Phụ nữ dân tộc La Ha biểu diễn điệu múa truyền thống tại lễ hội Pang A của dân tộc mình. (Ảnh: Phan Thảo)
Phụ nữ dân tộc La Ha biểu diễn điệu múa truyền thống tại lễ hội Pang A của dân tộc mình. (Ảnh: Phan Thảo)

Bảo tồn, phát huy văn hóa và ngôn ngữ đồng bào dân tộc La Ha

Ở nước ta, đồng bào dân tộc La Ha tập trung sinh sống chủ yếu ở tỉnh Sơn La. Mặc dù là dân tộc thiểu số nhưng dân tộc La Ha lại có nhiều nét văn hóa truyền thống đa dạng, đặc sắc, độc đáo được gìn giữ qua thời gian dài.

Tuy nhiên, nhiều nét văn hóa, trong đó có ngôn ngữ và chữ viết của đồng bào dân tộc La Ha đang dần bị mai một. Thậm chí, đồng bào La Ha đang phải mượn tiếng nói của dân tộc khác giao tiếp, ảnh hưởng việc gìn giữ văn hóa lâu đời của dân tộc mình. Tỉnh Sơn La đã có nhiều chương trình, chính sách bảo tồn ngôn ngữ, văn hóa của đồng bào dân tộc La Ha.

Tỉnh Sơn La có 12 dân tộc anh em cùng chung sống. Mỗi dân tộc có phong tục tập quán và bản sắc văn hóa riêng. Các dân tộc cư trú xen kẽ nhau, có mối quan hệ khăng khít về chính trị-kinh tế-văn hóa... có truyền thống đoàn kết, yêu nước nồng nàn. Mỗi dân tộc có nét đặc trưng văn hóa riêng biệt, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo cho Sơn La có một nền văn hóa đa sắc tộc, phong phú và độc đáo.

Tỉnh Sơn La có 12 dân tộc anh em cùng chung sống. Mỗi dân tộc có phong tục tập quán và bản sắc văn hóa riêng. Các dân tộc cư trú xen kẽ nhau, có mối quan hệ khăng khít về chính trị-kinh tế-văn hóa... có truyền thống đoàn kết, yêu nước nồng nàn. Mỗi dân tộc có nét đặc trưng văn hóa riêng biệt, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo cho Sơn La có một nền văn hóa đa sắc tộc, phong phú và độc đáo.

Dân tộc La Ha có mặt sớm ở miền Tây Bắc nước ta. Trong ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số hiện nay thì Sơn La còn 3 tộc người còn chữ viết đó là người Thái, người Lào, người Dao.

Trong giao tiếp, do giao thoa về văn hóa đi cùng lịch sử tộc người đã tạo nên những dân tộc cùng sử dụng một phương ngữ chính trị địa bàn cư trú tộc người như người Thái và người La Ha sử dụng chung ngôn ngữ Thái.

Số người La Ha biết tiếng của tộc người mình còn rất ít mà tập trung chính ở những người cao tuổi. Do ít giao tiếp nên ngày một mất đi, còn những lớp tuổi thanh niên, trung niên hầu như không biết tiếng mẹ đẻ của mình, họ hoàn toàn dùng ngôn ngữ Thái, thậm chí là cả trong các nghi lễ.

Bảo tồn, phát huy văn hóa và ngôn ngữ đồng bào dân tộc La Ha ảnh 1

Tái hiện lễ hội Pang A của đồng bào dân tộc La Ha tại xã Ngọc Chiến, huyện Mường La. (Ảnh: Quốc Tuấn)

Nhiều năm qua, tỉnh Sơn La đã có các giải pháp tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có Quyết định số 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025.

Bản của đồng bào La Ha thường có khoảng 10 nhà. Người La Ha ở nhà sàn, có 2 cửa ra vào với thang lên xuống tại 2 đầu nhà, 1 cửa vào chỗ để tiếp khách và 1 cửa vào chỗ dành cho sinh hoạt trong gia đình.

