Triển vọng lạc quan từ các nền kinh tế lớn
Trong báo cáo đưa ra trung tuần tháng 6 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) nâng dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 2,6% trong năm nay, tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo được đưa ra hồi tháng 1/2024. Định chế tài chính này cũng đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2024 cho các nền kinh tế phát triển lên 1,5%, tăng 0,3 điểm phần trăm.
WB cũng đánh giá lạc quan hơn về triển vọng của các nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo đó kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,5% trong năm nay, tăng 0,9 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1/2024, phần lớn nhờ hoạt động chi tiêu tiêu dùng và chi tiêu chính phủ mạnh mẽ, cùng với giảm nhập khẩu. Các nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển sẽ tăng trưởng 4% trong năm nay, tăng nhẹ so với dự báo hồi tháng 1/2024; trong đó, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm nay, cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với dự báo tháng 1/2024.
Trong báo cáo đưa ra trung tuần tháng 6 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) nâng dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 2,6% trong năm nay, tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo được đưa ra hồi tháng 1/2024. Định chế tài chính này cũng đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2024 cho các nền kinh tế phát triển lên 1,5%, tăng 0,3 điểm phần trăm.
Trước đó, trong bản cập nhật tới giữa năm về Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới, Liên hợp quốc đã dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm 2024 và 2,8% trong năm 2025. Liên hợp quốc nâng dự báo kinh tế thế giới nhờ triển vọng kinh tế lạc quan hơn tại Mỹ, quốc gia có thể đạt mức tăng trưởng 2,3% trong năm nay, và tình hình khả quan hơn ở một số nền kinh tế mới nổi hàng đầu như Ấn Độ, Nga và Brazil. Ngày 1/7, Ngân hàng Trung ương Brazil - nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latin - cũng đã nâng dự báo tăng trưởng của nước này lên 2,3% trong năm nay, tăng so với mức 1,9% được đưa ra trước đây. Theo ngân hàng nói trên, trong quý I năm nay, thu thuế của nền kinh tế nước này đã tăng đáng kể sau khi cuối năm 2023, lần đầu tiên, Tổng thống Lula da Silva đã ban hành luật đánh thuế các khoản đầu tư của những người siêu giàu. Ngân hàng Trung ương Brazil cũng dự báo lạm phát trong năm nay sẽ ở mức từ 3,5 đến 4%, và từ 3,2 đến 3,4% trong năm 2025.
Dự báo mới nhất của hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s công bố trong tháng 6 cũng khẳng định triển vọng kinh tế thế giới sáng sủa hơn và tăng trưởng kinh tế vĩ mô trên phạm vi toàn cầu được duy trì ổn định. Theo đó, cơ quan này nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cho năm 2024 lên 4,5% từ mức 4%, chủ yếu nhờ tính hiệu quả của chiến lược tăng trưởng tập trung vào xuất khẩu và sản xuất thời kỳ hậu đại dịch Covid-19. Đồng thời, hãng Moody’s ghi nhận rằng hoạt động thương mại và sản xuất chế tạo đã đóng vai trò là động lực cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý I/2024. Theo đó, trong quý I năm nay, GDP của Trung Quốc tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023. Các chuyên gia của Moody’s cho rằng, những biện pháp hỗ trợ của chính phủ, chẳng hạn như biện pháp bình ổn thị trường bất động sản, sẽ giúp Trung Quốc đạt được tốc độ tăng trưởng GDP vững chắc...
