Khôi phục nguồn lợi thủy sản tại Cà Mau

Suốt chiều dài 254 km bờ biển của tỉnh Cà Mau có hàng trăm sông, rạch ăn thông ra biển. Theo con nước lớn, nước ròng, nguồn lợi tôm, cá từ biển len lỏi vào sông, rồi từ sông ra biển. Quy luật tự nhiên ấy giúp sản vật vùng sông nước Cà Mau thêm trù phú.
Người dân Cà Mau chủ động giao nộp dụng cụ khai thác kiểu tận diệt góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững.
Người dân Cà Mau chủ động giao nộp dụng cụ khai thác kiểu tận diệt góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững.

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân không thực hiện hành vi đánh bắt, khai thác mang tính tận diệt, góp phần bảo tồn và khôi phục nguồn lợi thủy sản.

Sự trù phú sản vật sông nước của Cà Mau giờ đã thành quá khứ. Bởi, trên hành trình di chuyển của tôm, cá vào vùng nội đồng, chằng chịt ngư lưới cụ đã được giăng sẵn chờ bắt chúng.

Lão ngư Trần Văn Ðiền, người từng có hàng đáy khai thác thủy sản tự nhiên ven tuyến sông ở xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân đúc kết, để thu hoạch được nhiều tôm, cá tự nhiên, ngư dân dùng mọi cách. Ngoài các ngư cụ truyền thống như chày, lưới, đáy, câu…, những năm gần đây bà con sử dụng ngư cụ có mắt lưới siêu nhỏ để khai thác. Không ít người còn sử dụng cả xung điện, kích điện, chất nổ… Cách làm ấy tuy bắt được nhiều thủy sản, nhưng lại làm chết hoặc hư hại luôn nguồn tôm, cá còn nhỏ, khiến nguồn lợi thủy sản tự nhiên tái sinh không kịp và dần bị triệt tiêu.

"Gia đình tôi bỏ nghề đóng đáy cũng vì nguồn lợi tôm, cá giờ không như xưa, có làm cũng chẳng đủ ăn", ông Ðiền nói.

Cà Mau có khá nhiều ngư dân hành nghề đóng đáy như ông Ðiền giờ đã bỏ nghề hoặc chuyển nghề.

"Ngày trước cực ăn, tôi quẳng hai chày xuống sông là có tôm, cá đủ ăn cho cả ngày. Còn thu hoạch lú, một đêm cũng vài chục ký - lô tôm nhưng giờ chưa chắc đủ tiền mua gạo. Không chuyển nghề chắc cả nhà chết đói" - ông Trần Văn Hiền, ngư dân từng hành nghề đặt lú ven tuyến sông Ðầm Chim, huyện Ðầm Dơi chia sẻ.

Khai thác vô tội vạ và thiếu kiểm soát trong một thời gian dài khiến nguồn lợi thủy sản tự nhiên tại vùng sông nước Cà Mau cạn kiệt. Hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi tôm, ông Trần Văn Của, ấp Tân An Ninh B, xã Tạ An Khương Nam, huyện Ðầm Dơi cảm nhận rõ sự suy kiệt nguồn lợi trong tự nhiên.

Ông cho biết, sau năm 2000, gần 2 ha đất canh tác một vụ lúa của gia đình chuyển qua nuôi tôm. Nói là nuôi chứ thời ấy, gia đình ông chỉ mở bửng cống xổ tôm cho nước mặn ngoài sông vào trong đồng. Thủy sản trong tự nhiên theo nước trôi vào trong rồi lớn lên.

"Chỉ nuôi theo cách đơn giản như vậy nhưng mỗi lần thu hoạch tôm, cua, cá… phải đến 2 người khiêng. Giờ, dù mua giống thả nuôi, cố công chăm sóc và có can thiệp về mặt kỹ thuật, nhưng mỗi con nước chỉ được vài triệu đồng là mừng lắm rồi" - ông Của than.

Sau năm 2000, một phần lớn diện tích đất canh tác một vụ lúa tại các vùng phía nam của tỉnh Cà Mau trở thành những cánh đồng nước mặn nuôi tôm, cua và thủy sản. "Rún ngọt" của Cà Mau chỉ còn giữ lại tại huyện Trần Văn Thời, U Minh, một phần của huyện Thới Bình và thành phố Cà Mau. Chung tình cảnh như vùng mặn, nguồn lợi cá đồng tự nhiên tại vùng ngọt cũng suy giảm nhiều theo thời gian.

Theo nhìn nhận của ông Trần Thanh Liêm, nông dân ấp 3, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, nguyên nhân suy giảm do nhiều yếu tố, cả khách quan và chủ quan như: Ðiều kiện sản xuất dẫn đến môi trường bị thay đổi; dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tác động xấu đến quá trình sinh trưởng và tồn tại của các loài cá đồng; dân số tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng nguồn thực phẩm tăng theo.

