Thế nhưng, đơn vị này lại cho thuê mặt nước khi chưa được phép, để hoạt động du lịch tự phát, mất an toàn, nước hồ bị ô nhiễm, thậm chí có tình trạng xây dựng công trình xâm hại hành lang bảo vệ hồ.
Những sai phạm nêu trên đã kéo dài trong nhiều năm qua, nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý hiệu quả, dứt điểm do đơn vị được giao quản lý, vận hành hồ và chính quyền địa phương phối hợp chưa chặt chẽ...
Cho thuê mặt nước tùy tiện
Nằm ở xã Tân Kim, Kim Đĩnh là hồ thủy lợi thuộc diện lớn nhất trên địa bàn huyện Phú Bình, nhưng những năm qua, khu vực này đã bị biến thành khu du lịch sinh thái trái phép với hàng loạt công trình xây dựng xâm hại mặt hồ và phạm vi bảo vệ hồ. Cụ thể, Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên cho Công ty cổ phần Tư vấn và Chuyển giao công nghệ quốc tế ICT, địa chỉ tại xã Liên Hà, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội sử dụng mặt nước, xây dựng hàng chục công trình phục vụ du lịch trên mặt hồ Kim Đĩnh, như bè nổi, sàn thảm cỏ nhân tạo với diện tích hơn 500m2, bể bơi trên hồ rộng hơn 300m2; bốn nhà nổi rộng từ hơn 60m2 đến hơn 270m2 và một số chòi nổi, lầu lục giác.
Diện tích đất rừng sản xuất hơn 1,8ha nằm ngay bên cạnh và trong phạm vi bảo vệ hồ Kim Đĩnh, Công ty cổ phần Tư vấn và Chuyển giao công nghệ quốc tế ICT tự ý xây dựng hàng chục công trình như năm lầu lục giác với tổng cộng 115m2, một nhà sàn rộng kết hợp khu bếp, khu xông hơi, khu vệ sinh rộng 374m2, nhiều nhà nghỉ mini và một số công trình cảnh quan, vườn hoa, tạo nên khu du lịch sinh thái hồ Kim Đĩnh.
Trong khi đó tại thượng nguồn hồ này, có cơ sở chăn nuôi xả thẳng chất thải ra nguồn nước. Cùng với việc khu du lịch sinh thái hồ Kim Đĩnh xả nước thải ra hồ đã làm hồ ô nhiễm, bèo tây mọc kín mặt nước. Chủ tịch UBND xã Tân Kim, Phạm Văn Hiệp cho biết: Những năm qua, chính quyền địa phương và đơn vị quản lý hồ Kim Đĩnh đã nhiều lần lập biên bản, yêu cầu tháo dỡ các công trình du lịch xây dựng trong hành lang bảo vệ hồ để hoàn trả hiện trạng ban đầu, nhưng đến nay các vi phạm chưa được xử lý.
Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên được UBND tỉnh giao trực tiếp quản lý, khai thác 91 hồ trên địa bàn. Tuy nhiên, đơn vị này đã ký 28 hợp đồng nuôi thả cá bằng phương pháp truyền thống, nuôi lồng bè, tự phát khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước cho phép; định mức giá cho thuê mặt nước không căn cứ cụ thể. Mặt khác, hoạt động kinh doanh, du lịch, giải trí trên nhiều hồ, nhất là hồ Kim Đĩnh, Gò Miếu, Ghềnh Chè chưa được cấp phép; phương tiện thủy nội địa chưa đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển phương tiện chưa đủ điều kiện mà vẫn hoạt động đưa, đón khách tham quan hồ dẫn đến nguy cơ mất an toàn.
Đặc biệt, tại hồ Ghềnh Chè và Kim Đĩnh đã từng xảy ra vụ việc đuối nước gây chết người. Ngoài ra, tại nhiều hồ chứa nước lớn, như hồ Núi Cốc, hồ Ghềnh Chè, Suối Lạnh, Đá Gàn diễn ra tình trạng xây dựng công trình trái phép, thậm chí xây dựng với quy mô lớn trong hành lang bảo vệ hồ. Điều đó cho thấy việc quản lý các hồ thủy lợi ở Thái Nguyên còn có nhiều bất cập.
Để phát huy giá trị đa mục tiêu của các hồ thủy lợi
Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên, Nguyễn Công Thịnh phân trần: “Chúng tôi cho tổ chức, cá nhân thuê mặt nước vừa để tận dụng mặt nước, vừa để cùng phối hợp các tổ chức, cá nhân này và chính quyền địa phương cùng thực hiện quản lý, bảo vệ công trình, bảo vệ trật tự an ninh khu vực bởi chúng tôi không có người thường xuyên túc trực tại các hồ”. Tuy nhiên, việc cho thuê mặt nước khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước cho phép là vi phạm.
Điều đáng nói là những vi phạm về cho thuê mặt nước, xây dựng, du lịch, phương tiện thủy nội địa tại các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra nhiều năm, nhưng không được xử lý, hầu hết mới chỉ dừng ở mức lập biên bản vi phạm.
Nguyên nhân chủ yếu là do sự phối hợp giữa Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên với UBND các huyện Đại Từ, Phú Bình, các thành phố Thái Nguyên, Sông Công và Phổ Yên chưa chặt chẽ, xử lý không kiên quyết, triệt để. Ông Thịnh chia sẻ: “Được giao quản lý, khai thác các hồ, nhưng đơn vị chúng tôi chỉ có thẩm quyền ở mức lập biên bản, không có thẩm quyền thực hiện chế tài. Việc cưỡng chế vi phạm để trả lại nguyên trạng cần sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền các huyện, thành phố”.
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, đoàn liên ngành tỉnh Thái Nguyên đã kiểm tra 17 hồ trên địa bàn và chỉ ra những sai phạm trong quản lý, khai thác mặt nước thời gian qua.
Bên cạnh việc xử lý nghiêm các công trình xâm hại mặt nước, xâm hại phạm vi bảo vệ công trình, kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm thì tỉnh Thái Nguyên cần có giải pháp, kế hoạch nuôi trồng thủy sản để khai thác tiềm năng mặt nước. Đồng thời, quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển du lịch một cách bền vững, bài bản tại các khu vực hồ nhằm phát huy giá trị đa mục tiêu của các hồ thủy lợi ■