Đồng thời, tỉnh Sơn La cũng đã có nhiều chính sách, giải pháp trong việc phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc La Ha, một trong những dân tộc thiểu số rất ít người đã và đang được hưởng những thành quả trong quá trình triển khai thực hiện, trong đó có việc bảo tồn ngôn ngữ của đồng bào dân tộc La Ha.

Trao đổi với lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La, được biết, trước đây, người La Ha sống chủ yếu bằng nghề làm rẫy theo lối du canh, duy trì việc hái lượm. Ngày nay, người dân đã làm ruộng lúa nước, biết đắp bờ chống xói mòn nương và thường nuôi heo, gà. Họ cũng nuôi trâu, bò để cày kéo. Bản của đồng bào La Ha thường có khoảng 10 nhà. Người La Ha ở nhà sàn, có 2 cửa ra vào với thang lên xuống tại 2 đầu nhà, 1 cửa vào chỗ để tiếp khách và 1 cửa vào chỗ dành cho sinh hoạt trong gia đình.

Trang phục màu đen tuyền nền nã, phụ nữ người La Ha thường mặc áo cóm có hàng khuy bạc, váy đen, có cạp và thắt lưng màu xanh. Họ đội khăn piêu có thêu hoa văn và búi tóc ngược lên đỉnh đầu khi đã lập gia đình giống như phụ nữ Thái.

Trước đây, nữ giới La Ha còn đeo các loại trang sức như dây xà tích, hoa tai bạc, vòng cổ, vòng tay, trâm... Trang phục của nam giới người La Ha khá đơn giản gồm áo cánh ngắn, quần lá và khăn đội đầu, tất cả đều được nhuộm chàm.

Tại Sơn La, đồng bào La Ha sinh sống chủ yếu ở các huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La, Mộc Châu. Cùng với triển khai các giải pháp tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc La Ha, tỉnh Sơn La còn chỉ đạo các huyện phối hợp Ban Dân tộc tỉnh và các ngành triển khai nhiều chương trình bảo tồn, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc La Ha.

Bảo tồn, phát huy văn hóa và ngôn ngữ đồng bào dân tộc La Ha ảnh 3

Tại các lễ hội, tỉnh Sơn La đã lồng ghép được các hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc La Ha. (Ảnh: Phan Thảo)

Như tại huyện Quỳnh Nhai, để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc La Ha, Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân tộc La Ha vùng di dân tái định cư thủy điện tại Quỳnh Nhai đã được thành lập và ra mắt từ năm 2020. Câu lạc bộ có 35 thành viên từ 20 tuổi đến 70 tuổi, đều là đồng bào dân tộc La Ha đang sinh sống tại bản Bung Lanh, xã Mường Giàng.

Chị Lò Thị Tỉnh, Đội trưởng Câu lạc bộ chia sẻ, việc thành lập câu lạc bộ đã góp phần tập hợp được nhiều thành viên ở các độ tuổi khác nhau, thường xuyên luyện tập vào các tối rảnh rỗi trong tuần. Ngoài việc được giao lưu văn hóa, văn nghệ, được tiếp nhận những giá trị truyền thống của dân tộc mình, duy trì được các điệu múa truyền thống, câu lạc bộ còn là nơi để đồng bào được giao tiếp với nhau bằng chính ngôn ngữ của mình và dịp để các thành viên được học hỏi những kinh nghiệm trong sản xuất và nuôi dạy con, cháu.

Bảo tồn, phát huy văn hóa và ngôn ngữ đồng bào dân tộc La Ha ảnh 4

Phụ nữ dân tộc La Ha thường mặc áo cóm có hàng khuy bạc, váy đen, có cạp và thắt lưng màu xanh. (Ảnh: Quốc Tuấn)

Còn tại huyện Mường La, nơi có dân tộc La Ha sinh sống tại 17 bản thuộc 10 xã với gần 1.100 hộ, hơn 5.300 nhân khẩu, chiếm gần 5% dân số toàn huyện. Qua khảo sát cho thấy, đồng bào dân tộc La Ha đang cư trú dọc ven sông, ven suối, sườn đồi thành những bản riêng rẽ hoặc xen lẫn với đồng bào dân tộc Thái, Khơ Mú. Trong đó, chỉ có 4 bản tại các xã của huyện Mường La là còn nói tốt tiếng dân tộc La Ha. Năm bản có ít người biết nói ngôn ngữ dân tộc mình và 8 bản còn lại không biết nói tiếng dân tộc mình. Một phần nguyên nhân là do các bản của đồng bào La Ha sống phân tán hay xen kẽ giữa đồng bào dân tộc Thái.

Trước đây người La Ha bị xa lánh, kỳ thị, do vậy họ ít giao tiếp giữa các bản La Ha với nhau. Trải qua nhiều năm, một số bản dân tộc La Ha đã không còn giữ được tiếng nói của dân tộc mình và dần bị ảnh hưởng bởi văn hóa, phong tục tập quán, đặc biệt là ngôn ngữ, tiếng nói của dân tộc Thái.

Từ thực trạng trên, tỉnh Sơn La đã giao cho các sở, ngành liên quan cùng huyện Mường La mở các lớp dạy ngôn ngữ, chữ viết cho đồng bào dân tộc La Ha. Như bản Lọng Bong, xã Hua Trai, huyện Mường La, dù chỉ cách trung tâm xã khoảng 7km, nhưng nơi đây lại khá biệt lập, vẫn những ngôi nhà sàn quen thuộc và giao tiếp toàn tiếng dân tộc Thái, khiến cho người lần đầu đến sẽ lầm tưởng đây là một bản dân tộc Thái.

Bảo tồn, phát huy văn hóa và ngôn ngữ đồng bào dân tộc La Ha ảnh 5

Phục dựng lễ hội Pang A trong dịp khánh thành nhà văn hóa cộng đồng La Ha tại xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. (Ảnh: Phan Thảo)

Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn, Bí thư Chi bộ bản Lọng Bong chia sẻ, bản có gần 100 hộ với hơn 400 nhân khẩu. Hầu hết bà con trong bản đều không biết tiếng của dân tộc mình, mà chỉ nói tiếng dân tộc Thái. Sau khi tỉnh mở lớp dạy tiếng La Ha cho bà con trong bản, mỗi hộ cử một người tham gia lớp học, sau đó về truyền lại cho các thành viên trong gia đình. Rất mong có những lớp dạy ngôn ngữ như vậy để bà con trong bản biết nói và duy trì được ngôn ngữ của dân tộc mình.

Trước đây, với những câu nói giao tiếp trong sinh hoạt thường dùng tiếng dân tộc Thái thì nay bà con đã có thể giao tiếp bằng chính ngôn ngữ của dân tộc mình, như: “nhà” tiếng Thái gọi là “hươn” còn tiếng La Ha gọi là “lôn”; "uống nước" tiếng Thái gọi là “cin nặm” còn tiếng La Ha gọi là “láng úng” hay "ăn cơm" tiếng Thái gọi là “cin khẩu” còn tiếng La Ha gọi là “lắng mạ”…

Đồng bào dân tộc La Ha ở Sơn La có nhiều nét văn hóa truyền thống, như: lễ hội dâng hoa Măng và Pang A, lễ mừng cơm mới, điệu múa Tăng Bu... Do vậy, để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa này, Sơn La đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, trong đó có Ban Dân tộc tỉnh phối hợp huyện đẩy mạnh nghiên cứu phục dựng các lễ hội, trang phục, trong đó có ngôn ngữ của đồng bào La Ha.

Tại Sơn La, đồng bào La Ha là dân tộc thiểu số có dưới 10.000 người, sinh sống tập trung tại 42 bản ở 17 xã thuộc các huyện bốn huyện. Để đưa dân tộc La Ha vươn lên thoát khỏi đói nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 2477/QĐ-UBND ngày 20/9/2017 phê duyệt hỗ trợ và phát triển kinh tế-xã hội dân tộc La Ha giai đoạn 2017-2025 trên địa bàn để thực hiện Đề án hỗ trợ kinh tế-xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025 theo Quyết định 2086/QĐ-TTg. Những nội dung hỗ trợ của Đề án đã giúp đồng bào dân tộc La Ha thay đổi tập quán sinh hoạt, sản xuất, ổn định dân cư.

Từ những nỗ lực trên, Sơn La đã từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào La Ha; bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có tiếng mẹ đẻ của đồng bào La Ha. Các công trình kết cấu hạ tầng và hỗ trợ sản xuất được đầu tư thêm, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, góp phần giảm dần khoảng cách phát triển giữa các dân tộc trong tỉnh. Tại các huyện có đồng bào La Ha sinh sống, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến các xã, bản đã luôn quan tâm chăm lo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc La Ha.

Bảo tồn, phát huy văn hóa và ngôn ngữ đồng bào dân tộc La Ha ảnh 6

Múa Tăng Bẳng của đồng bào dân tộc La Ha trong dịp tổ chức Đại hội Chi hội Văn học nghệ thuật huyện Mường La. (Ảnh: Quốc Tuấn)

Đặc biệt, các huyện đã thực hiện những chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc La Ha như xây chuồng trại mới, di chuyển chuồng trại ra xa nơi ở, cải tạo ao và bè lồng cá trên mặt hồ; hỗ trợ tổ chức, khôi phục lễ hội; tổ chức truyền khẩu dạy tiếng dân tộc La Ha. Các huyện còn đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là việc đưa giống mới vào sản xuất nông nghiệp…

Thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, được biết, để bảo tồn và phát huy văn hóa, trong đó có ngôn ngữ của dân tộc La Ha, năm 2020, từ Đề án phát triển kinh tế-xã hội dân tộc La Ha giai đoạn 2017-2025 trên địa bàn tỉnh Sơn La, trong đó có phần dạy tiếng La Ha, tỉnh Sơn La đã giao cho các huyện phối hợp mở các lớp học ngôn ngữ cho đồng bào dân tộc La Ha tại các bản.

Ông Quàng Văn Hóa, bản Nà Tạy, xã Pi Toong, huyện Mường La là người đầu tiên tham gia dạy tiếng dân tộc La Ha, chia sẻ, năm 2020, ông được huyện cử tham gia đứng lớp dạy tiếng dân tộc mình cho bà con La Ha tại các bản của xã Chiềng Lao.

Nội dung ở các lớp học nói về sinh hoạt hằng ngày, các vật dụng trong gia đình, mối quan hệ trong gia đình bằng tiếng La Ha. Bà con rất hào hứng học và tiếp thu được khoảng 80% lượng kiến thức. Tuy nhiên, để bà con duy trì và tiếp tục truyền đạt tiếng nói của dân tộc mình cho chính những thành viên trong gia đình thì cần có thêm những lớp học như thế này để nhân rộng.

Bảo tồn, phát huy văn hóa và ngôn ngữ đồng bào dân tộc La Ha ảnh 7

Phụ nữ dân tộc La Ha biểu diễn văn nghệ nhân dịp lễ khánh thành Nhà Văn hóa cộng đồng La Ha tại bản Hiên, xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu. (Ảnh: Phan Thảo)

Với những chính sách phù hợp, hiệu quả dành cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào dân tộc La Ha nói riêng đã và đang được tỉnh Sơn La lồng ghép vào Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội…

Do vậy, để từng bước nâng cao đời sống của đồng bào La Ha, tỉnh Sơn La đã giao cho Ban Dân tộc tỉnh Sơn La và một số sở, ngành liên quan rà soát lại toàn bộ từ kết cấu hạ tầng đến hỗ trợ sản xuất hay những phong tục, tập quán, văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc La Ha đã bị mai một để có giải pháp khôi phục và phát huy. Trong đó, đã có nhiều giải pháp cụ thể trong việc bảo tồn và lưu giữ ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào dân tộc La Ha.

back to top