Chung tay phục hồi nguồn lợi thủy sản

Triều Biển Đông đưa nguồn nước mặn len lỏi vào sông, rạch vùng nội đồng chuyên canh thủy sản của tỉnh Cà Mau. Hòa cùng dòng nước mặn chát từ biển có cả nguồn con giống tự nhiên mà lâu lắm rồi, cư dân Cà Mau mới thấy xuất hiện nhiều trở lại…
0:00 / 0:00
0:00
Mục tiêu lâu dài của tỉnh Cà Mau hướng đến không còn dùng xung điện khai thác thủy sản, giúp phục hồi nguồn lợi tôm, cá vùng nội đồng, ven sông, rạch và vùng biển.
Mục tiêu lâu dài của tỉnh Cà Mau hướng đến không còn dùng xung điện khai thác thủy sản, giúp phục hồi nguồn lợi tôm, cá vùng nội đồng, ven sông, rạch và vùng biển.

Tận dụng cơ hội trời ban, nông dân sử dụng vợt lưới được làm thủ công để vớt con giống thả vào vuông nuôi tôm, hoặc bán lại cho những nông hộ có đất canh tác thủy sản trong vùng đang cần nguồn con giống.

Thành quả từ chỉ thị hợp lòng dân

Dễ bắt gặp nhất trong nguồn lợi giống tự nhiên dưới sông, rạch ở vùng mặn Cà Mau là cá nâu giống. Nhờ nguồn lợi này mà hơn ba tháng qua, vợ chồng ông Ngô Văn Đen (ấp Thuận Lợi A, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi) có thêm thu nhập phụ. Chìa cái xô nước mặn lợn cợn phù sa và chi chít những cá nâu con bé tẹo bên trong, ông Đen ước lượng tầm gần 2.000 con sau hơn hai giờ vớt cá giống dọc tuyến sông Gành Hào. Ông cho hay: "Với mớ cá giống này, tôi bán lại cho chủ hộ nuôi tôm trong vùng được khoảng 500.000 đồng".

Len lỏi theo chiều dài sông, rạch của huyện Đầm Dơi, không ít hộ vớt cá nâu giống như gia đình ông Đen. Phần lớn hộ dân vớt cá để có thêm con giống thả nuôi trong vuông tôm nhà mình, chỉ một phần nhỏ hộ không có đất canh tác đi vớt bán lại cho nông hộ cần nguồn cá giống.

Theo ông Nguyễn Tấn Thành, người có hơn 2 ha đất nuôi tôm ở ấp Tân Điền (xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi), cá nâu giống thường đi theo đàn, bơi cặp mé cống xổ tôm của người dân. Vì vậy, chỉ cần dùng vợt lưới là có thể vớt được.

"Cá nâu là một trong nhiều loài cá đặc sản ở vùng nước mặn Cà Mau, thường thả nuôi kết hợp trong vuông tôm. Khi lớn bằng cái bát ăn cơm có giá từ 150.000-200.000 đồng/kg" - Ông Thành khoe đặc sản quê nhà, đồng thời cũng thấy bất ngờ, bởi con sông trước nhà ông thuộc tuyến nhánh và nằm sâu trong nội đồng nhưng lâu lắm rồi mới thấy nguồn giống tự nhiên nhiều đến vậy.

Không hoài nghi như ông Thành, hàng xóm gần đó là ông Lê Văn Trưởng góp chuyện trong tâm thế tự tin, cho rằng, thời gian gần đây, nguồn lợi thủy sản tự nhiên phục hồi là nhờ người dân đã giảm hẳn việc dùng xung điện để đánh bắt. Khoảng mười tháng về trước, ông Trưởng lên mạng tìm hiểu rồi mua chịu bộ kích điện với giá gần 10 triệu đồng. Chưa kịp sử dụng thì cán bộ ấp, xã đến tận nhà tuyên truyền hành vi bắt cá bằng xung điện, kích điện bị cấm, phạt nặng, nếu tái phạm còn bị khởi tố. Ông Trưởng đã trả lại nơi bán và bỏ luôn ý định đi xuyệt cá.

"Nhà ít đất canh tác, định đi xuyệt bắt cá để có thêm thu nhập, nhưng nghe tuyên truyền là cần bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản, vả lại mức phạt khá nặng nếu cố tình vi phạm cho nên tôi chuyển qua nghề giăng lưới cá chẽm dưới sông cho chắc ăn" - Ông Trưởng chia sẻ.

Sau gần một năm vào cuộc thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 17 của Tỉnh ủy Cà Mau về "nói không với xung điện, kích điện", "nói không với khai thác thủy sản có tính tận diệt", toàn huyện Đầm Dơi có 247 đối tượng có dụng cụ xung điện, kích điện tự nguyện ký cam kết không sử dụng khai thác thủy sản. Trong số này, có gần 100 trường hợp tự nguyện giao nộp, số còn lại hoặc trả lại nơi sản xuất hoặc chuyển đổi công năng cho mục đích sinh hoạt của gia đình.

