Đoàn công tác đến tham quan Trung tâm Trưng bày Văn hóa Chăm Bình Thuận tại huyện Bắc Bình; xem các nghệ nhân tiêu biểu người Chăm biểu diễn nghệ thuật làm gốm, dệt thổ cẩm, trình bày các nhạc cụ người Chăm…
Đoàn đã chúc Tết Katê 2024 và tặng quà cho chín người có uy tín là đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn ở huyện Bắc Bình.
Theo ông Nguyễn Công Lý, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bắc Bình cho biết, Bắc Bình là huyện miền núi với hai thị trấn và 16 xã gồm 25 dân tộc.
Dân số toàn huyện 34.265 hộ/133.797 khẩu, trong đó có bảy xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là có ba xã thuần và hai thôn xen ghép thuần đồng bào Chăm.
Đồng bào Chăm hiện nay có 5.300 hộ/23.189 khẩu, chiếm 15,47% dân số toàn huyện, trong đó hộ nghèo đồng bào Chăm trên toàn huyện có 28 hộ/147 khẩu, chiếm 0,08% dân số toàn huyện; hộ cận nghèo 225 hộ/ 1.087 khẩu, chiếm 0,66% dân số toàn huyện.
Đồng chí Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tham quan văn hóa người Chăm. |
Hằng năm, vào ngày 1/7 Chăm lịch (thường vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 dương lịch), Tết Katê của người Chăm được khai diễn và kéo dài trong ba ngày.
Lễ chính được tổ chức tại các Đền, Tháp Chăm như tháp PôSahInư, Đền PôNít…
Đặc biệt, ngày 2/10, tại di tích tháp PôSahInư sẽ diễn ra Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia đối với Linga vàng của tỉnh Bình Thuận. Lễ công bố được tổ chức kết hợp với trưng bày hiện vật Linga vàng và hình ảnh khai quật khảo cổ tháp Pô Dam, các sưu tập hiện vật văn hóa Chăm có giá trị tiêu biểu.
Việc các di vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận và kết hợp Lễ hội Katê được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là dấu mốc quan trọng, góp phần phát triển du lịch và thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương.
Đồng thời, góp phần nâng cao ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy nét văn hóa các dân tộc, làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa của huyện Bắc Bình và của tỉnh Bình Thuận.
Tiết mục văn nghệ của người Chăm. |
Vào dịp lễ hội Katê, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh thường tổ chức thăm, chúc Tết và tặng quà cho các địa phương có đồng bào Chăm sinh sống, thăm tặng quà cho các vị chức sắc, các vị là người có uy tín trong đồng bào dân tộc Chăm.
Đồng thời, tỉnh đã tạo điều kiện cán bộ là người dân tộc Chăm theo đạo Bàlamôn trên địa bàn tỉnh được nghỉ ba ngày để đón Tết Katê sum vầy, vui tươi, an toàn, tiết kiệm.
Lễ hội văn hóa của người Chăm. |
Đồng chí Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chúc toàn thể đồng bào Chăm nhân dịp Tết Katê 2024 đạt nhiều thắng lợi mới, đoàn kết và gặt hái nhiều thành công trong cuộc sống, lao động, sản xuất.
Bên cạnh đó, các vị chức sắc và người có uy tín tiếp tục làm tốt công tác vận động, tuyên truyền để chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của địa phương đến với đồng bào Chăm để thêm hiểu, đồng thuận, thống nhất và tham gia triển khai, nhất là trong các phong trào thi đua như xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn hóa, đời sống văn hóa khu dân cư cùng các phong trào thi đua khác của địa phương.
Đẩy mạnh các mô hình nông nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số
Ông Nguyễn Công Lý, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bắc Bình cho biết, năm 2024, đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào Chăm đã cùng với nhân dân trong huyện đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu khắc phục khó khăn và đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh, tạo chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội của huyện.
Đồng chí Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trải nghiệm làm gốm của người Chăm. |
Hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thường xuyên được củng cố; kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư phát triển; đời sống, thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện đáng kể.
Giáo dục, y tế, văn hóa-xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến; các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội truyền thống các dân tộc được duy trì, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào.
Đồng chí Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (giữa) tìm hiểu cách làm gốm của người Chăm. |
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số căn bản được giữ vững.
Đại đa số đồng bào yên tâm, tin tưởng và chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phấn khởi trước sự phát triển của địa phương.
Qua đó, đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý thức tự lực, tự cường, thi đua lao động sản xuất, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố lòng tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước.
Các chương trình, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai đầy đủ, phù hợp với nguyện vọng nhân dân, từng bước giúp người dân vươn lên thoát nghèo và xây dựng nông thôn mới; khối đại đoàn kết các dân tộc ngày được tăng cường, đồng bào các dân tộc tuyệt đối tin tưởng và chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng chính sách pháp luật của nhà nước.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách để phát huy vai trò cũng như thúc đẩy sự phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Trong thời gian tới, tỉnh Bình Thuận và huyện Bắc Bình tiếp tục bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của người Chăm, bảo tồn tiếng nói và chữ viết của người Chăm.