Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản-Vì một ngành Thủy sản xanh và phát triển bền vững

NDO - Ngày 23/12, tại thành phố Hội An (Quảng Nam), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị “Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản - Vì một ngành Thủy sản xanh và phát triển bền vững”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản - Vì một ngành thủy sản xanh và phát triển bền vững.
Quang cảnh hội nghị bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản - Vì một ngành thủy sản xanh và phát triển bền vững.

Tại hội nghị này, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong thời gian qua.

Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các địa phương đã thành lập và đưa vào hoạt động 6 khu bảo tồn biển gồm: Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Vịnh Nha Trang (Khánh Hòa), Hòn Cau (Bình Thuận).

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, các địa phương đã quan tâm chỉ đạo, thực hiện khá tốt các quy định pháp luật về quản lý bảo tồn biển và đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Các địa phương đã tổ chức nghiên cứu, trồng phục hồi san hô, bước đầu sinh sản nhân tạo các loài nguy cấp quý hiếm; thả rạn nhân tạo; thực hiện cứu hộ rùa, vích; giám sát đa dạng sinh học; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sống của loài thủy sản cho cộng đồng dân cư sống trong và chung quanh khu bảo tồn biển.

Hoạt động nghiên cứu khoa học tại các khu bảo tồn biển, vườn quốc gia đang ngày được quan tâm nhiều hơn, số lượng đề tài nghiên cứu có liên quan đến bảo tồn biển tăng hằng năm. Kết quả của các đề tài nghiên cứu đã hỗ trợ khá hiệu quả cho công tác quản lý, đồng thời nâng cao trình độ chuyên môn tại các ban quản lý.

Một số khu bảo tồn biển đã chủ động phối hợp với các cơ quan nghiên cứu tiến hành thử nghiệm mô hình nhân giống san hô và bước đầu mang lại kết quả khả quan.

Tại hội nghị này, các đại biểu cũng nhận diện rõ những khó khăn, thách thức và bàn giải pháp, sáng kiến hiệu quả cho công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản-Vì một ngành Thủy sản xanh và phát triển bền vững, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ quản lý và phát triển hệ thống khu bảo tồn biển tại Việt Nam còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Công tác thành lập khu bảo tồn biển trên phạm vi toàn quốc, việc quy hoạch, thành lập và đưa vào hoạt động các khu bảo tồn biển tại địa phương chậm so với mục tiêu đề ra; tổ chức bộ máy quản lý khu bảo tồn biển ở các tỉnh chưa ổn định; cơ cấu tổ chức, bộ máy của ban quản lý khu bảo tồn biển chưa có sự thống nhất ở các địa phương.

Để đạt được mục tiêu mà Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương đề ra đối với lĩnh vực bảo vệ tài nguyên, môi trường nói chung và lĩnh vực bảo tồn biển nói riêng cần có một chương trình hành động tổng thể, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, sự chung tay góp sức của toàn xã hội.

Theo đó, trong năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; trong đó, bổ sung nội dung đầu tư xây dựng các hạ tầng thiết yếu của khu bảo tồn biển bao gồm cả trang thiết bị phục vụ hoạt động của các khu bảo tồn biển.

Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, triển khai có hiệu quả: Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đề án thành lập mới khu bảo tồn biển, phục hồi các hệ sinh thái biển để bảo đảm diện tích các khu bảo tồn biển đạt 6% vào năm 2030.