Hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách - đòn bẩy cho công tác phòng, chống thiên tai

Trong những năm qua, thiên tai diễn ra ngày càng cực đoan, bất thường, dồn dập và vượt mức lịch sử. Tuy nhiên, thiệt hại do thiên tai những năm qua lại theo chiều hướng giảm dần. Có được kết quả khả quan như vậy có sự đóng góp không nhỏ của Tổng cục Phòng, chống thiên tai trong việc vận dụng, ban hành linh hoạt các thể chế, chính sách, làm đòn bẩy trong công tác chỉ đạo, điều hành.
0:00 / 0:00
0:00
Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật phòng, chống thiên tai giới thiệu và hướng dẫn sử dụng Ứng dụng giám sát thiên tai (App-VNDMS). (Ảnh TỔNG CỤC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI)
Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật phòng, chống thiên tai giới thiệu và hướng dẫn sử dụng Ứng dụng giám sát thiên tai (App-VNDMS). (Ảnh TỔNG CỤC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI)

Theo thống kê của Tổng cục Phòng, chống thiên tai, giai đoạn 2017-2021 vừa qua, tất cả các loại hình thiên tai đều được xác lập mức kỷ lục mới. Thiên tai tiếp tục diễn biến cực đoan, bất thường, trong đó năm 2017 ghi nhận kỷ lục tới 16 cơn bão và bốn áp thấp nhiệt đới; trong đó hai cơn bão rất mạnh đạt cấp độ rủi ro thiên tai cấp bốn.

Cũng trong năm 2017, lũ quét, sạt lở đất xảy ra đặc biệt nghiêm trọng trên diện rộng tại các tỉnh miền núi phía bắc. Cuối năm 2020, bão chồng bão, mưa chồng mưa, lũ chồng lũ lịch sử xảy ra tại khu vực Trung Bộ, ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động kinh tế-xã hội, thiết chế hạ tầng ở tất cả các tuyến từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và khu vực miền núi. Bão số 9 (Molave) đạt cấp mạnh nhất trong vòng 20 năm đổ bộ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Tiếp đến, bão số 9 năm 2021 đạt cấp siêu bão trên Biển Đông (mạnh nhất trong 40 năm qua), hướng di chuyển hoàn toàn trái quy luật…

Để chủ động ứng phó với thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, trong 5 năm qua, các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương đã tích cực hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách. Sau sáu năm thực thi, Luật Phòng, chống thiên tai sửa đổi, bổ sung đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 9 ngày 17/6/2020 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2021. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai đã được bổ sung, hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý để nâng cao hiệu lực quản lý và hiệu quả thực hiện với hai luật chuyên ngành cùng các luật liên quan khác; năm nghị định hướng dẫn thi hành và liên quan trực tiếp đến công tác phòng, chống thiên tai; hai quyết định của Thủ tướng Chính phủ; năm thông tư của các bộ.

Cùng với văn bản quy phạm pháp luật, lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành các văn bản chỉ đạo các giải pháp tổng thể, cấp bách trong công tác phòng, chống thiên tai. Lần đầu tiên, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 chỉ đạo toàn diện về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Ngoài ra, Chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2020 và giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã được ban hành.

Để thích ứng trong tình hình mới, khi thiên tai bất thường đã trở nên bình thường, chính sách phòng, chống thiên tai được xây dựng cho cả ba giai đoạn phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả, hướng tới cộng đồng để phát triển bền vững. Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai là Tổng cục tạo sự kết nối từ Trung ương đến địa phương, không chỉ trong nước mà các cơ quan quốc tế đánh giá cao; huy động nguồn lực không chỉ trong nước và quốc tế cho hoạt động phòng, chống thiên tai.

Từ hệ thống pháp lý hoàn thiện, công tác phòng, chống thiên tai được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đạt được nhiều kết quả nổi bật. Điểm sáng trong công tác phòng, chống thiên tai những năm qua là chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa với vai trò tham mưu của Cơ quan thường trực, Văn phòng thường trực các cấp từ Trung ương xuống địa phương. Công tác chỉ đạo ứng phó của Chính phủ, Ban chỉ đạo và các cấp, các ngành kịp thời, quyết liệt, đồng bộ, bám sát yêu cầu thực tiễn, đi vào chiều sâu và hiệu quả. Thêm vào đó, hệ thống cơ quan quản lý nhà nước và chỉ đạo điều hành ở Trung ương được nâng tầm với lãnh đạo Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai.

Một mô hình nổi bật trong công tác phòng, chống thiên tai là các địa phương đã thành lập đội xung kích, là lực lượng tại chỗ để ứng phó hiệu quả ngay từ giờ đầu khi xảy ra thiên tai với 99% số xã trên cả nước đã thành lập lực lượng này với tổng số hơn 770.000 thành viên. Thêm vào đó, nguồn lực cho công tác phòng, chống thiên tai được tăng cường, với việc thành lập, thu quỹ phòng, chống thiên tai và sử dụng hiệu quả nguồn lực, nhất là công tác ứng phó khẩn cấp và khắc phục hậu quả thiên tai.

Thực tế cho thấy, công tác xây dựng thể chế theo hướng tiếp cận và học hỏi kinh nghiệm quốc tế, nhất là các nước tiên tiến, bảo đảm phù hợp với thực tiễn của Việt Nam đã đạt kết quả tích cực.

Chia sẻ với chúng tôi, Tổng cục trưởng Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết, trong hơn 5 năm qua, đã có tám dự án hỗ trợ kỹ thuật song phương, đa phương được các đối tác phối hợp với Tổng cục Phòng, chống thiên tai triển khai thực hiện, trong đó nhiều dự án hỗ trợ thúc đẩy khoa học-công nghệ và các công cụ hỗ trợ kỹ thuật, ra quyết định như hoàn thiện cơ sở dữ liệu về thiệt hại thiên tai, hỗ trợ cơ sở dữ liệu dân sinh kinh tế, lồng ghép giới trong phòng, chống thiên tai, hỗ trợ dựa trên cảnh báo sớm, quản lý thiên tai và biến đổi khí hậu tập trung vào trẻ em, hỗ trợ dựa trên cảnh báo sớm, giảm rủi ro khu vực đô thị… của các đối tác từ Liên hợp quốc.

Gần đây, JICA đã phối hợp với Tổng cục triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật chuyển giao công nghệ đập Sabo nhằm giảm rủi ro do lũ quét và sạt lở đất tại một số tỉnh miền núi. Ngoài ra, Tổng cục tiếp tục vận động, quản lý và triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật từ các đối tác như GCF, GIZ, APDC, UNPFA, CRS để thúc đẩy nhiều hợp tác hỗ trợ kỹ thuật khác trong công tác phòng, chống thiên tai tại Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thiên tai ngày càng diễn biến cực đoan, bất thường và khó dự đoán, trong thời gian tới, công tác xây dựng thể chế, chính sách, hợp tác quốc tế cần mang tính đột phá, đi đầu, làm đòn bẩy cho công tác phòng, chống thiên tai ngày càng đạt được nhiều thành tựu, góp phần giảm thiệt hại về người, tài sản, bảo vệ thành quả phát triển kinh tế, xã hội.