Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản

Hiện nay, tình trạng khai thác thủy sản mang tính tận diệt vẫn diễn biến phức tạp với hình thức ngày càng tinh vi. Việc làm này không chỉ gây tổn hại cho nguồn lợi thủy sản mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, sinh kế của hàng nghìn người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh phối hợp Ðồn Biên phòng Thanh Lân bắt giữ phương tiện khai thác hải sản trái phép bằng hình thức giã cào.
Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh phối hợp Ðồn Biên phòng Thanh Lân bắt giữ phương tiện khai thác hải sản trái phép bằng hình thức giã cào.

Vào 6 giờ sáng 3/4 vừa qua tại vùng biển xã Ðầm Hà, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, Ðồn Biên phòng Quảng Ðức phát hiện, bắt giữ tàu cá QN-0609-TS do Cao Văn Thăng, sinh năm 1986, trú xã Liên Vị, thị xã Quảng Yên đang sử dụng lồng bát quái (ngư cụ bị cấm) để khai thác thủy sản. Ðồn Biên phòng Quảng Ðức đã hoàn chỉnh hồ sơ xử phạt đối tượng 25 triệu đồng, tịch thu 100 lồng bát quái.

Tiếp đó, 4 giờ sáng 4/5, Hải đội 2 phối hợp Ðồn Biên phòng Trà Cổ phát hiện, bắt giữ tàu cá QN-926-TS do Hoàng Văn Ly, sinh năm 1965 trú xã Vạn Ninh, thành phố Móng Cái đang sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản. Ðồn Biên phòng Trà Cổ đã xử phạt đối tượng 17,5 triệu đồng; tịch thu một bộ kích điện và tước giấy phép khai thác thủy sản 4,5 tháng…

Ngay từ năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Chỉ thị 18-CT/TU ngày 1/9 về tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của cả hệ thống chính trị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng dân cư trong quản lý, khai thác, bảo tồn, phát triển, sử dụng nguồn lợi thủy sản. Bộ đội Biên phòng tỉnh tuy không phải là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy sản nhưng thời gian qua đã đấu tranh ngăn chặn, bắt giữ, xử lý nhiều vụ việc vi phạm trên vùng biên giới biển.

Từ năm 2020, Bộ đội Biên phòng tỉnh trực tiếp xử lý 491 vụ, bắt giữ 917 đối tượng cùng 535 phương tiện, phạt 8,5 tỷ đồng; tịch thu tang vật tiêu hủy gần 50 bộ kích điện, hàng nghìn dây lồng bát quái... Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, từ năm 2018 đến nay, đã phát hiện, xử lý 5.790 vụ vi phạm, xử phạt 5.754 vụ việc thu phạt hơn 42,2 tỷ đồng; tịch thu, tiêu hủy nhiều tang vật vi phạm…

Ðại tá Tô Văn Ðồng - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh cho biết, việc khai thác thủy sản bằng phương pháp truyền thống có hiệu quả thấp hơn cho nên vì lợi nhuận, một số ngư dân vẫn sử dụng ngư cụ cấm, khai thác sai nghề, sai vùng. Nhiều ngư dân do kinh tế khó khăn, không có điều kiện đóng tàu lớn hoặc đầu tư chuyển đổi nghề nên vẫn lén lút sử dụng ngư cụ cấm, nghề cấm khi khai thác thủy sản ven bờ, gây ảnh hưởng nguồn lợi thủy sản.

Ðiều đáng nói là hoạt động vi phạm này thường diễn ra trên vùng biển rộng, địa hình rất phức tạp với nhiều đảo, luồng lạch, cửa sông, bến ngang, bãi triều, vào ban đêm khiến việc kiểm soát, phát hiện rất khó khăn.

Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh là đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước và công tác thanh tra chuyên ngành nhưng chỉ có 11 người, trang thiết bị tàu của đơn vị chỉ có 2 chiếc trong đó, một tàu hoạt động đã gần 24 năm và tàu còn lại cũng đã 15 năm tuổi cho nên việc tuần tra, kiểm soát xử lý vụ việc chưa đáp ứng được yêu cầu.

