Nguy cơ “nghèo hóa” với người lao động
Khi nhiều doanh nghiệp thiếu hoặc không có đơn hàng, buộc phải cắt giảm giờ làm, giảm chỗ làm việc, rất nhiều lao động trở thành người thất nghiệp. Hay như đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đến đời sống, thu nhập và việc làm của người lao động trong 2 năm vừa qua, khiến nguy cơ “nghèo hóa” của một bộ phận người lao động là khá cao.
Khảo sát tại thời điểm tháng 4/2022 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, có 56,1% người lao động được hỏi cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ trang trải cho cuộc sống; 21% cho biết họ phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ mới đủ và 13,2% cho biết thu nhập hiện nay không đủ sống.
Thu nhập thấp chủ yếu rơi vào nhóm lao động không có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hoặc trình độ chuyên môn thấp, lao động giản đơn; làm việc trong khu vực phi chính thức; công việc bấp bênh, không ổn định.
Khảo sát tại thời điểm tháng 4/2022 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, có 56,1% người lao động được hỏi cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ trang trải cho cuộc sống; 21% cho biết họ phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ mới đủ và 13,2% cho biết thu nhập hiện nay không đủ sống.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam: “Người lao động nghèo, thu nhập thấp thường gặp nhiều vấn đề về nguồn việc làm chất lượng thấp, chất lượng an sinh xã hội không bảo đảm, người lao động vô hình trung trở thành những lao động phi chính thức, không có sự bảo vệ về mặt pháp lý hoặc bảo vệ về mặt xã hội thông qua công việc của họ, khiến họ dễ gánh chịu các rủi ro kinh tế”.
Cùng với đó, khả năng tiếp cận với việc làm chính thức của lao động thu nhập thấp cũng gặp nhiều khó khăn do cản trở kinh tế, việc làm tạm thời… Điều này không chỉ tác động trực tiếp tới kinh tế, mà còn để lại hệ lụy lâu dài như vấn đề sinh kế, nhà ở, tiếp cận trợ giúp pháp lý, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, an sinh xã hội…với họ và gia đình.
Phát huy vai trò chủ thể thực hiện công tác xã hội với người lao động
Là tổ chức chính trị-xã hội đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, trong thời gian qua, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã phát huy vai trò đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò của mình trong tham gia xây dựng, thực hiện và tuyên truyền chính sách pháp luật về công tác xã hội đối với người lao động. Từ đó, cơ quan này khẳng định trách nhiệm là chủ thể thực hiện công tác xã hội đối với người lao động.
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã tham gia xây dựng nhiều chính sách, pháp luật gắn với nhóm đối tượng người lao động nói chung, người lao động thu nhập thấp nói riêng.
Đơn cử như việc tham gia xây dựng mức lương tối thiểu. Đây là mức sàn thấp nhất nhằm bảo vệ người lao động làm công việc giản đơn, trong điều kiện lao động bình thường không bị trả lương quá thấp.
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm đại diện trong nghiên cứu, đề xuất, tham gia có hiệu quả trong Hội đồng Tiền lương quốc gia, góp phần đề xuất điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng hằng năm, cải thiện đời sống người lao động, thu hẹp khoảng cách giữa tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu.
Lần đầu tiên, mức lương tối thiểu theo giờ được ban hành theo quy định Bộ luật Lao động 2019 nhằm bảo vệ tốt hơn đối tượng người lao động có công việc không ổn định, làm việc trong khu vực phi chính thức.
Năm 2022, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia Hội đồng Tiền lương quốc gia thương lượng, đàm phán về tiền lương tối thiểu trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động sâu sắc đến tình hình sản xuất kinh doanh và vấn đề việc làm, thu nhập của người lao động.
Theo đó, cơ quan này đã chuẩn bị nội dung, phương án, lập luận và quyết liệt bảo vệ phương án tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7/2022 tại các phiên họp Hội đồng Tiền lương quốc gia năm 2022.
Lần đầu tiên, mức lương tối thiểu theo giờ được ban hành theo quy định Bộ luật Lao động 2019 nhằm bảo vệ tốt hơn đối tượng người lao động có công việc không ổn định, làm việc trong khu vực phi chính thức.
Đồng thời, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng tham gia góp ý, xây dựng các chính sách, pháp luật hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm cho lao động nói chung và hỗ trợ lao động thu nhập thấp nói riêng thông qua góp ý vào xây dựng Luật Việc làm, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Tiếp sức người lao động vượt khó
Những “rào cản” mà người lao động thu nhập thấp đang gặp phải thúc đẩy tổ chức Công đoàn Việt Nam, với chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người lao động, nâng cao hơn nữa vai trò của mình trong xây dựng, tuyên truyền và thực hiện chính sách, pháp luật về công tác xã hội đối với người lao động.
Hướng tới mục tiêu của công tác xã hội nhằm giải quyết những khó khăn trong đời sống và nâng cao phúc lợi của người lao động, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã phát huy vai trò tích cực trong việc giúp người lao động nghèo giải quyết những khó khăn, rào cản trong cuộc sống.
Cụ thể như, thực hiện chính sách, pháp luật về công tác xã hội dành cho lao động nghèo, hỗ trợ người lao động từ dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ pháp lý tới các quỹ trợ vốn, hỗ trợ nhà ở cho người lao động.
Những hoạt động chăm lo đời sống vật chất cũng như tinh thần cho đoàn viên, công nhân viên chức lao động, đặc biệt là những lao động nghèo sẽ trở thành nguồn động viên kịp thời, ý nghĩa, giúp họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Đồng thời, điều này cũng khẳng định hiệu quả của việc thực hiện công tác xã hội trong lĩnh vực lao động-công đoàn.