Phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh để Bình Thuận phát triển bứt phá

NDO - Phát biểu tại cuộc làm việc sáng nay 26/3 với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Thuận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tỉnh chỉ đạo làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện thật tốt các quy định về trách nhiệm nêu gương, nhất là việc tự giác nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc với tỉnh Bình Thuận. (Ảnh Duy Linh)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc với tỉnh Bình Thuận. (Ảnh Duy Linh)

Đồng chí Vương Đình Huệ cũng đề nghị tỉnh quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, quan tâm công tác quy hoạch cho đội ngũ nhân sự sắp tới đạt chất lượng, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

Đề cập vị trí địa chính trị, địa kinh tế rất quan trọng, Bình Thuận là “nút giao thông” giúp kết nối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ với khu kinh tế trọng điểm Phía Nam; là “cửa ngõ” hướng biển của các tỉnh Tây Nguyên, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, cùng với nền tảng vững chắc là những thành tựu khá toàn diện trên các mặt kinh tế - xã hội mà tỉnh đã đạt được trong những năm qua, đặc biệt khi 2 tuyến cao tốc Bắc - Nam (phía Đông) được thông xe, sân bay Phan Thiết hoàn thành và đưa vào sử dụng, Bình Thuận sẽ hội đủ các điều kiện quan trọng để bứt phá mạnh mẽ.

Đánh giá kết quả nỗ lực phấn đấu những năm qua, Chủ tịch Quốc hội biểu dương và đánh giá cao, mặc dù có xuất phát điểm thấp về kinh tế, sau hơn 30 năm tái lập, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bình Thuận đã nêu cao truyền thống yêu nước, đoàn kết, khai thác tiềm năng, lợi thế, huy động mọi nguồn lực, không ngừng nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, biến “cái khô, cái khó, cái khổ” thành những cơ hội để phát triển.

Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, cùng với nền tảng vững chắc là những thành tựu khá toàn diện trên các mặt kinh tế - xã hội mà tỉnh đã đạt được trong những năm qua, đặc biệt khi 2 tuyến cao tốc Bắc - Nam (phía Đông) được thông xe, sân bay Phan Thiết hoàn thành và đưa vào sử dụng, Bình Thuận sẽ hội đủ các điều kiện quan trọng để bứt phá mạnh mẽ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Từ một tỉnh nghèo, thuần nông, Bình Thuận đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, đang trở thành trung tâm năng lượng quốc gia và trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia.

Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội cơ bản tán thành các phương hướng, nhiệm vụ được nêu trong báo cáo, đồng thời, đề nghị tỉnh tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIV; các nghị quyết chuyên đề của Trung ương, của tỉnh; đội ngũ cán bộ, đảng viên cần thể hiện bản lĩnh vững vàng, ổn định tổ chức, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Qua lắng nghe đề xuất, kiến nghị của tỉnh và ý kiến phát biểu làm rõ của lãnh đạo nhiều bộ, ngành, lãnh đạo một số ủy ban của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội lưu ý Bình Thuận khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, trình phê duyệt và tổ chức thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm phù hợp quy hoạch vùng, quy hoạch cấp quốc gia để khai thác, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của tỉnh trên cơ sở phát triển và khai thác tối đa kết cấu hạ tầng hiện có, phát triển các vùng động lực; phấn đấu thành tỉnh “xanh sạch đẹp khang trang”, phát triển có những bước đột phá mới.

“Tỉnh cần tính toán kỹ thúc đẩy liên kết vùng, nhất là với các địa phương thuộc động lực phía Nam, các tỉnh Tây Nguyên và các khu vực khác. Phát huy lợi thế là cửa ngõ kết nối giao lưu kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội giữa các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ với các tỉnh thuộc vùng động lực phía Nam”- Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tỉnh quan tâm tổ chức tốt các hoạt động văn hóa - thể thao - du lịch, giáo dục, y tế; bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.

Tỉnh cần quan tâm thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia, gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, đồng thời chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa để người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn.

Theo đó, trong phát triển kinh tế cần chú trọng coi văn hóa là nền tảng, gắn văn hóa với phát triển, quan tâm công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nội dung quan trọng nữa Tỉnh cần tiếp tục lãnh đạo đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, của Hội đồng nhân dân tỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tốt các nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bên cạnh đó tiếp tục đóng góp có hiệu quả đối với công tác lập pháp, công tác giám sát của Quốc hội.

