Công tác xã hội trong các cơ sở chăm sóc người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí

Đến nay, có 45 cơ sở bảo trợ xã hội có chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí. Công suất tiếp nhận, chăm sóc và phục hồi chức năng cho 13.000 đối tượng tại cơ sở.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Sáng 19/12, tại Hà Nội, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức hội thảo “Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng đối với trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí”.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Công Dũng, Phó Tổng Biên tập thường trực Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ, trong những năm gần đây, Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách, nhiều văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng với mục tiêu trợ giúp xã hội, trợ giúp người yếu thế cũng như trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí được can thiệp và hỗ trợ.

Ông Dũng cho hay, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chăm sóc, trợ giúp phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí còn nhiều khó khăn, hạn chế. Số trẻ được chẩn đoán tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí ngày càng tăng. Độ tuổi được chẩn đoán ngày càng nhỏ trong khi việc phát hiện sớm còn nhiều hạn chế; nơi thăm khám và điều trị chỉ có ở các thành phố lớn, thiếu ở những khu vực vùng sâu, vùng xa khó khăn. Các cơ sở bảo trợ xã hội thực hiện việc chăm sóc, phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí hiện đang rất thiếu về số lượng, thiếu các trang thiết bị phục hồi chức năng. Cán bộ, nhân viên công tác xã hội làm việc tại cộng đồng và trong các cơ sở chăm sóc trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí còn thiếu. Đặc biệt, chưa hình thành được mạng lưới cán bộ công tác xã hội nên hiệu quả công tác chăm sóc và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí tại trung tâm, gia đình và cộng đồng còn thấp...

Công tác xã hội trong các cơ sở chăm sóc người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí ảnh 1

Phó Trưởng phòng Công tác xã hội (Cục Bảo trợ xã hội) Trần Thị Lan chia sẻ tại hội thảo.

Thạc sĩ Trần Thị Lan, Phó Trưởng phòng Công tác xã hội, (Cục Bảo trợ xã hội) cho biết, hiện nay, tại Việt Nam, số người bị rối nhiễu tâm trí ước tính khoảng 10,5% dân số, tương đương 10,3 triệu người. Trong đó số người tâm thần nặng ước tính 2,5% số người rối nhiễu tâm trí, tương đương 200 nghìn người.

Các dạng bệnh tâm thần và rối nhiễu tâm trí thường gặp như: Tâm thần phân liệt, chứng động kinh, trầm cảm, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ, khuyết tật thần kinh, tổn thương não, lạm dụng rượu, nghiện ma túy...

Tại Việt Nam, số người bị rối nhiễu tâm trí ước tính khoảng 10,5% dân số, tương đương 10,3 triệu người. Trong đó số người tâm thần nặng ước tính 2,5% số người rối nhiễu tâm trí, tương đương 200 nghìn người.

Kết quả triển khai Quyết định 1215/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 phê duyệt Đề án Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020 cho thấy, đến nay, đã có 45 cơ sở bảo trợ xã hội có chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí. Trong số này, có 26 cơ sở chăm sóc chuyên biệt, 19 cơ sở tổng hợp. Công suất tiếp nhận, chăm sóc và phục hồi chức năng cho 13.000 đối tượng tại cơ sở.

Nói về khó khăn, tồn tại trong quá trình thực hiện Đề án 1215, bà Trần Thị Lan chia sẻ, mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội hiện nay thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Các cơ sở chủ yếu chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung các đối tượng theo quy mô lớn; đối tượng sống xa cách với gia đình và cộng đồng; Cùng với đó, các cơ sở trợ giúp xã hội thiếu các dịch vụ tư vấn hỗ trợ hòa nhập cộng đồng và phục hồi chức năng, trị liệu tâm lý, lao động trị liệu. Cơ sở vật chất xuống cấp, lạc hậu; thiếu trang thiết bị chuyên dùng.

Đến nay, đã có 45 cơ sở bảo trợ xã hội có chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí. Trong số này, có 26 cơ sở chăm sóc chuyên biệt, 19 cơ sở tổng hợp. Công suất tiếp nhận, chăm sóc và phục hồi chức năng cho 13.000 đối tượng tại cơ sở.

Thêm nữa, nhiều cán bộ, nhân viên chưa qua đào tạo công tác xã hội hoặc được đào tạo từ nhiều nghề khác nhau. Nhân viên y tế, nhân viên công tác xã hội còn thiếu về số lượng, tính chuyên nghiệp còn hạn chế. Một số địa phương chưa quan tâm, chưa nhận thức đúng về việc trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí. Trong khi đó, đây là một trong những nhóm người rất cần tiếp cận, sử dụng các dịch vụ trợ giúp xã hội liên quan tới công tác xã hội.

Đề cập đến Chương trình trợ giúp xã hội đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí giai đoạn 2021-2030, bà Trần Thị Lan nhấn mạnh, mục tiêu là huy động sự tham gia của xã hội nhất là gia đình, cộng đồng tăng cường trợ giúp về vật chất, tinh thần, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống. Cùng với đó, sàng lọc, phát hiện và hỗ trợ can thiệp, phòng ngừa người rối nhiễu tâm trí đặc biệt là trẻ tự kỷ bị tâm thần nặng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội đối với người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí.

Trong thời gian tới, cần chú trọng một số giải pháp trọng tâm. Đó là: Tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội, phục hồi chức năng đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí…; Thực hiện dịch vụ phát hiện sớm trẻ em tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí; Phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ phát hiện sớm, điều trị, trị liệu và phục hồi chức năng đối với trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí.

Song hành với đó, hoàn thiện chính sách về giáo dục đối với trẻ em tự kỷ và người chưa thành niên rối nhiễu tâm trí, bảo đảm phổ cập giáo dục đối với trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí. Hỗ trợ triển khai giáo dục ở các cấp học thông qua việc xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý tham gia giáo dục cho trẻ em tự kỷ và thanh thiếu niên.

Ngoài ra, nghiên cứu biên soạn tài liệu số tay hỗ trợ cho các gia đình có trẻ em tự kỷ và người chưa thành niên rối nhiễu tâm trí… cung cấp dịch vụ công tác xã hội trong lĩnh vực giáo dục. Xem xét đưa nội dung giáo dục hòa nhập vào các chương trình đào tạo giáo viên đối với các trường đại học, cao đẳng có đào tạo ngành sư phạm. Xây dựng tài liệu và tổ chức tập huấn cho giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên hỗ trợ.