Chiều 10/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật
Góp ý về trách nhiệm thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật tại Điều 33 dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) cơ bản nhất trí việc dự thảo luật chia sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật thành 2 nhóm là nhóm có khả năng gây thiệt hại cho tài sản của người tiêu dùng và nhóm có khả năng gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng, trên cơ sở này quy định mức độ trách nhiệm tương ứng của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc thu hồi đối với từng nhóm sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật.
Tuy nhiên, để tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu đề nghị cân nhắc, bổ sung thêm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật.
Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) góp ý kiến vào dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Theo đó, đối với hàng hóa, sản phẩm có khuyết tật nhóm B liên quan đến tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng, bên cạnh việc quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh thông báo trên báo, đài như tại điểm b khoản 3, Điều 33 thì cần bổ sung quy định thêm trách nhiệm thông báo công khai về sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật vào việc thu hồi tại các địa điểm kinh doanh và trang thông tin điện tử hoặc các hình thức tương đương khác (nếu có) của tổ chức, cá nhân kinh doanh cho đến khi kết thúc việc thu hồi.
Đối với sản phẩm hàng hóa có khuyết tật nhóm A, dự thảo Luật mới quy định trách nhiệm thông báo và việc thu hồi sản phẩm hàng hóa đó. Ngoài nội dung này, để kịp thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cần bổ sung quy định tại khoản 2, Điều 33 trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh kịp thời tiến hành mọi biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật trên thị trường.
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra, đại biểu Tú cho rằng Điều 34 dự thảo Luật mới chỉ quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật mà chưa quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với dịch vụ không bảo đảm chất lượng.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Đại biểu viện dẫn Điều 608 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh dịch vụ không bảo đảm chất lượng mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường.
Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự và thống nhất ngay trong dự thảo luật, đại biểu đề nghị cần bổ sung vào Điều 34 quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường trong trường hợp cung cấp dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng.
Làm rõ các tiêu chí xác định người tiêu dùng dễ bị tổn thương
Tham gia ý kiến vào dự thảo Luật, đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) đề nghị làm rõ nội hàm người tiêu dùng dễ bị tổn thương, tiêu chí xác định nhóm đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương để bao quát hết đối tượng và có chính sách phù hợp với đối tượng này.
Tại khoản 1, Điều 7 của dự án Luật xác định người tiêu dùng dễ bị tổn thương là nhóm người có đặc điểm, hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi về sức khỏe, tài sản trong quá trình mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Đại biểu Tuấn cho rằng quy định trên chưa rõ, chưa bao quát hết những bất lợi mà người tiêu dùng dễ bị tổn thương có khả năng phải chịu. Thực tế, ngoài sự bất lợi cho sức khỏe, tài sản, người tiêu còn dễ bị tổn thương, có khả năng còn phải chịu những tác động bất lợi khác như bất lợi về danh dự, bất lợi về tinh thần.
Vì vậy, đại biểu đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa, bổ sung đầy đủ, bảo đảm bao quát hết những bất lợi mà người tiêu dùng dễ bị tổn thương có khả năng phải chịu ngoài sự bất lợi về sức khỏe và bất lợi về tài sản.
Đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) tham gia ý kiến thảo luận. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Cũng tại khoản 1, Điều 7 xác định có 5 nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương gồm: người cao tuổi; người khuyết tật; trẻ em theo quy định của pháp luật trẻ em; người dân tộc thiểu số, người sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; phụ nữ mang thai; phụ nữ sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi; người bị bệnh hiểm nghèo.
Theo đại biểu Tuấn, việc dự thảo Luật xác định 5 nhóm đối tượng trên chủ yếu mang tính liệt kê, chưa thể hiện rõ dựa trên tiêu chí nào, cơ sở nào để xác định, vì thế có thể chưa đầy đủ, chưa bao quát hết, dễ dẫn đến việc bỏ sót đối tượng, không có chính sách, biện pháp phù hợp để bảo vệ những đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương cụ thể.
Đại biểu đề nghị thay vì liệt kê các nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương cụ thể thì dự thảo Luật cần xác định rõ những tiêu chí, trong đó có 4 tiêu chí cơ bản là tiêu chí về nhận thức, hiểu biết; tiêu chí về sức khỏe; tiêu chí về điều kiện kinh tế; và tiêu chí về điều kiện nơi sinh sống. Trên cơ sở đó, quy định 4 nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương và 4 nhóm này cũng chỉ có tính định hướng chung, bao gồm: nhóm những người có nhận thức, hiểu biết, hạn chế; nhóm người bị bệnh tật, khuyết tật; nhóm người nghèo, người có thu nhập thấp; nhóm những người sinh sống ở những nơi có điều kiện kinh tế-xã hội nhiều khó khăn.
Đồng thời, cần có quy định về các biện pháp có tính đặc thù nhằm bảo vệ quyền lợi đối với nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương, từ đó Chính phủ sẽ tiếp tục cụ thể hóa những đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương cũng như những biện pháp bảo vệ quyền lợi đối với nhóm đối tượng này.