Ông Ðỗ Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái cho biết: Mặc dù khu vực biển Móng Cái rộng nhưng các cơ quan, đơn vị chưa được trang bị đầy đủ các phương tiện cho nên phải đi thuê tàu của ngư dân để tuần tra, giám sát. Trong khi đó, các đối tượng am hiểu địa bàn, khi bị lực lượng chức năng phát hiện, sẵn sàng vứt bỏ ngư cụ xuống nước để phi tang, bỏ chạy.

Tỉnh Quảng Ninh có bờ biển dài 250km với vùng biển rộng hơn 6.000km2, có nhiều đảo, vịnh, luồng lạch, có đường biên giới sông, biển giáp với Trung Quốc. Từ xa xưa tới nay, vùng biển này là “nguồn sống” của hàng nghìn ngư dân, tuy nhiên hiện nay cường độ khai thác thủy sản đã ở mức rất cao, chủ yếu đánh bắt ven bờ, vùng lộng; chưa kể ngư dân vẫn sử dụng một số phương pháp như: Sử dụng thiết bị xung điện, lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định để khai thác dẫn đến nguy cơ suy giảm nguồn lợi thủy sản.

Ông Ngô Tất Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh cho biết, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về khai thác thủy sản cho người dân là việc đầu tiên cũng là lâu dài để người dân chủ động tham gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Muốn vậy, công tác tuyên truyền phải thay đổi phương thức, bên cạnh những phương pháp truyền thống là phát tờ rơi, phát thanh loa... thì thời gian tới cần nghiên cứu chuyển đổi số nội dung tuyên truyền thông qua các mạng xã hội như: Facebook, TikTok… với nội dung thông tin ngắn gọn, dễ hiểu.

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc phòng, chống tội phạm khai thác thủy sản và buôn bán, tàng trữ chất nổ, vật liệu nổ, các thiết bị đánh bắt mang tính tận diệt. Kiểm điểm trách nhiệm đối với các cá nhân, đơn vị, địa phương thường xuyên để xảy ra vi phạm tại khu vực quản lý, không báo cáo kết quả xác minh, xử lý thông tin từ mạng lưới đường dây nóng bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã thiết lập tạm thời 10 điểm kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại các bến cảng, khu neo đậu tránh trú bão để giám sát sản lượng bốc dỡ…

UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành Kế hoạch số 46 ngày 15/2/2022 về thực hiện các giải pháp quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, trong đó đưa ra nhiều mục tiêu cụ thể. Ngay trong năm 2022 giảm khoảng 600 tàu cá hoạt động khai thác nhằm giảm áp lực khai thác, thả ít nhất 3 triệu con giống thủy sản các loại ra môi trường tự nhiên để tái tạo nguồn lợi thủy sản; thành lập khu bảo tồn biển Cô Tô-đảo Trần; thành lập và đưa vào hoạt động khu bảo tồn đất ngập nước Ðồng Rui, Tiên Yên. Giao UBND các huyện, thành phố quản lý, bảo vệ 16 khu nguồn lợi ngán, rươi, sá sùng với diện tích khoảng 3.529ha…

Hành vi hủy hoại nguồn lợi thủy sản là việc sử dụng chất độc, chất nổ, các hóa chất dùng điện hoặc các phương tiện, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản hoặc làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản… Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, các hành vi nêu trên có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự. Nếu hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì theo Nghị định số 42/2019/NÐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ, chủ tàu cá có thể bị phạt đến một tỷ đồng. Nếu đủ điều kiện xử lý hình sự thì theo Ðiều 242 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), bị phạt đến một tỷ đồng hoặc phạt tù đến 10 năm. Nếu là pháp nhân thương mại phạm tội thuộc một trong các trường hợp tại khoản 3 Ðiều 242 thì có thể bị phạt đến 5 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm…

Luật sư Bùi Ðình Bản (Ðoàn Luật sư TP Hà Nội)