Lạng Sơn tạo động lực tăng trưởng kinh tế cửa khẩu

Với hai cửa khẩu quốc tế, một cửa khẩu quốc gia và chín cửa khẩu phụ được đầu tư tương đối đồng bộ, tỉnh Lạng Sơn trở thành địa bàn trung chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc lớn nhất trên tuyến đường bộ, là tuyến đường quan trọng để xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc.
0:00 / 0:00
0:00
Trạm bốc xếp hàng hóa xuất, nhập khẩu tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị của Công ty cổ phần Hữu Nghị Xuân Cương.
Trạm bốc xếp hàng hóa xuất, nhập khẩu tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị của Công ty cổ phần Hữu Nghị Xuân Cương.

Trong những năm qua, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh ngày càng tăng, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại giữa Việt Nam-Trung Quốc-ASEAN và ngược lại.

Thúc đẩy thương mại xuyên biên giới

Theo Phó Cục trưởng Hải quan tỉnh Lạng Sơn, Vi Công Tường, những năm gần đây, hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh thường xuyên có từ 2.800 đến 3.000 doanh nghiệp và tổ chức kinh tế trong cả nước tham gia.

Hoạt động xuất, nhập cảnh diễn ra ngày càng sôi động, bình quân mỗi năm có khoảng 1,3 triệu lượt người qua lại các cửa khẩu. Tổng số phương tiện xuất, nhập cảnh đạt hơn 4,5 triệu lượt phương tiện/năm, góp phần tăng thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu liên tục qua các năm.

Cụ thể, giai đoạn 2013-2022, tại bốn cửa khẩu lớn của tỉnh, số thu đạt 4.559/5.594 tỷ đồng, chiếm hơn 81,5% số thu của toàn bộ các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, góp phần bổ sung nguồn vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng trong khu kinh tế cửa khẩu.

Thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn tập trung triển khai xây dựng khu chế xuất, khu phi thuế quan, khu trung chuyển hàng hóa, triển khai các dịch vụ logistics,… phục vụ thông quan hàng hóa, có đủ điều kiện để bảo quản, đóng gói bao bì, nhãn mác, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa nông sản Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc.

Từ năm 2020 đến nay, tỉnh Lạng Sơn dành gần 3.300 tỷ đồng đầu tư dự án Khu trung chuyển hàng hóa, tổng diện tích hơn 143 ha trên địa bàn xã Thụy Hùng và Phú Xá của huyện Cao Lộc; quy mô dự án đáp ứng khoảng 364 nghìn lượt xe lưu thông/năm,... góp phần quan trọng thúc đẩy thương mại xuyên biên giới.

Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn, Hoàng Khánh Duy cho biết: Hiện nay, hệ thống các cửa khẩu trong khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh cơ bản được chỉnh trang, nâng cấp, năng lực trung chuyển và tiếp nhận hàng hóa xuất, nhập khẩu nâng lên đáng kể.

Hiện nay, hệ thống các cửa khẩu trong khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh cơ bản được chỉnh trang, nâng cấp, năng lực trung chuyển và tiếp nhận hàng hóa xuất, nhập khẩu nâng lên đáng kể.

Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn, Hoàng Khánh Duy

Đến nay, trong khu kinh tế cửa khẩu, có 126 dự án trong nước được đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 13.000 tỷ đồng; trong đó, có 29 dự án đầu tư kinh doanh bến bãi và gần 50 dự án đầu tư trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ.

Cùng với đầu tư kết cấu hạ tầng, hoạt động thanh toán xuất, nhập khẩu biên giới qua ngân hàng thương mại được áp dụng rộng rãi và đem lại hiệu quả, hạn chế việc thanh toán bằng tiền mặt, tiết kiệm được ngoại tệ (USD) trong thanh toán xuất, nhập khẩu.

Đến thời điểm hiện nay, có 12/15 ngân hàng thương mại đã ký thỏa thuận thanh toán biên giới với các chi nhánh ngân hàng Trung Quốc để thực hiện hoạt động thanh toán biên mậu, với doanh số thanh toán xuất, nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2013-2022 đạt 21 tỷ 714 triệu USD, đáp ứng yêu cầu hoạt động thương mại biên giới trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

Giám đốc Công ty cổ phần Hữu Nghị Xuân Cương, Nguyễn Hồng Cương cho hay: Công ty hoạt động tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, đảm nhiệm nhiều lĩnh vực như đầu tư, khai thác kinh doanh dịch vụ bến bãi, vận chuyển hành khách, hậu cần logistics, thông quan,...

Cửa khẩu mỗi ngày có hàng trăm phương tiện chở hàng hóa ra vào khu bến bãi, trạm trung chuyển hành khách do công ty quản lý, bảo đảm cho 1.000 đến 1.200 xe tải lưu đỗ bãi và 250-300 xe khách luân chuyển đón trả khách trong khu vực cửa khẩu, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa qua xuất, nhập khẩu và xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu.

Để đáp ứng nhu cầu thương mại và logistics ngày càng tăng, Công ty cổ phần Hữu Nghị Xuân Cương đã lập kế hoạch đầu tư mở rộng diện tích bến bãi hơn 120 ha, với tổng vốn đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng. Dự án này sẽ giúp công ty tăng cường năng lực sản xuất, tận dụng tối đa tiềm năng thị trường và tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế cửa khẩu.

