Chiều 28/3, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Chỉ thị số 17/CT/TU (26/2/2024) và phong trào thi đua thực hiện Chỉ thị 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với việc khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Đây là chỉ thị mang tính đặc thù tại Cà Mau, nhưng có ý nghĩa lâu dài giúp bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên nhiều vùng nước khác nhau.
![]() |
Người dân vùng quê huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau) chủ động giao nộp dụng cụ xung điện gây sát hại nguồn lợi thủy sản. |
Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, sau hơn 1 năm vào cuộc quyết liệt thực hiện Chỉ thị 17, công tác quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại Cà Mau có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều địa phương trong tỉnh đã có cách làm hay, sáng tạo trong vận động người dân tự giác giao nộp dụng cụ khai thác bị cấm, với hơn 2.530 bộ dụng cụ xung điện, kích điện.
![]() |
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Phạm Thành Ngại phát biểu triển khai nhiệm vụ thực hiện Chỉ thị 17 trong thời gian tới. |
Ngành chức năng tỉnh Cà Mau còn tịch thu và tiêu hủy 719 bộ dụng cụ xung điện. Đây là những bộ dụng cụ sử dụng nguồn điện công suất lớn để khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy sản tại nhiều vùng nước khác nhau, khiến nguồn lợi thủy sản tại Cà Mau ngày càng suy kiệt.
Song hành với tuyên truyền, lực lượng chức năng Cà Mau còn tăng cường tuần tra, qua đó phát hiện và xử lý 782 vụ với tổng số tiền phạt hành chính hơn 3,3 tỷ đồng liên quan đến các hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác nguồn lợi thủy sản trái phép. Trong số này, có 6 trường hợp tái phạm nhiều lần bị khởi tố về tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản.
![]() |
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Đức Hiển (thứ 4 từ trái qua) tặng Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho các tập thể thực hiện tốt Chỉ thị 17. |
Thời gian qua, ngành chức năng tỉnh Cà Mau cũng đồng thời xúc tiến việc phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản bằng nhiều hình thức khác nhau, như: thả con giống tái tạo nguồn lợi thủy sản; thả rạn nhân tạo ngoài biển làm nơi trú ngụ cho tôm, cá; triển khai nhiều mô hình nuôi cá, thủy sản ở vùng ngọt, vùng mặn…
Song hành đó là công tác chuyển đổi nghề, giúp hàng trăm nông hộ chuyển đổi sang ngành, nghề khai thác không gây sát hại nguồn lợi thủy sản.
![]() |
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Đức Hiển phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. |
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Đức Hiển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết trước mắt mà còn là yêu cầu chiến lược lâu dài, liên quan trực tiếp đến sinh kế bền vững của người dân và sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Cà Mau.
Do vậy, đồng chí Nguyễn Đức Hiển đề nghị ngành chức năng và cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 17 trong thời gian tới, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, gắn với phát triển kinh tế-xã hội và công tác xây dựng nông thôn mới.
Cùng với đó, tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, bảo đảm tính răn đe; áp dụng biện pháp xử lý nghiêm minh, kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi khai thác hủy diệt…
“Về lâu dài, chúng ta phải đẩy mạnh việc chuyển đổi nghề phù hợp cho ngư dân, giúp người dân ổn định sinh kế, có cuộc sống bền vững, không tái diễn các ngành nghề hủy diệt nguồn lợi thủy sản”, đồng chí Nguyễn Đức Hiển lưu ý.
![]() |
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Phạm Thành Ngại tặng Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 17. |
![]() |
Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Phạm Thành Ngại triển khai và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành có liên quan và chính quyền các địa phương trong tỉnh nhằm thực hiện Chỉ thị 17 ngày càng thiết thực, chiều sâu, hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Dịp này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen cho 17 tập thể và 39 cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác chống khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt.