Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng, trong số 317 hồ nước trên địa bàn Hà Nội, khu vực nội thành có 132 hồ với diện tích khoảng 1.924 ha, ngoại thành có 185 hồ với diện tích hơn 5.198 ha. Do hệ thống xử lý nước thải của Hà Nội còn hạn chế, cho nên phần lớn nước thải sinh hoạt được xử lý sơ bộ qua bể tự hoại rồi đổ vào hệ thống cống chung và đổ ra sông, hồ gần nhất. Do đó, phần lớn các sông, hồ đều bị ô nhiễm nặng.
Việc quản lý hồ ở Hà Nội còn rất bất hợp lý. Hiện đang có khoảng 20 đơn vị cùng tham gia quản lý. Thậm chí, có hồ lại do nhiều đơn vị quản lý từng phần việc riêng rẽ theo chức năng ngành hoặc chức năng lãnh thổ như hồ Tây.
Những năm gần đây, nhiệt độ trung bình của Hà Nội và cả nước có xu hướng tăng khoảng 1,5 độ C. Cùng với đó, lượng mưa trung bình cũng tăng 2 - 3%. Do đó, nguy cơ ngập lụt, hạn hán, xói lở đất, suy giảm nguồn nước mặt là có thể xảy ra.
Để bảo vệ hồ Hà Nội trước nguy cơ do biến đổi khí hậu (BĐKH) vào những năm tới, Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng, Tổng hội Xây dựng đã xây dựng đề án “Định hướng phát triển và quản lý quy hoạch – kiến trúc hệ thống hồ Hà Nội nhằm ứng phó với BĐKH, phù hợp với yêu cầu phát triển đô thị đến năm 2030 và tầm nhìn 2050”. Đề tài do PGS,TS Lưu Đức Hải làm chủ nhiệm, dự kiến trình UBND thành phố vào cuối năm nay.
Theo TS, KTS Lê Thị Bích Thuận - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, hồ nước Hà Nội có vai trò rất quan trọng, đó là: điều hòa vi khí hậu và môi trường cho thành phố, tạo cảnh quan, là không gian công cộng quan trọng cho người dân Thủ đô và điều hòa nước mưa, tiếp nhận nước thải. Tại đề án này, Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng đưa ra bảy giải pháp, bao gồm: giải pháp cho các công cụ quản lý và nội dung quản lý; giải pháp kiểm soát vấn đề tăng nhiệt độ do BĐKH; giải pháp kiểm soát nguy cơ ngập lụt do BĐKH; giải pháp kiểm soát nguồn nước và chất lượng nước; giải pháp kiểm soát điều kiện đất và độ ổn định của đất; giải pháp bảo vệ hồ nước và giải pháp tạo không gian cảnh quan đệm chung quanh hồ.
Trong đó, công cụ quản lý hệ thống hồ phải căn cứ vào chương trình phát triển đô thị và các quy hoạch như quy hoạch vườn hoa, quy hoạch thoát nước, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch nông thôn...
Việc kiểm soát vấn đề tăng nhiệt độ do BĐKH trên địa bàn thành phố sẽ thông qua quy hoạch chung, trong đó tập trung vào việc tạo các không gian mở chất lượng cao như hồ nước, cây xanh rộng lớn, kết hợp với hệ thống tưới tiêu ở các khu vực không gian mở, tạo hệ sinh thái, giảm hiệu ứng đảo nhiệt. Không gian mặt nước bao gồm sông, hồ và các con kênh trong đô thị cần được quy hoạch và chống bị thu hẹp diện tích. Định hướng mật độ xây dựng, thiết kế công trình với lớp vỏ hạn chế hấp thụ và bức xạ mặt trời, giảm thiểu năng lượng sử dụng trên quy mô toàn thành phố. Định hướng phát triển đô thị trên quy mô toàn thành phố nhằm giảm hiệu ứng đảo nhiệt. Giảm mật độ xây dựng, thiết kế thông gió tự nhiên cho các tòa nhà nhờ thiết kế quy hoạch tổng thể khu đô thị theo hình dạng, vị trí công trình, xây dựng các quy chuẩn mới để áp dụng vào quy hoạch, thiết kế đô thị. Song song với việc kiểm soát nhiệt độ tăng trên toàn thành phố, cần kiểm soát vấn đề nhiệt độ tăng ở khu vực đô thị như: tăng diện tích không gian xanh; tăng diện tích hồ, ao, mương thoát nước; định hướng vị trí, kích thước, sắp xếp quy hoạch công trình, cây xanh; quy định mật độ sử dụng các vật liệu xanh cho vỉa hè và các khu vực đỗ xe công cộng... Ngoài ra, kiểm soát vấn đề tăng nhiệt do công trình xây dựng chung quanh hồ bằng việc trồng cây che nắng và sử dụng hệ thống chống chói cao cấp để giảm nhiệt mặt trời; quy định về việc sử dụng vật liệu của lớp vỏ công trình để tránh sự xâm nhập của năng lượng mặt trời; sử dụng nước để làm mát...
Về nguy cơ ngập lụt do BĐKH, để kiểm soát cần cải thiện các khu vực tự nhiên, quản lý các kế hoạch phát triển nông nghiệp và các khu sinh thái tự nhiên. Bên cạnh đó, cần đánh giá nguy cơ ngập lụt và tiến tới xây dựng vùng chậm lũ; xây dựng hệ thống thoát nước kết hợp với các hành lang xanh.
Đối với nguồn nước và chất lượng nước, cần phải thiết lập các hồ chứa nước tự nhiên và nhân tạo để dự trữ và điều hòa nguồn nước; xử lý nước thải để có thể tái sử dụng và tiết kiệm nguồn nước. Để chống xói lở, bảo đảm sự ổn định của mặt đất, cần rà soát đánh giá các vùng đất, xây dựng bản đồ khu vực có nguy cơ xói mòn để có biện pháp kè bờ và quản lý sử dụng đất đúng quy hoạch. Đặc biệt, đối với không gian cảnh quan kiến trúc chung quanh hồ, cần kè hồ để không làm giảm diện tích do lấn chiếm, xói lở. Xây dựng đường bao quanh hồ và trồng một số loài cây thủy sinh lọc nước hồ...
Hy vọng rằng, với sự quan tâm đầu tư của thành phố trong công tác quản lý quy hoạch và kiến trúc, hệ thống hồ Hà Nội sẽ phát huy vai trò của mình trong điều hòa nước mưa, điều hòa khí hậu khu vực, làm đẹp cảnh quan Thủ đô.