Xây dựng cửa khẩu thông minh

Những năm gần đây, phía Trung Quốc mở rộng nhập khẩu các mặt hàng nông sản, hoa quả Việt Nam nên lượng hàng hóa xuất khẩu tăng mạnh. Mặt hàng nông sản, trái cây xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 80% tổng giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Lạng Sơn tạo động lực tăng trưởng kinh tế cửa khẩu ảnh 1

Xe chở nông sản chờ làm thủ tục thông quan qua Cửa khẩu Tân Thanh, Văn Lãng (Lạng Sơn).

Vào thời điểm chính vụ, nhiều mặt hàng nông sản, trái cây chủ lực như thanh long, xoài, vải thiều, dưa hấu, sầu riêng, thạch đen... chở đến Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu Tân Thanh bị ùn tắc nghiêm trọng, gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp, thương nhân và ảnh hưởng đến an toàn giao thông, vệ sinh môi trường,...

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn, Nguyễn Đình Đại cho biết: Để giải quyết tình trạng này, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, lực lượng chức năng liên quan triển khai nhiều biện pháp như điều tiết phương tiện đến bãi chờ để phân luồng dần vào khu vực cửa khẩu; trao đổi, hội đàm với phía Trung Quốc nhằm kéo dài thời gian thông quan, tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo đến các doanh nghiệp,…

Để giải quyết tình trạng này, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, lực lượng chức năng liên quan triển khai nhiều biện pháp như điều tiết phương tiện đến bãi chờ để phân luồng dần vào khu vực cửa khẩu; trao đổi, hội đàm với phía Trung Quốc nhằm kéo dài thời gian thông quan, tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo đến các doanh nghiệp,…

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn, Nguyễn Đình Đại

Tuy nhiên, các biện pháp nêu trên chỉ là giải pháp tình thế, không giải quyết được triệt để tình trạng ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh những lúc cao điểm.

Mới đây, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc và dự Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Thiên Tân của Thủ tướng Phạm Minh Chính, thực hiện nhiệm vụ được giao, vào ngày 26/6/2023, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã cùng lãnh đạo chính quyền tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) tiến hành ký thỏa thuận khung giữa hai bên nhằm cùng thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Theo đó, hai bên đồng ý thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh tại tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam)-Hữu Nghị Quan (Trung Quốc), tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa Tân Thanh (Việt Nam)-Pò Chài (Trung Quốc).

Theo đề xuất của Trung Quốc, sẽ triển khai xây dựng cửa khẩu thông minh theo hai mô hình, gồm phương thức vận chuyển đường sắt trên không thông minh và phương thức vận chuyển bằng xe tự hành AGV trên mặt đất.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, Hồ Tiến Thiệu khẳng định: Việc xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh là phù hợp với chủ trương, định hướng của Chính phủ cũng như của tỉnh Lạng Sơn, phù hợp với mục tiêu chương trình chuyển đổi số quốc gia và của tỉnh.

Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thông quan hàng hóa giữa hai bên tiến hành nhanh chóng, không tiếp xúc, không bị gián đoạn, nâng cao hiệu suất thông quan và giải quyết được vấn đề ùn tắc hàng hóa xuất, nhập khẩu, nhất là trong thời gian cao điểm, giảm chi phí cho doanh nghiệp, thương nhân.

Mô hình cửa khẩu thông minh cũng góp phần tăng năng lực, hiệu suất thông quan, nâng cao lợi thế cạnh tranh của tỉnh, thu hút các doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất, nhập khẩu qua địa bàn tỉnh.

Bằng nhiều hoạt động thiết thực, lãnh đạo tỉnh đang phấn đấu xây dựng Lạng Sơn sớm trở thành một trong những trung tâm, đầu mối hoạt động xuất, nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch và khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm của vùng Đông Bắc, cửa ngõ quan trọng thông thương hàng hóa giữa các nước ASEAN với thị trường Trung Quốc và các nước khác.

Tỉnh Lạng Sơn đặt mục tiêu đến năm 2025, Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trở thành “cửa khẩu kiểu mẫu”, Cửa khẩu Tân Thanh đóng vai trò là “trung tâm thương mại nông nghiệp”, là khu kinh tế, thương mại, dịch vụ và du lịch quan trọng của tỉnh.

Tuyến liên vận đường sắt quốc tế ga Đồng Đăng sẽ trở thành tuyến vận tải đường dài có tính cạnh tranh cao dựa trên dịch vụ logistics và dịch vụ hỗ trợ thông minh, hiện đại, tương xứng với sự phát triển của dịch vụ đường sắt các nước ASEAN.

Tỉnh đang xây dựng cơ chế thu hút, huy động khoảng 14.000 tỷ đồng nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư các dự án trong khu kinh tế cửa khẩu, phấn đấu đến năm 2030, phát triển khu kinh tế cửa khẩu thành Trung tâm kinh tế cửa khẩu hiện đại, năng động, xanh; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và có mạng lưới dịch vụ hoàn thiện; trung tâm dịch vụ cửa khẩu và hậu cần logistics quốc gia và quốc tế.