"Những năm gần đây, họ còn dùng lưới điện, kích điện để bắt cá, bắt cả cá lớn và làm hư hại luôn cá non. Mùa mưa, họ bắt cả cá non mới sinh sản. Khai thác quá mức như vậy thì thứ gì mà còn, phục hồi cũng không kịp" - ông Liêm bức xúc.

Thời gian qua, Chính phủ và tỉnh Cà Mau đã ban hành đồng bộ hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo liên quan đến việc quản lý, khai thác, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Trong đó, quy định nghiêm cấm các hoạt động sử dụng hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản.

Công tác quản lý hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, hoạt động buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng hóa chất cấm, chất nổ, chất độc, xung điện trong khai thác thủy sản cũng được chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Cà Mau triển khai thực hiện và từng lúc, từng thời điểm mang lại hiệu quả tích cực.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng vi phạm các quy định trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, đặc biệt là vấn nạn sử dụng xung điện, hóa chất, ngư cụ bị cấm để khai thác ngoài biển và nội đồng.

Hệ quả của việc khai thác sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ... không chỉ gây nguy hiểm trực tiếp cho người sử dụng mà còn tác động tiêu cực đến bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, phải mất nhiều năm mới phục hồi lại được môi trường cũng như các hệ sinh thái.

Chấn chỉnh tình trạng khai thác quá mức nguồn lợi thủy sản, cuối năm 2023 và đầu năm 2024, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành Chỉ thị số 10 và Chỉ thị số 17 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với việc khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt, tận diệt trên địa bàn tỉnh.

Ngay khi ban hành, tỉnh Cà Mau phát động phong trào thi đua chống khai thác nguồn lợi thủy sản có tính chất hủy diệt, từng bước tiến tới việc "nói không với khai thác có tính chất hủy diệt", "nói không với xung điện, kích điện". Hoạt động tuyên truyền, vận động… nhanh chóng lan tỏa đến tận nhà dân.

Các địa phương cũng tăng cường tuần tra, kiểm soát việc khai thác dùng xung điện, kích điện. Tại các khu chợ đầu mối, lực lượng chức năng thường xuyên nhắc nhở tiểu thương không thu mua, buôn bán cá non làm ảnh hưởng đến nguồn lợi cá đồng…

Qua gần sáu tháng triển khai và hành động quyết liệt, toàn tỉnh Cà Mau thu nhận hơn 600 bộ dụng cụ xung điện, kích điện do người dân tự giác giao nộp; ngành chức năng tuần tra phát hiện và xử lý hơn 300 trường hợp vi phạm có liên quan.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Phan Hoàng Vũ, nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của ngành chức năng và chính quyền các địa phương trong tỉnh mà gần đây, việc khai thác bằng xung điện, kích điện đã được kiểm soát tốt và có chuyển biến tích cực. Các địa phương làm tốt như Ðầm Dơi, Ngọc Hiển, U Minh, Trần Văn Thời… còn vận động, lồng ghép nhiều hình thức chuyển đổi nghề cho người dân, giúp dân từ bỏ khai thác kiểu tận diệt.

Phát huy thành quả bước đầu, thời gian tới, tỉnh Cà Mau tiếp tục thực hiện việc thả giống để tái tạo nguồn lợi thủy sản; thả rạn nhân tạo làm nơi trú ngụ, sinh sản cho tôm, cá; thực hiện thí điểm đề án chuyển đổi nghề cho ngư dân, đồng thời rà soát, điều tra cơ bản nguồn lợi thủy sản toàn tỉnh để cơ cấu lại ngành nghề nhằm có những bước đi hợp lý, dài hơi.

Cái khó của tỉnh hiện nay trong việc kiểm soát là thiết bị có thể mua rời rồi lắp ráp lại. Khi chưa thành công cụ khai thác có tính chất tận diệt thì rất khó để chế tài, xử lý. "Cà Mau cũng mong muốn có sự đồng hành, vào cuộc quyết liệt trong hoạt động này của các tỉnh lân cận trong khu vực" - ông Phan Hoàng Vũ chia sẻ.

"Khai thác kiểu dùng kích điện, hóa chất, thuốc cá, chất nổ,… khiến nguồn lợi thủy sản của Cà Mau ngày càng cạn kiệt. Trước thực trạng này, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con không thực hiện hành vi đánh bắt, khai thác mang tính hủy diệt. Nếu ai tiếp tục vi phạm sẽ áp dụng các quy định của pháp luật để xử lý nghiêm. Qua đây, lãnh đạo tỉnh tha thiết, mong mỏi bà con nghiêm túc thực hiện, kiên quyết nói không với khai thác kiểu tận diệt" - đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau cho biết.