Biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, thiên tai cực đoan, khó lường

NDO - Sáng 30/8, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) 6 tháng cuối năm 2022; tổng kết công tác này từ năm 2021 đến nay. Thời tiết rét đột ngột, mưa lũ cực đoan, dị thường, giông sét, nắng nóng gay gắt gây hạn diện rộng… là những loại hình thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh ảnh hưởng nặng nề đến sinh mạng người dân và đời sống sản xuất.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện Báo Nhân Dân (thứ 3 phải qua) nhận Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, vì có nhiều đóng góp tuyên truyền trong công tác phòng, chống thiên tai.
Đại diện Báo Nhân Dân (thứ 3 phải qua) nhận Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, vì có nhiều đóng góp tuyên truyền trong công tác phòng, chống thiên tai.

Theo đó, từ đầu năm 2021 đến tháng 7/2022, có 99 loại hình thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, làm 4 người chết, 1 người mất tích; nhiều công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, hệ thống điện… bị ngập, hư hỏng; sản xuất nông nghiệp thiệt hại nặng nề; sạt lở bờ sông, bờ biển tiếp tục xảy ra nghiêm trọng với các sông Thạch Hãn, Bến Hải, sông Hiếu, sông Ô Lâu.

Ảnh hưởng thiên tai gây thiệt hại cho Quảng Trị hơn 1.115 tỷ đồng.Từng bước vượt qua khó khăn để khôi phục sản xuất, tỉnh đã huy động nguồn lực từ Trung ương, địa phương với số tiền hơn 641 tỷ đồng để tổ chức khắc phục hậu quả thiên tai. Nhờ vậy đời sống người dân trong vùng thiên tai từng bước được ổn định, phát triển sản xuất trở lại.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng ghi nhận sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thời gian qua đã góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra.

Dự báo thời gian đến trên địa bàn, biến đối khí hậu ngày càng gay gắt, thiên tai diễn ra cực đoan, khó lường. Vì vậy, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các địa phương cần tổ chức thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo đúng kế hoạch để công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tiếp tục đạt kết quả tốt nhất.

Cụ thể, cần xây dựng và triển khai thực hiện phương án ứng phó tương ứng với cấp độ rủi ro thiên tai theo hướng dẫn của Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai. Chú trọng tuyên truyền phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai và triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm2030”. Thực hiện phương châm bốn tại chỗ tại địa phương, gắn xây dựng cộng đồng an toàn với thực hiện tiêu chí an toàn về phòng chống thiên tai trong xây dựng nông thôn mới; cũng cố năng lực hoạt động hiệu quả của đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã…

Đồng chí Hà Sỹ Đồng đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục hỗ trợ Quảng Trị ngân sách để khắc phục hậu quả thiên tai, phát triển sản xuất, ổn định đời sống người dân, nhất là các vùng thường xuyên xảy ra lũ, sạt lở đất. Trước mắt, tỉnh cần hỗ trợ một số phương tiện, vật tư, thiết bị cứu hộ như: 4 xe lội nước phục vụ công tác chỉ huy, chỉ đạo; 8 xuồng cao tốc, 10 xuồng cao su, 500 nhà bạt cứu sinh, 10.000 áo phao cứu sinh, máy phát điện các loại, thiết bị phóng dây cứu hộ, bơm nước chữa cháy…