Tham dự có đồng chí Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận; cùng dự còn có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, huyện qua các thời kỳ, đại diện lãnh đạo các địa phương trong tỉnh; đại diện Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các tầng lớp nhân dân trong huyện.
Gần 200 năm trước, địa danh Hàm Thuận ra đời năm 1832, khi triều Nguyễn đổi Bình Thuận Trấn thành Bình Thuận Tỉnh và lập 2 phủ: Ninh Thuận và Hàm Thuận. Sau Cách mạng Tháng 8/1945, chính quyền cách mạng đổi thành huyện Hàm Thuận.
Trong kháng chiến, huyện Hàm Thuận là chiến trường vô cùng ác liệt; nhân dân Hàm Thuận luôn đoàn kết, quật khởi, một lòng một dạ theo Đảng, theo cách mạng, đã chiến đấu trường kỳ gian khổ đến ngày thắng lợi cuối cùng.
Quang cảnh buổi Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận. |
Ngày 8/4/1975, huyện Hàm Thuận được giải phóng, góp phần giải phóng tỉnh Bình Thuận vào ngày 19/4/1975.
Huyện Hàm Thuận được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” vào năm 1978; có 3 đơn vị lực lượng vũ trang huyện, 14/17 xã, thị trấn và 10 cá nhân cũng được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang; huyện Hàm Thuận Bắc có 798 Mẹ Việt Nam Anh hùng, là địa phương có số Mẹ Việt Nam Anh hùng nhiều nhất tỉnh.
Ngày 30/12/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 204 chia huyện Hàm Thuận thành 2 huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam.
Huyện Hàm Thuận Bắc chính thức là đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 1/6/1983.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc Nguyễn Ngọc Thạch nêu rõ, những thành tích của huyện trong 40 năm xây dựng và phát triển, nổi bật nhất là phát triển hệ thống thủy lợi.
Đến nay, toàn huyện có 45 công trình thủy lợi nhỏ và vừa, nhất là công trình hồ Sông Quao được đầu tư xây dựng hoàn thành năm 1997.
Nhiều vùng đất hoang hóa, cằn cỗi, nhiều cánh đồng lúa 1 vụ bấp bênh trở thành 2-3 vụ ăn chắc hoặc vùng cây ăn quả xanh tốt. Diện tích tưới chủ động toàn huyện đạt trên 90%, gấp hơn 9 lần so lúc mới chia tách.
Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm. |
Sản lượng lương thực năm 2022 đạt hơn 164 nghìn tấn, gấp hơn 4,7 lần so năm 1983; năm 2022 giá trị sản xuất nông nghiệp đạt hơn 150 triệu đồng/ha, gấp hơn 10 lần trước khi có công trình thủy lợi Sông Quao, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân.
Sản xuất nông nghiệp không ngừng phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa và ngày càng chú trọng hiệu quả. Tiềm năng lợi thế của huyện về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ đã và đang được khai thác, phát huy hiệu quả.
Năm 2022 thu ngân sách của huyện đạt 512 tỷ đồng, gấp 70 lần so năm 1995, đứng thứ 2 trong 10 huyện, thị, thành phố của tỉnh. Cũng từ kinh tế phát triển cùng những thành quả của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã làm cho diện mạo của huyện đổi thay đáng kể.
Từ chỗ gần 70% hộ nghèo khó, thiếu ăn lúc mới chia tách huyện, đến nay đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận nhân dân được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 48 triệu đồng, gấp 4 lần so năm 1995 trước khi có công trình thủy lợi Sông Quao.
Phát biểu tại buổi Lễ, Bí Thư Tỉnh Ủy Bình Thuận Dương Văn An chúc mừng thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc đạt được trong chặng đường 40 năm qua.
Đồng chí nhấn mạnh, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, đặc biệt là sự quyết tâm, chung sức, đồng lòng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Hàm Thuận Bắc kể từ khi thành lập đến nay, huyện đã vượt qua biết bao khó khăn và gian khổ, vực dậy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế, từng bước phát triển, đi lên.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng (áo trắng, đứng giữa) trao Bằng khen và tặng hoa chúc mừng cán bộ, nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc. |
Con người, truyền thống văn hóa, lịch sử hào hùng, điều kiện tự nhiên của địa phương, những thành tựu 40 năm qua đã tạo nên vị thế và tiềm lực mới cho huyện Hàm Thuận Bắc. Nhiều thời cơ và vận hội mới đang mở ra để huyện Hàm Thuận Bắc phát triển mạnh mẽ, song cũng đan xen không ít khó khăn và thử thách.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An đề nghị, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Hàm Thuận Bắc phải tiếp tục phát huy những thành quả đạt được trong thời gian qua; đồng thời, tận dụng những yếu tố về vị trí địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng, con người, truyền thống cách mạng, lấy nội lực là cơ bản chiến lược, lâu dài, quyết định; ngoại lực là quan trọng và đột phá, nhất trí đồng lòng, ra sức thi đua, phấn đấu nhiều hơn, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn để xây dựng quê hương Hàm Thuận Bắc ngày càng giàu mạnh hơn nữa.
Nhân dịp này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã tặng Bằng khen cho cán bộ và nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bình Thuận.