Theo ông Huỳnh Nhật Trường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đầm Dơi, qua tuần tra gần một năm qua, toàn huyện có 66/69 vụ sử dụng công cụ kích điện khai thác thủy sản trái phép bị xử phạt vi phạm hành chính. Trong đó, có hai vụ (với hai đối tượng) bị xử lý hình sự, một trường hợp người dân bên Bạc Liêu qua sông, rạch của huyện Đầm Dơi khai thác thủy sản bằng xung điện bị tòa xử và kết án đến chín tháng tù giam. Đây cũng là vụ đầu tiên trên địa bàn tỉnh Cà Mau bị xử lý hình sự liên quan việc tái phạm sử dụng xung điện, kích điện để khai thác thủy sản.

Nhân dân địa phương hưởng ứng và chấp hành khá tốt chủ trương của tỉnh, chủ động cung cấp thông tin tố giác việc khai thác thủy sản bằng xung điện. Qua đó đã giúp lực lượng thi hành công vụ phát hiện kịp thời, xử phạt nghiêm minh và có sức răn đe cao. Nhờ vậy, nguồn lợi thủy sản tự nhiên ngoài sông, rạch gần đây xuất hiện nhiều trở lại.

Ngăn chặn ngay khai thác thủy sản có tính hủy diệt

Trong quá khứ, nguồn lợi tôm, cá tự nhiên vùng sông nước Cà Mau nhiều vô số kể. Đó cũng là "chất liệu" để nghệ nhân dân gian Bác Ba Phi kể chuyện tiếu lâm, phóng đại nhiều sản vật ở xứ sở Cà Mau. Trong số này, có câu chuyện khôi hài về "Tôm U Minh", nội dung là Bác Ba Phi sai con Út nhà mình ra đìa mò cá để làm cơm đãi khách. Trong lúc bắt cá, Út chẳng may bị tôm búng tua tủa lên cái khăn rằn chùm đầu. Khi vào nhà, thím Ba bưng rổ ra gỡ hết chỗ tôm dính trên chiếc khăn đội đầu của Út, cân được 2,8kg.

Thời vàng son về sản vật trù phú ở Cà Mau trôi dần theo thời gian, khi công cụ khai thác thủy sản ngày càng được cải tiến. Ngoài sông, rạch, để đỡ tốn công và nhanh thu "chiến lợi phẩm", một bộ phận người dân mạo hiểm dùng "xuyệt điện" để đánh bắt tôm, cá... Cách làm này không chỉ nguy hiểm cho người sử dụng mà vô hình trung làm chết hoặc hư hại luôn nguồn cá non và các ấu trùng thủy sản, khiến nguồn lợi thủy sản tự nhiên ở Cà Mau ngày càng suy kiệt.

Để cứu vãn tình hình, cuối tháng 2/2024, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Cà Mau ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU, về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong ngăn chặn khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chỉ thị, Ủy ban nhân dân tỉnh và các địa phương ban hành chương trình hành động, phát động phong trào thi đua chống khai thác nguồn lợi thủy sản có tính chất hủy diệt, từng bước tiến tới việc "nói không với khai thác có tính chất hủy diệt", "nói không với xung điện, kích điện".

Sau gần một năm thực hiện, bằng nhiều hình thức khác nhau, các đơn vị liên quan và địa phương trong tỉnh đã tổ chức tuyên truyền được gần 14.080 cuộc, giúp hơn 400.000 lượt người dân nắm rõ chủ trương mới. Hưởng ứng và hành động vì lợi ích của cộng đồng, các tầng lớp nhân dân còn chủ động giao nộp hơn 1.860 bộ dụng cụ xung điện, kích điện; hơn 67.800 hộ dân ký cam kết không sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép và sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc… để khai thác nguồn lợi thủy sản trên tất cả các vùng nước.

Qua công tác tuần tra, lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương trong tỉnh Cà Mau còn tịch thu, tiêu hủy gần 580 bộ dụng cụ xung điện, kích điện; xử phạt hành chính gần 700 trường hợp vi phạm có liên quan với tổng số tiền phạt gần 17 tỷ đồng…

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện U Minh Lê Hồng Thịnh, góp phần giúp ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, thời gian qua, U Minh và các địa phương trong tỉnh còn thiết lập đường dây nóng (số điện thoại, group Zalo…) để tiếp nhận phản ảnh của quần chúng nhân dân về khai thác nguồn lợi thủy sản mang tính hủy diệt. Người dân tố giác tội phạm được bảo vệ, được thưởng tiền với nhiều hình thức khác nhau và bảo đảm bí mật tuyệt đối. Nhờ đó, vấn nạn dùng xung điện khai thác thủy sản hầu như không còn.

Đồng thời với xử lý vi phạm, một số địa phương tại Cà Mau đang xây dựng khu bảo tồn và phát triển cá đồng, góp phần phục hồi nguồn lợi thủy sản vùng ngọt. Ở khu vực vùng biển tiếp tục thả giống để tái tạo nguồn lợi thủy sản; thả rạn nhân tạo làm nơi trú ngụ, sinh sản cho tôm, cá; thí điểm chuyển đổi nghề cho ngư dân, nuôi biển…

Với các giải pháp đã và đang triển khai, Cà Mau kỳ vọng sẽ sớm chấm dứt việc dùng xung điện, kích điện, chất nổ… để khai thác thủy sản, góp phần bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản cả vùng nội đồng, vùng tự nhiên ngoài sông ngòi, kênh rạch và vùng biển.