Mặc dù không được giao quản lý, vận hành, nhưng chính quyền các địa phương có diện tích được hưởng lợi từ hồ chứa cần tham gia giám sát quy trình vận hành hồ chứa để tránh tình trạng xả nước tùy tiện, gây lãng phí, khi cần nước tưới phục vụ sản xuất thì không có, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Lãng phí nguồn nước
Nằm ở xã Khôi Kỳ, dưới chân dãy Tam Đảo, hồ Đoàn Ủy rộng khoảng 16ha, có dung tích gần một triệu m3 nước, tưới cho hơn 300ha đất nông nghiệp ở các xã Khôi Kỳ, Bình Thuận, Tiên Hội và thị trấn Hùng Sơn. Những ngày này mực nước hồ xuống rất thấp, chung quanh hồ lộ rõ ngấn nước đã rút hơn một mét, ước chừng trữ lượng nước chỉ còn non nửa.
Hiện nay mỗi ngày mực nước hồ rút 30-40cm, cứ tình trạng này thì không lâu nữa, hồ sẽ trơ đáy, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp của người dân và nuôi trồng thủy sản dưới hồ.
Người dân sinh sống cạnh hồ Đoàn Ủy nhiều năm qua cho biết, hiện nay mỗi ngày mực nước hồ rút 30-40cm, cứ tình trạng này thì không lâu nữa, hồ sẽ trơ đáy, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp của người dân và nuôi trồng thủy sản dưới hồ.
Thông thường, hồ Đoàn Ủy chỉ được xả nước khi người dân có nhu cầu sử dụng nước; gia cố, sửa chữa lớn, hoặc để bảo đảm an toàn hồ chứa khi có mưa lũ lớn. Nhưng thực tế, thời gian vừa qua và hiện nay, không có hoạt động sửa chữa nào tại hồ này, mặt khác người dân không có nhu cầu lớn về nước tưới nên chỉ cần xả trong thời gian ngắn thì phải đóng lại để trữ nước tưới cho sản xuất vụ mùa sắp tới.
Những năm trước đây, một số khe, rạch từ dãy Tam Đảo bổ sung nguồn nước cho hồ Đoàn Ủy, nhưng năm nay do biến đổi khí hậu, hạn hán nên những khe, rạch này không có nước. Không có nguồn nước bổ sung, cộng với xả nước liên tục, hồ Đoàn Ủy đang cạn dần, hơn 300ha đất sản xuất của hàng nghìn hộ dân có nguy cơ thiếu nước tưới vào vụ mùa tới đây.
Xả nước bất thường
Trong điều kiện bình thường, theo quy định, hồ Đoàn Ủy cần trữ nước để tưới cho hơn 300ha đất sản xuất ở bốn xã, thị trấn trên địa bàn, nhất là sản xuất vụ mùa đang đến gần. Nhưng việc xả nước hồ Đoàn Ủy với lưu lượng lớn, thời gian liên tục, được cho là bất thường.
Phóng viên liên hệ với Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ để tìm hiểu, thời gian gần đây chính quyền địa phương có đề nghị đơn vị quản lý hồ xả nước phục vụ sản xuất hay không, thì không nhận được câu trả lời.
Gánh chịu hậu quả trực tiếp của việc xả nước hồ Đoàn Ủy hiện nay là các hộ nuôi trồng thủy sản tại hồ đang bị thiệt hại nặng.
Gia đình chị Trần Thị Tình và các hộ liên kết phải bán cá non, thiệt hại lớn. |
Bà Trần Thị Tình và một số cá nhân khác đang đầu tư khoảng 7 tỷ đồng để nuôi các loại cá, nuôi trai nước ngọt lấy ngọc ở đây, chi phí thuê nhân công, trả lãi vay ngân hàng mỗi tháng vài chục triệu đồng, đang rất lo lắng vì nước hồ đang cạn.
"Mực nước hồ xuống thấp do xả nước, để tránh cá chết, vớt vát phần nào nên thời gian vừa qua chúng tôi phải bán non nhiều tấn cá. Cứ tình trạng này, nước hồ cạn dần, thủy văn thay đổi, cá và trai sẽ chết, lồng bè phơi nắng, hư hỏng, chúng tôi đang có nguy cơ trắng tay", bà Tình chia sẻ.
Khi được phản ánh về tình trạng xả nước hồ Đoàn Ủy được cho là không chính đáng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đại Từ Trần Đăng Minh cho biết sẽ yêu cầu Trạm Khai thác thuỷ lợi Đại Từ báo cáo cụ thể, từ đó có chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tiễn.
Được biết, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác thủy lợi Thái Nguyên được giao quản lý, vận hành hồ Đoàn Ủy.