Bất cập do thiếu các điểm dừng, đỗ ô-tô dịch vụ

Trong khi số lượng xe ô-tô kinh doanh dịch vụ rất lớn, thì số điểm dừng, đỗ đúng quy định tại Hà Nội lại quá ít. Điều này dẫn đến tình trạng ùn ứ, mất trật tự an toàn giao thông, khó khăn trong công tác quản lý và đòi hỏi ngành chức năng cần sớm có giải pháp khắc phục.
0:00 / 0:00
0:00
Thanh tra giao thông quận Nam Từ Liêm kiểm tra, xử lý xe hợp đồng vi phạm trên địa bàn.
Thanh tra giao thông quận Nam Từ Liêm kiểm tra, xử lý xe hợp đồng vi phạm trên địa bàn.

Thời gian gần đây, các tuyến phố Cầu Gỗ, Gia Ngư, Hàng Bè, Đinh Liệt, Hàng Trống, Hàng Phèn, Hàng Bồ, Hàng Nón, Bát Sứ, Thuốc Bắc, Nhà Chung, Lý Quốc Sư, Hàng Bạc... trong khu phố cổ khá lộn xộn bởi sự xuất hiện của xe hợp đồng du lịch ra vào đón, trả khách, nhất là vào giờ cao điểm buổi sáng. Hầu hết các tuyến phố này đều nhỏ hẹp, chỉ một chiếc xe 45 chỗ dừng đỗ là lập tức gây ùn ứ.

Anh Lê Văn Trung ở phố Hàng Bạc cho biết: "Việc các xe hợp đồng, xe du lịch dừng đón khách ở bất cứ chỗ nào có thể đỗ được không chỉ gây tắc nghẽn giao thông, mất trật tự đô thị, mà còn ảnh hưởng việc kinh doanh của nhiều người khác".

Trong khi đó, lái xe Phạm Minh Đức chuyên đón khách du lịch tại khu vực phố cổ chia sẻ: "Cứ mỗi lần đón trả khách tại đây, chúng tôi cũng rất mệt vì đường chật mà lại đông xe. Nếu như cơ quan chức năng bố trí các điểm dừng, đỗ đón khách thì sẽ đỡ hơn nhiều".

Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, thành phố có mạng lưới vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh đường bộ kết nối đến 41 tỉnh, thành với 897 tuyến, hơn 3.300 phương tiện, 3.556 chuyến/ngày. Bên cạnh đó còn có khoảng 17.300 xe ta-xi do Sở cấp phép cùng lượng lớn ta-xi ngoại tỉnh hoạt động thường xuyên trên địa bàn Thủ đô. Ngoài ra, thành phố có 36.133 xe ô-tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, gồm 21.312 xe từ chín chỗ trở lên.

Số phương tiện lớn như vậy, nhưng thành phố mới công bố 41 cặp điểm đón trả khách cho xe khách liên tỉnh; thí điểm sáu điểm dừng đỗ, đón trả cho xe ta-xi tại hai tuyến phố: Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo. Xe hợp đồng, xe du lịch nói chung mới chỉ có 45 vị trí dừng, đỗ đón, trả cán bộ, công nhân viên. Như vậy, cả Hà Nội mới có tổng cộng 92 điểm dừng đỗ chính thức cho hơn 58.000 xe kinh doanh các loại hình dịch vụ vận tải khách. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xe kinh doanh dịch vụ dừng đỗ tùy tiện trên khắp phố phường Hà Nội.

Theo Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trong năm 2023, có 1.521 trường hợp dừng đỗ sai quy định bị kiểm tra, xử phạt hành chính, tăng hơn 42% so với cùng kỳ năm 2022. Nhằm xóa bỏ các điểm dừng, đỗ xe vi phạm, "bến cóc", "bến dù", Sở Giao thông vận tải chỉ đạo thanh tra giao thông vận tải phối hợp lực lượng công an và chính quyền địa phương xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định. Qua rà soát đã phát hiện 14 vị trí xe kinh doanh vận tải hành khách thường xuyên đón trả khách trái quy định; xóa bỏ được bốn vị trí và sẽ kiên trì xử lý nghiêm, không để tồn tại các vị trí còn lại trong thời gian tới.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, bố trí đủ số điểm dừng, đỗ cho một số loại hình xe kinh doanh dịch vụ vận tải khách là điều rất khó với Hà Nội. Muốn tìm ra giải pháp, trước tiên, thành phố cần rà soát lại quy hoạch vận tải, khống chế số phương tiện tương xứng với nhu cầu và khả năng đáp ứng. Trong khi xe khách liên tỉnh và ta-xi đã được quy hoạch số lượng, luồng tuyến cụ thể, thì xe hợp đồng, du lịch, xe công nghệ lại chưa đặt ra được giới hạn về số lượng. Thành phố cũng chưa có quy hoạch, bố trí hạ tầng đủ để phục vụ hoạt động kinh doanh vận tải, nhất là đối với loại hình xe hợp đồng.

Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, đơn vị đang tập trung phối hợp Hiệp hội Ta-xi thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan khảo sát, đề xuất bố trí 63 điểm dừng, đỗ đón trả khách cho xe ta-xi tại các khu vực bến xe, trung tâm thương mại...

Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải tiếp tục nghiên cứu, tổ chức các điểm dừng đỗ cho xe khách liên tỉnh. Nhưng với xe đưa đón cán bộ, công nhân viên, xe chở học sinh, xe du lịch…, việc bố trí điểm dừng đỗ như thế nào cho hợp lý vẫn chưa có phương án cụ thể. Hơn nữa, số điểm dừng chờ được bổ sung theo kế hoạch trước mắt cũng chưa "thấm" vào đâu so với nhu cầu thực tế.

Đối với xe đưa đón cán bộ, công nhân viên, học sinh cần sắp xếp vào một loại hình riêng, có hệ thống chế tài, quy định, hướng dẫn cụ thể; hệ thống điểm đón trả riêng. Có nhiều xe chở học sinh sẵn sàng dừng giữa đường, hoặc giữa nút giao, rồi mở cửa cho các em nhỏ xuống, mất an toàn giao thông.

Do đó, cần sớm có hệ thống điểm dừng theo khu vực cho xe đưa đón cán bộ, công nhân viên, học sinh. Mỗi phường, hoặc mỗi khu vực có số dân đông chỉ nên sắp xếp một đến hai điểm dừng cho loại hình này tại những nơi có điều kiện hạ tầng sẵn (Cổng công viên, sảnh tòa nhà...). Như vậy sẽ giảm được áp lực, rủi ro giao thông từ việc đón trả khách.