đơn vị trực thuộc Cục Người có công. Các trung tâm điều dưỡng người có công có quy mô 6.440 giường điều dưỡng và thực hiện nuôi dưỡng 1.325 người có công và thân nhân, trong đó nuôi dưỡng 862 thương binh.

Số lượng các cơ sở trợ giúp xã hội chỉ đạt 92,2% so với quy hoạch, nhưng quy mô phục vụ đạt 157% so với mục tiêu quy hoạch.

Đồng thời, cả nước còn 113 cơ sở cai nghiện, gồm 97 cơ sở cai nghiện công lập và 16 cơ sở cai nghiện tự nguyện do tư nhân thành lập đang hoạt động, giảm 32 cơ sở. Riêng cơ sở cai nghiện bắt buộc giảm 26 cơ sở, từ 123 xuống còn 97 cơ sở, chiếm tỷ lệ 21%. Tất cả các cơ sở cai nghiện ma túy công lập do nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm chi hoạt động theo quy định.

Phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội đủ năng lực, quy mô

Mới đây, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã xây dựng và lấy ý kiến dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Dự thảo nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo đảm an sinh xã hội; phù hợp, thống nhất với Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030, quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành quốc gia liên quan.

Dự thảo Quy hoạch hướng tới 4 mục tiêu cụ thể.

Thứ nhất, phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội đủ năng lực, quy mô, đáp ứng nhu cầu tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ về trợ giúp xã hội, chăm sóc, nuôi dưỡng cho đối tượng; cai nghiện; điều trị; phục hồi chức năng cho người khuyết tật; nâng cao chất lượng, hiệu quả trợ giúp xã hội, bảo đảm thi hành kịp thời áp dụng các biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; góp phần phòng ngừa người dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao mức sống vật chất, tinh thần của đối tượng cần được trợ giúp và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Thứ hai, là cơ sở để Nhà nước hoạch định chính sách phát triển dịch vụ trợ giúp xã hội; tổ chức không gian, quản lý mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội của ngành; xây dựng giải pháp phát triển đối với từng loại cơ sở trợ giúp xã hội, phù hợp từng địa phương, từng giai đoạn quy hoạch; bảo đảm công khai, minh bạch và hiệu quả.

Thứ ba, là cơ sở để xây dựng lộ trình và triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn trong lĩnh vực trợ giúp xã hội, bảo đảm tính khách quan, khoa học và pháp lý.

Thứ tư, là cơ sở để huy động nguồn lực của cộng đồng, xã hội trong phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội, nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội tiếp cận các nước tiên tiến trong khu vực và quốc tế, đáp ứng nhu cầu trợ giúp của người dân, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả.

Phương án phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội đến năm 2030 nhằm bảo đảm ít nhất 90% số người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không có người chăm sóc được tư vấn, trợ giúp và quản lý từ các cơ sở trợ giúp xã hội. Trong đó, ưu tiên trợ giúp người cao tuổi không có người chăm sóc, người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, người khuyết tật nặng, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị buôn bán, người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Cùng với đó, hơn 90% số người nghiện ma túy và người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện ma túy, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng từ các cơ sở cai nghiện.

Thêm nữa, tối thiểu 90% các cơ sở trợ giúp xã hội bảo đảm các tiêu chí, điều kiện tiếp cận theo quy định đối với người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người tâm thần, người nhiễm HIV/AIDS, người nghiện ma túy và đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp.

Củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập, trong đó các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập đạt tối thiểu 50% số cơ sở vào năm 2030. Tỷ lệ người có hoàn cảnh khó khăn được tư vấn, trợ giúp xã hội và quản lý ca từ các loại hình cơ sở đạt tối thiểu 90%.

Về tầm nhìn đến năm 2050, cung cấp dịch vụ phát triển trợ giúp xã hội đến các khu dân cư, cấp xã; phát triển các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập là chủ yếu; bảo đảm các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn và yếu thế được trợ giúp xã hội kịp thời, phù hợp với nhu cầu từng đối tượng.

Mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội được phân bố cụ thể theo các khu vực như sau.

Vùng trung du và miền núi phía bắc có tối thiểu 116 cơ sở; vùng đồng bằng sông Hồng có tối thiểu 136 cơ sở; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung có tối thiểu 146 cơ sở; vùng Tây Nguyên có tối thiểu 41 cơ sở; vùng Đông Nam Bộ có tối thiểu 107 cơ sở; vùng đồng bằng sông Cửu Long có tối thiểu 99 cơ sở.

Dự thảo cũng đề cập đến 4 giải pháp về cơ chế, chính sách và phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, nhấn mạnh tới phát triển đội ngũ công chức, viên chức, người lao động của cơ sở trợ giúp xã hội đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng.

Mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội được phân bố cụ thể theo khu vực:

Vùng trung du và miền núi phía bắc có tối thiểu 116 cơ sở;

Vùng đồng bằng sông Hồng có tối thiểu 136 cơ sở

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung có tối thiểu 146 cơ sở

Vùng Tây Nguyên có tối thiểu 41 cơ sở

Vùng Đông Nam Bộ có tối thiểu 107 cơ sở

Vùng đồng bằng sông Cửu Long có tối thiểu 99 cơ sở

(Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050)