Bộ trưởng Lê Minh Hoan đối thoại với ngư dân tìm giải pháp phát triển ngành thủy sản bền vững

NDO - Ngày 8/12, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trực tiếp đối thoại với các cộng đồng ngư dân và các hội đoàn thủy sản, nghề cá với chủ để “Thúc đẩy đồng quản lý vì ngành thủy sản bền vững và có trách nhiệm”.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì đối thoại đầu bờ với ngư dân tại Khánh Hòa.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì đối thoại đầu bờ với ngư dân tại Khánh Hòa.

Chương trình do Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Hội Thủy sản Việt Nam, cùng với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Chương trình tài trợ nhỏ (UNDP/GEF-SGP), Sáng kiến tài chính đa dạng sinh học (BIOFIN) và Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, tổ chức.

Đối thoại “đầu bờ” được tổ chức vào buổi sáng tại hiện trường khu neo đậu tàu thuyền của ngư dân Tổ dân phố đảo Bích Đầm, nơi người dân sống xa bờ nhất trong vịnh Nha Trang. Tại đây, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thăm tàu cá của ngư dân, nơi neo đậu và tránh trú bão, tìm hiểu công việc và cuộc sống của bà con ngư dân,… Sau đó, Bộ trưởng dành thời gian đối thoại tại chỗ với cộng đồng ngư dân Bích Đầm để làm thế nào quản lý nghề cá ở đây hiệu quả và bền vững.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đối thoại với ngư dân tìm giải pháp phát triển ngành thủy sản bền vững ảnh 1

Ngư dân chia sẻ, tâm tư nguyện vọng của mình với tư lệnh ngành và các lãnh đạo ngành, địa phương.

Theo báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nước ta quy hoạch khoảng 173 cảng/bến cá và khu neo đậu tránh trú bão. Các cảng/bến cá và khu neo đậu tránh trú bão phân bố ở tất cả các tỉnh/thành phố trung ương ở ven biển, ở các cửa sông, ven vịnh biển ra đến các đảo, bao gồm huyện đảo Trường Sa. Các cảng cá được chia ra thành 3 loại: I, II, III có mức đầu tư khác nhau và đều do các địa phương ven biển quản lý trực tiếp thông qua Ban quản lý cảng/bến và bằng nguồn đầu tư ngân sách của Nhà nước, chủ yếu vào: hạ tầng, trang thiết bị, bộ máy quản lý, bảo vệ môi trường, an toàn, an ninh,...

Hạ tầng cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành thủy sản, công tác duy tu, bảo trì chưa được địa phương quan tâm, bố trí kinh phí thực hiện theo quy định. Chưa có mô hình hợp tác công tư, cơ chế khuyến khích sự tham gia, phối hợp quản trị cảng cá đối với các cộng đồng ngư dân đánh cá, nậu vựa và doanh nghiệp tư nhân, các hội đoàn vào quá trình quản lý các cảng bến cá.

Thực tiễn quản lý nghề cá bền vững, có trách nhiệm cần giải pháp phát triển hiệu quả và quản lý “thông minh” các cảng/bến cá ở nước ta trong thời gian tới. Đây là chủ đề mới, khó, nên hy vọng thông qua đối thoại “bàn tròn” giữa Bộ trưởng Lê Minh Hoan với ngư dân, hội đoàn, doanh nghiệp và các bên liên quan khác sẽ tìm ra giải pháp để tháo gỡ các “điểm nghẽn”, tạo chuyển biến mới trong phát triển và quản lý/quản trị cảng bến cá ở nước ta.

Đối thoại được kỳ vọng là dịp để người đứng đầu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn được trực tiếp lắng nghe những chia sẻ, tâm tư nguyện vọng từ những con người trực tiếp ngày đêm bám biển, vươn khơi, xây dựng cuộc sống ấm no trên vùng biển quê hương trong khi tiếp tục những nỗ lực để duy trì nguồn tài nguyên biển quý giá cho hôm nay và nhiều thế hệ mai sau.

Buổi chiều, Bộ trưởng dự Đối thoại “bàn tròn” tập trung vào chủ đề thúc đẩy, nhân rộng “đồng quản lý” trong khai thác thủy sản, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; vai trò của ngư dân, các hội đoàn, các bên liên quan khác trong quản trị cảng/bến cá ở nước ta trong thời gian tới thế nào.

Thông qua đối thoại dân chủ, ngư dân và các bên liên quan có cơ hội phản ánh thực tế nghề cá địa phương, chia sẻ kiến thức bản địa, kiến nghị giải pháp; các vướng mắc, thậm chí nút thắt để có thể nhân rộng đồng quản lý và quản trị/quản lý hiệu quả các cảng/bến cá ở nước ta.