Khẳng định vai trò tiên phong của Việt Nam trong sự phát triển kinh tế thế giới

NDO - Việc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam hai lần được mời tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Trung Quốc, thể hiện vai trò quan trọng của Việt Nam tại diễn đàn quốc tế này, đồng thời cho thấy vị thế ưu tiên nổi bật trong bố cục ngoại giao của Trung Quốc.
0:00 / 0:00
0:00
Giáo sư Hứa Lợi Bình trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc.
Giáo sư Hứa Lợi Bình trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc.

Đây là khẳng định của giáo sư Hứa Lợi Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện nghiên cứu chiến lược toàn cầu và châu Á-Thái Bình Dương (CASS), Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc chung quanh chuyến tham dự WEF Đại Liên và làm việc tại Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Theo ông Hứa Lợi Bình, việc người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Trung Quốc đã thể hiện vai trò dẫn dắt hết sức quan trọng của Việt Nam đối với kinh tế thế giới, hay nói cách khác, Việt Nam đóng vai trò “nhà tiên phong” trong sự phát triển kinh tế toàn cầu.

Lấy dẫn chứng từ mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam trên 5% trong năm 2023 và dự báo có thể đạt từ 6-6,5% trong năm nay, giáo sư Hứa Lợi Bình đánh giá Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng rất nổi bật, ở mức cao trong các nền kinh tế mới nổi ở khu vực châu Á, đóng góp cho tăng trưởng chung của châu Á-Thái Bình Dương và thế giới, cho thấy tiềm năng và động lực phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai, mang lại niềm tin mạnh mẽ hơn trong bối cảnh phục hồi kinh tế thế giới.

Về bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Diễn đàn WEF Đại Liên năm nay, giáo sư Hứa Lợi Bình nhận định, bài phát biểu đã khái quát 3 yếu tố chủ đạo tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ và 3 lĩnh vực tiên phong định hình, dẫn dắt thế giới hiện nay, thể hiện những đánh giá hết sức xác đáng của nhà lãnh đạo Việt Nam đối với sự phát triển của kinh tế thế giới, nhất là những nội dung về phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, phát triển nguồn nhân lực với những dẫn chứng thuyết phục, đã mang đến “giải pháp Việt Nam” cho tương lai phát triển của thế giới.

Bày tỏ tâm đắc với những đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính về xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia; giúp đỡ, hỗ trợ nguồn lực, tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược như hạ tầng giao thông, ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng y tế...; chuyển giao công nghệ tiên tiến và ưu tiên cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, vị học giả Trung Quốc cho rằng, đây đều là những chìa khóa để giải bài toán tăng trưởng và phát triển, nhất là cho các nền kinh tế mới nổi ở khu vực châu Á.

“Những đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa tích cực, đóng góp một cách xây dựng cho sự phục hồi và phát triển của kinh tế toàn cầu, nhất là các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, chúng tôi cũng đánh giá cao những nhận định của Thủ tướng Phạm Minh Chính với những đóng góp và nỗ lực của phía Trung Quốc với sự phát triển của nền kinh tế thế giới. Điều này thể hiện sự tin cậy chiến lược cao độ giữa hai nước Trung Quốc và Việt Nam”, Giáo sư Hứa Lợi Bình nhấn mạnh.