Tại cuộc làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đề nghị sớm điều chỉnh Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến titan và khu vực dự trữ titan để tỉnh có điều kiện phát triển bền vững; sớm cho chủ trương triển khai dự án Hồ chứa nước La Ngà 3 (huyện Tánh Linh), góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước trong khu vực 3 tỉnh: Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu; tiếp tục đầu tư phát triển huyện đảo Phú Quý; hỗ trợ từ nguồn thu dầu khí khai thác trên vùng biển Bình Thuận để đầu tư phát triển hạ tầng nghề cá và tạo sinh kế cho ngư dân...

Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, đại diện các bộ, ngành, cơ quan có ý kiến trao đổi, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và giao Văn phòng Quốc hội tổng hợp các đề xuất, kiến nghị gửi các cơ quan liên quan, nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, trên nguyên tắc tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian tới.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ đôn đốc và giám sát quá trình triển khai thực hiện; đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khẩn trương xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc xem xét, báo cáo Quốc hội.

Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ quán triệt nghiêm túc và triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ cũng như tháo gỡ khó khăn vướng mắc để lựa chọn nhà đầu tư hạng mục hàng không dân dụng để sân bay Phan Thiết đi vào sử dụng, cùng với đường cao tốc để thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương.

Đây chính là tạo động lực tăng trưởng mới, cơ hội tăng tốc trong thời gian tới; tập trung xây dựng đảo Phú Quý, nâng cao khả năng phòng thủ; chú ý kết hợp kinh tế với quốc phòng-an ninh; giải quyết những bất cập khó khăn trong quá trình phát triển như vấn đề nước cho sản xuất, sinh hoạt như sớm triển khai dự án hồ Ka Pét, hồ La Ngà 3, vấn đề chồng lấn quy hoạch titan, quan tâm đầu tư cho văn hóa.

Trong tái cơ cấu kinh tế chú ý chế biến sâu tạo ra giá trị gia tăng; tỉnh xác định đồng hành và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là định giá đất…, để doanh nghiệp có điều kiện phát triển.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ quán triệt nghiêm túc và triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội trong toàn Đảng bộ cũng như tháo gỡ khó khăn vướng mắc để lựa chọn nhà đầu tư hạng mục hàng không dân dụng để sân bay Phan Thiết đi vào sử dụng, cùng với đường cao tốc để thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An

Cho biết tỉnh xác định đồng hành và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là định giá đất…, để doanh nghiệp có điều kiện phát triển, đồng chí Dương Văn An nhấn mạnh, để tháo gỡ khó khăn, tỉnh Bình Thuận đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị với Chính phủ thành lập tổ công tác giúp tỉnh triển khai giải quyết những khó khăn vướng mắc.

Đây không chỉ là vấn đề cụ thể của địa phương mà còn là đồng thời giải quyết khó khăn, vướng mắc tương tự cho các địa phương, để chúng ta xác định giá đất cụ thể, làm cơ sở để cho doanh nghiệp nộp tiền sử dụng đất đúng quy định của pháp luật và thống nhất, góp phần thu hút thêm các nhà đầu tư tới Bình Thuận, phát triển mạnh thương hiệu du lịch biển mang tầm cỡ quốc tế.

* Đầu giờ sáng nay, Chủ tịch Quốc hội cùng đoàn công tác đã đến dâng hương, dâng hoa viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh tỉnh Bình Thuận; thăm Khu di tích lịch sử Trường Dục Thanh-nơi cách đây 113 năm, Bác Hồ (thầy giáo Nguyễn Tất Thành) dừng chân dạy học trên đường tìm đường cứu nước.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Bình Thuận, sau đại dịch Covid-19, năm 2022 và quý I năm 2023, kinh tế của tỉnh phục hồi nhanh, tương đối đồng đều trên cả 3 trụ cột: Công nghiệp, du lịch và nông nghiệp. Tốc độ tăng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) đạt 7,75%.

Trong đó: Nhóm ngành nông-lâm-thủy sản tăng 2,5%; công nghiệp-xây dựng tăng 6,66%; dịch vụ tăng 14,88%. Có 16/17 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 775,9 triệu USD (tăng 23,09% so với năm 2021). Kim ngạch nhập khẩu đạt 1.341,93 triệu USD (tăng 15,5% so với năm 2021).