Chặng đường phía trước không ít chông gai
Mặc dù lạc quan về triển vọng kinh tế thế giới năm nay và năm 2025, nhưng các tổ chức, định chế tài chính quốc tế vẫn quan ngại về nhiều rủi ro, thách thức với kinh tế toàn cầu. Trong báo cáo công bố tháng 6 vừa qua, WB nhận định tăng trưởng kinh tế sẽ không đồng đều trên toàn cầu và khó trở lại mức trước đại dịch Covid-19 và các thách thức phía trước vẫn rất lớn. Nhà kinh tế trưởng của WB Indermit Gill nhận định mặc dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu dường như đang dần ổn định sau tác động của đại dịch, xung đột, lạm phát và các chính sách thắt chặt tiền tệ, song mức tăng trưởng hiện nay lại thấp hơn so với trước năm 2020. Một điều đáng lo ngại hơn là các nền kinh tế nghèo nhất thế giới đang phải đối mặt với các mức nợ quá cao, khả năng thương mại bị hạn chế và chịu tác động nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, trong đầu tàu kinh tế thế giới là Mỹ cũng tồn tại những nguy cơ về tăng trưởng. Tờ Bloomberg vừa dẫn nhận định của giới chuyên gia cho rằng, dù nền kinh tế của "Xứ cờ hoa" đã phục hồi khả quan, nhưng vẫn có những yếu tố quan trọng cho thấy tăng trưởng kinh tế có xu hướng suy giảm trong nửa đầu năm nay do tác động của lạm phát và chính sách duy trì lãi suất cao kéo dài của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Cụ thể, chi tiêu cá nhân - động lực chính của nền kinh tế - giảm 0,5 điểm phần trăm, xuống còn 1,5% trong trong quý đầu năm nay. Trong khi đó, thâm hụt thương mại của Mỹ lớn nhất trong hai năm, thị trường việc làm yếu kém và sức mua nhà của người dân sụt giảm… Nói về hiện tượng này, Bill Adams, Nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Comerica, đánh giá nền kinh tế Mỹ đang hoạt động ở tốc độ thấp trong nửa đầu năm 2024.
Ngoài những vấn đề nêu trên, giới phân tích cho rằng, trong nửa cuối năm 2024 và năm 2025, kinh tế toàn cầu còn đối mặt một loạt rủi ro và những "cơn gió ngược" khác như: lạm phát, lãi suất cao, căng thẳng địa chính trị và các vấn đề chính trị khác. Các chuyên gia của WB dự báo, lạm phát toàn cầu sẽ chậm lại ở mức 3,5% trong năm nay và tiếp tục giảm xuống mức 2,9% trong năm 2025. Tuy nhiên, lãi suất trên toàn thế giới được dự báo vẫn ở mức cao, trung bình khoảng 4% trong giai đoạn 2025 và 2026, gần gấp đôi mức trung bình trong 20 năm trước đại dịch. Gần đây, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) đã cắt giảm lãi suất cơ bản, nhưng tại Mỹ, FED vẫn quyết định giữ lãi suất ổn định lần thứ 7 liên tiếp hôm 12/6.
Bên cạnh yếu tố lãi suất, nguy cơ từ căng thẳng Nga-Ukraine hay xung đột Hamas-Israel có thể cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu, do giá dầu mỏ và chi phí vận chuyển bị đẩy lên cao. Các cuộc xung đột còn tác động tiêu cực đến tâm lý kinh doanh và tiêu dùng, làm gia tăng lo ngại rủi ro, ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu. Những diễn biến chính trị khác như căng thẳng thương mại giữa Mỹ, Liên minh châu Âu với Trung Quốc và hàng loạt cuộc bầu cử quan trọng trong năm nay trên thế giới, cũng sẽ tác động không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế thế giới. Các chính sách mà Trung Quốc công bố tại kỳ họp Quốc hội năm 2024, cũng như chủ trương của hai ứng cử viên tổng thống Mỹ của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều cho thấy cuộc cạnh tranh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục gay gắt. Bên cạnh đó, nền kinh tế toàn cầu năm nay còn chịu sự chi phối của siêu chu kỳ bầu cử, khi 76 quốc gia tiến hành bầu cử, với khoảng 50% dân số thế giới đi bỏ phiếu…
Những rủi ro, thách thức nêu trên cho thấy, dẫu những gam mầu sáng đã xuất hiện nhiều hơn trên bức tranh toàn cầu, nhưng kinh tế thế giới vẫn còn một chặng đường rất dài để trở lại thời kỳ tăng trưởng như trước đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh nêu trên, kiểm soát vĩ mô, kích cầu tăng trưởng, hỗ trợ doanh nghiệp và tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế trước những biến cố bên ngoài, vẫn là "những việc cần làm ngay" với tất cả các quốc gia.