Bước tiến trong quản lý AI tại châu Âu

Ðức, Pháp và Italia vừa đạt được một thỏa thuận quan trọng về cách thức quản lý trí tuệ nhân tạo (AI) trong tương lai. Trong bối cảnh sự phát triển nhanh chóng của AI thu hút sự quan tâm của toàn thế giới, Lục địa già tiếp tục phát huy vai trò là một trong những khu vực tiên phong toàn cầu về xây dựng khung pháp lý toàn diện để quản lý AI.
0:00 / 0:00
0:00
Bước tiến trong quản lý AI tại châu Âu

Theo thỏa thuận mà Ðức, Pháp và Italia đã đạt được, chính phủ ba nước ủng hộ các cam kết tự nguyện ràng buộc đối với tất cả các nhà cung cấp AI lớn và nhỏ ở Liên minh châu Âu (EU), thay vì chỉ áp dụng đối với các nhà cung cấp AI lớn như đề xuất trước đó của Nghị viện châu Âu (EP).

Ba quốc gia châu Âu cho rằng, việc phân biệt các quy định theo quy mô của các nhà cung cấp AI sẽ tạo cạnh tranh không bình đẳng với lợi thế nghiêng về các nhà cung cấp AI nhỏ. Một điểm đáng lưu ý nữa là thỏa thuận của ba nước trên không quy định ngay các biện pháp trừng phạt, mà hệ thống xử phạt sẽ chỉ được thiết lập sau khi phát hiện các trường hợp vi phạm quy tắc ứng xử.

Giới chuyên gia nhận định, thỏa thuận nêu trên của Ðức, Pháp, Italia - ba quốc gia có vị thế và tiếng nói quan trọng tại châu Âu - là một bước tiến tích cực, giúp đẩy nhanh các cuộc đàm phán về quản lý AI ở cấp độ khu vực EU và rộng hơn là toàn châu lục. Bộ trưởng Công nghiệp Italia Adolfo Urso khẳng định, hoạch định chính sách về AI là vấn đề hàng đầu của EU và cần thiết phải phối hợp hành động để thực hiện nhiệm vụ này.

Mới đây, EU đã tiến thêm một bước quan trọng trong quá trình hiện thực hóa Ðạo luật AI, trong bối cảnh các nghị sĩ đạt được đồng thuận về bản dự thảo các nguyên tắc minh bạch và quản lý rủi ro mới với hệ thống AI. Ðược kỳ vọng sẽ chính thức có hiệu lực vào cuối năm nay, Ðạo luật AI nhiều khả năng trở thành đạo luật đầu tiên trên thế giới điều chỉnh toàn diện lĩnh vực mới mẻ này.

Mới đây, EU đã tiến thêm một bước quan trọng trong quá trình hiện thực hóa Ðạo luật AI, trong bối cảnh các nghị sĩ đạt được đồng thuận về bản dự thảo các nguyên tắc minh bạch và quản lý rủi ro mới với hệ thống AI. Ðược kỳ vọng sẽ chính thức có hiệu lực vào cuối năm nay, Ðạo luật AI nhiều khả năng trở thành đạo luật đầu tiên trên thế giới điều chỉnh toàn diện lĩnh vực mới mẻ này.

Thời gian qua, hàng loạt hội nghị lớn, nhỏ về AI được tổ chức tại các quốc gia châu Âu, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của châu lục đối với sự phát triển nhanh chóng của AI. Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu đầu tiên về an toàn AI diễn ra mới đây tại Anh đã khép lại với kết quả tích cực là 28 quốc gia ký kết Tuyên bố Bletchley, mở ra một chương mới trong hoạt động quản lý AI.

Theo Chính phủ Anh, Tuyên bố Bletchley đề cập đến việc phát huy tinh thần đồng thuận và trách nhiệm chung liên quan rủi ro AI, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong bảo đảm sử dụng và nghiên cứu AI an toàn. Nhiều hội nghị khác về công nghệ hiện đại này cũng được tổ chức, như Hội nghị thượng đỉnh về kỹ thuật số tại thành phố Jena, Ðức từ ngày 20 đến 21/11, Hội nghị quốc tế AI tại Pháp từ ngày 22 đến 24/11…, qua đó góp phần tạo nền móng vững chắc để xây dựng một thế giới an toàn trong thời đại AI.

Lâu nay, châu Âu luôn là một trong những khu vực tiên phong trong thiết lập các quy định quản lý lĩnh vực công nghệ, điển hình là Ðạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) của EU đã siết chặt kiểm soát hoạt động của các “đại gia” công nghệ, mang lại không gian mạng an toàn hơn cho người sử dụng. Tuy nhiên, việc xây dựng những quy định mới nhằm quản lý AI, một công nghệ có tốc độ phát triển nhanh chóng, gây ra không ít khó khăn cho các nhà lập pháp.

Chính phủ các nước cũng đối mặt bài toán khó là làm thế nào để cân bằng giữa quản lý, hạn chế rủi ro, nhưng vẫn tạo đủ không gian để doanh nghiệp AI sáng tạo, phát triển sản phẩm. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã kêu gọi thành lập một hội đồng toàn cầu gồm các chuyên gia và đại diện công ty công nghệ để giải quyết những thách thức do AI đặt ra.

Rõ ràng thế giới ngày càng nhận ra rằng, tính năng vượt trội của các sản phẩm AI luôn đi kèm những mối đe dọa khôn lường trong đời sống thực. Bộ trưởng Khoa học, Ðổi mới và Công nghệ Anh Michelle Donelan từng nhấn mạnh, không có quốc gia đơn lẻ nào có thể tự ứng phó nguy cơ từ AI. Bởi vậy, các nước cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, học hỏi lẫn nhau, hướng tới mục tiêu vừa tận dụng được những lợi ích mà công nghệ mang lại, lại vừa chế ngự được những rủi ro đi kèm.