Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi):

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng trong bối cảnh hội nhập quốc tế

NDO - Sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, thương mại điện tử, sự xuất hiện của nhiều phương thức kinh doanh, tiêu dùng mới đòi hỏi phải có cách tiếp cận phù hợp hơn về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Chiều 25/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011. Trong gần 12 năm thực thi, các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã góp phần thay đổi mạnh mẽ công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời, kiến tạo các khuôn khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển của hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, quá trình thực thi Luật hiện đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, bao gồm các vấn đề liên quan đến tính thống nhất, hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định của Luật, sự thay đổi của thực tiễn sản xuất, kinh doanh cũng như những yêu cầu, xu thế mới đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bộ trưởng Công thương nêu rõ, việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là hoạt động cần thiết, kịp thời, không chỉ nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn mà còn nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng trong bối cảnh hội nhập quốc tế ảnh 1

Quang cảnh phiên họp Quốc hội chiều 25/10. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Dự thảo Luật được xây dựng dựa trên các nguyên tắc cơ bản gồm: khẳng định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của xã hội; kế thừa, phát triển các quy định hiện hành, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện tại Việt Nam; bảo đảm sự cân bằng trong giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh trên cơ sở tăng cường nhận thức và năng lực tự bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng…

Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) có 7 Chương, 80 Điều; kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010; đồng thời bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dự thảo Luật đã hoàn thiện quy định về thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trong quá trình thực hiện các giao dịch, đặc biệt là các giao dịch trên không gian mạng.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về khái niệm và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi đối với nhóm người tiêu dùng có yếu tố riêng, gặp nhiều bất lợi hơn người tiêu dùng thông thường.

Để kịp thời điều chỉnh và tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch có yếu tố mới, đặc thù, dự thảo Luật dành một Chương quy định về các giao dịch đặc thù. Trong đó, hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp thông tin, giao kết hợp đồng, tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng trong các giao dịch, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng.

Thực hiện chủ trương tăng cường xã hội hóa trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dự thảo Luật đã bổ sung quy định nhằm xác định rõ quyền, nghĩa vụ, hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bổ sung quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức xã hội khi thực hiện một số hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do Nhà nước giao.

Bổ sung đối tượng người nghèo vào nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương

Trong Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cơ bản nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cho rằng sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, thương mại điện tử, sự xuất hiện của nhiều phương thức kinh doanh, tiêu dùng mới đòi hỏi phải có cách tiếp cận phù hợp hơn về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam.

Theo đó, đa số ý kiến Ủy ban nhất trí với việc bổ sung các đối tượng áp dụng là “các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan”, “tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” để có thể bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch mua sắm trực tuyến, đặc biệt là giao dịch có yếu tố nước ngoài và nâng cao vị thế, vai trò của tổ chức xã hội trong bảo vệ người tiêu dùng.

Về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương, Ủy ban đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng người nghèo vào nhóm này, đồng thời quy định cụ thể hơn chính sách bảo vệ phù hợp với từng nhóm đối tượng và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh có liên quan.

Liên quan vấn đề bảo vệ thông tin và sử dụng thông tin của người tiêu dùng, dự thảo Luật cần quy định rõ trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba thực hiện thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng thì phải được sự đồng ý của người tiêu dùng.

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng trong bối cảnh hội nhập quốc tế ảnh 2

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Về bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị bổ sung cơ chế, hình thức thông báo của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin liên quan cho người tiêu dùng bên cạnh việc thông báo cho cơ quan chức năng sau khi phát hiện sự cố hệ thống thông tin bị tấn công làm phát sinh nguy cơ mất thông tin của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật bổ sung quy định một số giao dịch đặc thù như: giao dịch từ xa, cung cấp dịch vụ liên tục, bán hàng trực tiếp bao gồm các hình thức bán hàng tận cửa, bán hàng đa cấp và bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên.

Ủy ban đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm các khái niệm về giao dịch đặc thù thật sự rõ ràng, mạch lạc, đặc biệt là các hình thức bán hàng trực tiếp; nghiên cứu bổ sung quy định phù hợp với nền kinh tế số, môi trường kinh doanh số để bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch điện tử; tiếp tục rà soát các nội dung liên quan, đối chiếu với dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Về giải quyết tranh chấp, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, dự thảo Luật đã sửa đổi các quy định liên quan nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và cá nhân, tổ chức kinh doanh; tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm để bảo đảm tính khả thi của các phương thức giải quyết tranh chấp, đặc biệt là phương thức Tòa án (áp dụng thủ tục rút gọn) và Trọng tài.