Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú Châu Thành Đô cho biết, toàn xã hiện có 2.368 hộ dân với 10.043 nhân khẩu, trong đó đồng bào Khmer chiếm 81,1%. Những năm qua, xã đã huy động, lồng ghép nhiều nguồn lực từ các chương trình, dự án dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với xây dựng nông thôn mới để đầu tư hạ tầng kinh tế-xã hội từng bước hoàn thiện. Tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Đến thời điểm này, xã đã vận động hơn 300 hộ dân hiến gần 150.000 m2 đất, đóng góp hàng nghìn lượt ngày công lao động, thực hiện nạo vét kênh nội đồng, sửa chữa, làm mới đường giao thông nông thôn. Vận động nông dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất rau màu an toàn, đạt chuẩn hữu cơ gắn với hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Hiện tại, Hợp tác xã nông nghiệp Thành Công thu hút 51 thành viên, hằng năm hợp đồng bao tiêu sản phẩm ớt chỉ thiên cho thành viên, hộ dân ấp Giồng Cao với diện tích 40 ha, mức giá thị trường 40.000-50.000 đồng/ kg. Hợp tác xã cũng đã được cấp chứng nhận mã vùng trồng để xuất khẩu ớt trái sang thị trường châu Âu. Toàn xã Ngọc Biên có diện tích cây màu luân canh xuống chân ruộng lúa hơn 800 ha, chủ yếu là bắp, đậu phộng, ớt chỉ thiên. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 68 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 40 triệu đồng so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm xuống còn dưới 1%. Hạ tầng giao thông, điện, trường học, trạm y tế, các công trình, thiết chế văn hóa, thể thao được xây dựng mới phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân...
Là huyện ven biển của tỉnh Trà Vinh, Trà Cú có đông đồng bào Khmer sinh sống. Theo kết quả rà soát năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 12,3 triệu đồng/người/năm; hạ tầng giao thông yếu kém, tỷ lệ nhựa hóa 13%, bê-tông hóa 19%, còn lại là đường đất, sình lầy trong mùa mưa. Khi đó, huyện Trà Cú còn 5 xã thuộc Chương trình 135; xã đạt cao nhất là 10/19 tiêu chí, xã thấp nhất là 4/19 tiêu chí xã nông thôn mới, huyện đạt 2/9 tiêu chí huyện nông thôn mới.
Thực hiện tiêu chí huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đến nay, Trà Cú đã đạt 9 tiêu chí với 36 chỉ tiêu. Trong đó, hạ tầng kinh tế-xã hội cơ bản hoàn thiện, tạo động lực cho phát triển kinh tế nông thôn. Hệ thống giao thông, thủy lợi đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất của người dân. Hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt 99,9%; hộ dân có nhà ở kiên cố, bán kiên cố đạt 95%; hộ nghèo, cận nghèo đa chiều kéo giảm còn dưới 4%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 70,36 triệu đồng.
Huyện Trà Cú đã huy động hơn 4.000 tỷ đồng đầu tư hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Từ đó, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, cảnh quan môi trường ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch đúng định hướng, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Toàn huyện có 15/15 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; hai thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh. Trong không khí vui tươi chuẩn bị đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer, chị Kim Thị Phương Tâm, nữ đảng viên người dân tộc Khmer ở ấp Cây Da, xã Tập Sơn, huyện Trà Cú phấn khởi cho biết: “Nhờ xây dựng nông thôn mới, khắp nẻo đường quê tôi đã được trải nhựa sạch sẽ, nhà cửa khang trang, kinh tế phát triển, người dân ổn định cuộc sống; mọi người đang hân hoan đón mừng Tết Chôl Chnăm Thmây”.
Theo thông tin từ Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Trà Vinh, đến nay, tỉnh đã đạt 8/8 nội dung, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo quy định tại Quyết định năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer được kéo giảm xuống còn 1,46%, cận nghèo là 2,7%. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ đầu tư các dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống cho người dân; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch... với tổng nguồn vốn hơn 271 tỷ đồng.
Đến nay, 59 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Trà Vinh đã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, không còn xã, ấp đặc biệt khó khăn. Tỉnh Trà Vinh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho triển khai dự án 7, 8, 10 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn 1 (2021-2025), trên địa bàn các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 861 (năm 2021) của Thủ tướng Chính phủ. Các dự án này sẽ giúp chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao vị thế đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện hiệu quả Luật Bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em...