Buôn làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số đổi thay nhờ cây lúa nước

NDO - Những năm gần đây, tỉnh Phú Yên có nhiều giải pháp giúp đồng bào miền núi, vùng dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Một trong những chủ trương có hiệu quả nhất là đầu tư, hướng dẫn người dân làm cây lúa nước. Hiệu quả từ lúa nước giúp ổn định lương thực tại chỗ, không còn nạn thiếu đói giáp hạt, góp phần xóa đói giảm nghèo, làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn miền núi của khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân Ê Đê xã Ea Trol huyện Sông Hinh thu hoạch lúa nước.
Người dân Ê Đê xã Ea Trol huyện Sông Hinh thu hoạch lúa nước.

Tại nhiều địa phương miền núi, chính quyền đã huy động hàng trăm tỷ đồng, xây dựng nhiều công trình thủy lợi, khai hoang chuyển đổi đất gò đồi thành đất trồng lúa, đồng thời đẩy mạnh công tác khuyến nông, giúp bà con thay đổi tập quán canh tác nông nghiệp.

Ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên cho biết, trong điều kiện nguồn kinh phí của huyện còn khó khăn, nhưng huyện xác định phát triển cây lúa nước cho bà con là chiến lược, mỗi năm huyện Sông Hinh đầu tư trên dưới 10 tỷ đồng xây dựng hệ thống thủy lợi.

Buôn làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số đổi thay nhờ cây lúa nước ảnh 1

Người dân vui mừng từ mô hình thâm canh lúa nước trên đồng ruộng mới san ủi tại xã EaTrol huyện Sông Hinh, Phú Yên.

Cụ thể như năm 2020, huyện đã bỏ ra 8 tỷ đồng xây dựng trạm bơm điện hồ trung tâm, thị trấn Hai Riêng. Công trình này có 2 tổ máy, công suất 520m3/h, đẩy nước lên độ cao 26m rồi dẫn vào kênh mương thủy lợi, đảm bảo cung cấp nước tưới phục vụ khoảng 70ha đất sản xuất nông nghiệp cho bà con dân tộc Ê Đê xã Ea Bia và một số hộ dân lân cận.

Cánh đồng buôn Dành trước đây sử dụng nguồn nước từ công trình thủy lợi đập dâng EaTrol, do biến đổi khí hậu nguồn nước đầu nguồn ngày càng ít và ở cuối đường kênh nên thường xuyên bị thiếu nước tưới, chỉ sản xuất được 1 vụ hoặc bỏ hoang. Nhờ công trình thủy lợi này hơn 34ha đất của 134 hộ dân đã được cải tạo thành ruộng chuyên canh cây lúa nước 2 vụ, cho năng suất lúa đạt 80 tạ/ha.

“Nghị quyết của Huyện Đảng bộ Sông Hinh nhiệm kỳ 2020-2025 xác định đầu tư nhiều công trình, dự án để mở rộng diện tích lúa nước giúp người dân ổn định cuộc sống. Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ về khuyến nông, tìm nguồn vốn khai hoang, cải tạo đất, vận động người dân mở rộng diện tích, khai thác hết công suất của các công trình thủy lợi trên địa bàn…”, ông Đinh Ngọc Dạn chia sẻ.

Cũng như Sông Hinh, người dân đồng bào dân tộc thiểu số huyện miền núi Sơn Hòa cũng có của ăn của để nhờ chuyển đổi cây trồng bấp bênh sang trồng lúa nước.

Buôn làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số đổi thay nhờ cây lúa nước ảnh 2

Cán bộ Phòng nông nghiệp huyện Sông Hinh, Phú Yên hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lúa nước cho đồng bào dân tộc Ê Đê.

Krông Pa huyện Sơn Hòa giáp ranh với tỉnh Gia Lai là xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Phú Yên. Toàn xã có 884 hộ, 4039 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Ê Đê. Trước đây đời sống của đại bộ phận nhân dân nghèo đói. Nguyên nhân, diện tích tự nhiên toàn xã thì rất rộng trên 4.147 ha, trong đó có một nửa diện tích sản xuất nông nghiệp, nhưng chủ yếu sản xuất cây màu ngắn ngày như sắn, mía, ngô đậu các loại. Riêng cây lúa mỗi năm một vụ, phụ thuộc vào nước trời. Nhiều năm nắng hạn kéo dài, hàng trăm ha lúa trồng cạn chết trắng, cái đói triền miên đeo đuổi nhiều gia đình…

Ông Phạm Đình Phụng, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa chia sẻ, dự án xây dựng Trạm bơm Buôn Lé, xã Krông Pa do Công ty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ làm chủ đầu tư hơn 58 tỷ đồng, sẽ phục vụ nước tưới cho 300ha, trong đó có 200ha lúa hai vụ. Đến nay đã phát huy hiệu quả, khai thác tưới cho cánh đồng xã Kroong Pa trên 90 ha. Nhờ cây lúa nước, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng được cải thiện rõ rệt.

Từ khi nhà nước đầu tư công trình thủy điện Sông Ba Hạ, đã xây dựng trạm bơm điện buôn Lé A, xã Krông Pa để cải tạo đất làm lúa nước cho người dân trong xã. Nhờ chuyển đổi cây trồng từ lúa thổ ăn nước trời, sang làm lúa nước đã thực sự thay đổi cách nghĩ, cách làm ăn của bà con. Đến nay hộ đói không còn, hộ nghèo giảm mỗi năm 4%; tốc độ tăng thu ngân sách hàng năm 72,2%... Nhiều trục đường chính trong xã được bê tông, trường học, trạm y tế được xây dựng mới, con em trong độ tuổi được đến trường…

Theo ông Kpă Thinh, Bí thư Đảng ủy xã Krông Pa, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ mở rộng thêm 170 ha diện tích lúa nước. Hơn nữa công suất thiết kế của trạm bơm điện buôn Lé A tưới cho toàn xã là 300 ha, nhưng hiện nay bà con mới làm được chưa đến 90 ha, trong khi đó quỹ đất của xã còn rất lớn. Nhưng do đặc điểm là đất đồi gò cần một nguồn kinh phí rất lớn để cải tạo mới có thể làm lúa nước. Rất mong Đảng, Nhà nước tiếp tục có chính sách đầu tư nhiều hơn để mở rộng diện tích lúa nước, chắc chắn đời sống của bà con dân tộc thiểu số sẽ khấm khá hơn nhiều.”