Bảo tồn bền vững di sản Hoàng thành Thăng Long

Năm 2002, khi chuẩn bị xây dựng Nhà Quốc hội mới, giới khoa học đã ngỡ ngàng khi hàng triệu hiện vật khảo cổ thuộc khu di sản Hoàng thành Thăng Long phát lộ. Phát hiện này mở ra một chương mới trong nhận thức về giá trị Hoàng thành Thăng Long, đi cùng với đó là các biện pháp nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị. Sau 20 năm kể từ ngày được phát hiện, Hà Nội cũng như cả nước đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý trong bảo tồn, phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long, cũng như phương hướng bảo tồn lâu dài di sản này.
0:00 / 0:00
0:00
Các nhà khoa học khảo sát hố khai quật khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long.
Các nhà khoa học khảo sát hố khai quật khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long.

Năm 2010, tám năm sau khi phát lộ, dù còn rất nhiều bí ẩn chưa được làm rõ, nhưng Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới. Điều đó cho thấy giá trị to lớn của Hoàng thành Thăng Long. Bởi thế, ngay sau khi được UNESCO ghi danh, cùng với sự phối hợp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan, thành phố Hà Nội đã nhanh chóng triển khai 8 cam kết của Thủ tướng Chính phủ với UNESCO để công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại đây tiếp tục được triển khai một cách đầy đủ và hiệu quả.

Liên tục trong nhiều năm, mỗi năm thành phố phối hợp Viện Khảo cổ học khai quật khoảng 1.000 m2 để làm rõ những không gian chính của Hoàng thành Thăng Long. Trong đó, khu vực quan trọng nhất là không gian điện Kính Thiên, sân thiết triều về cơ bản đã được làm rõ.

Bên cạnh công tác nghiên cứu, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều đề án, dự án để bảo tồn, phát huy giá trị. Điển hình như thực hiện Đề án nghiên cứu phương án khôi phục không gian điện Kính Thiên và bảo tồn nhà Cục Tác chiến dưới dạng di sản số; hoàn thiện Kế hoạch quản lý di sản giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn 2045…

Đối với công tác phát huy giá trị góp phần nhận thức sâu sắc hơn, toàn diện hơn về những giá trị, Trung tâm Bảo tồn Di sản Hoàng thành Thăng Long là đơn vị đầu mối được giao nhiệm vụ trực tiếp khai thác, phát huy giá trị di sản. Đến nay, Hoàng thành Thăng Long đã trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn của Thủ đô. Hằng năm, khu di sản đón hàng trăm nghìn lượt khách. Trung tâm Bảo tồn Di sản Hoàng thành Thăng Long đã xây dựng các tour du lịch, khôi phục các nghi lễ cung đình như: Lễ tiến lịch, Lễ tiến xuân ngưu, Lễ cúng Táo quân, Tết Đoan ngọ… cùng nhiều hoạt động khác khiến di sản trở nên sinh động hơn khi khách du lịch được trải nghiệm các hoạt động văn hóa.

Mặc dù vậy, để bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long một cách lâu dài còn nhiều khó khăn, thách thức. Đối với phục dựng không gian điện Kính Thiên - mong mỏi của nhân dân cũng như giới khoa học, PGS, TS Bùi Minh Trí chỉ rõ, vấn đề khó khăn lớn nhất trong nghiên cứu phục dựng không gian điện Kính Thiên hiện nay là sự hạn chế tư liệu về diện mạo, quy mô, hình thái nền móng, tức là phần dưới của công trình, bởi khảo cổ chưa khai quật khu vực nền điện Kính Thiên.

Do đó, các cơ quan cần phải có những đầu tư nghiên cứu thật chuyên sâu và mang tính chuyên nghiệp về các loại vật liệu xây dựng kiến trúc cung điện thời Lê sơ dựa trên những phát hiện khảo cổ học để từng bước giải mã về tính chất, chức năng, tên gọi của các loại cấu kiện gỗ và các loại ngói lợp công trình. Ngoài ra, việc khôi phục điện Kính Thiên cũng khiến chúng ta buộc phải bóc dỡ những lớp di tích chồng lấp khác. Do đó, việc phục dựng cần có những tính toán kỹ lưỡng.

Việc bảo tồn bền vững di sản Hoàng thành Thăng Long, theo PGS, TS Đặng Văn Bài, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, còn một yếu tố quan trọng khác mà chưa nhiều người để ý đến. Nghị định số 109/NĐ-CP về bảo vệ và quản lý các di sản thế giới, tính toàn vẹn của di sản được hiểu là “sự biểu hiện của một cách đầy đủ các yếu tố gốc cấu thành giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thế giới”. Kinh thành xưa gồm hai bộ phận cấu thành: Cấm thành (khu trung tâm) và các không gian kiến trúc cảnh quan, gồm khu vực phố nghề, những con sông với chức năng là đường giao thông thủy, hào thành bảo vệ kinh đô, hệ thống La Thành bao quanh kinh thành...

Do sự thay đổi của lịch sử, nhất là do áp lực từ đô thị hóa, chúng ta không thể giữ lại nguyên vẹn hoặc vinh danh tất cả các yếu tố. Nhưng chúng ta có thể lồng ghép vào đó các dấu ấn vật chất được phát hiện qua các nghiên cứu khảo cổ học, khu đô thị cổ Hà Nội, một đoạn La Thành, một số điểm di tích… với tư cách là những cột mốc văn hóa, để từ đó có khả năng xây dựng hồ sơ khoa học trình UNESCO vinh danh lần thứ hai cho Hoàng thành Thăng Long.

Tại Hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội” do UBND thành phố Hà Nội phối hợp Văn phòng UNESCO Hà Nội và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam vừa mới tổ chức, ngoài những ý kiến từ giới khoa học trong nước, còn có nhiều ý kiến tâm huyết từ đại biểu nước ngoài.

Trong đó, đại diện Vùng Ile-de-France (Pháp) khẳng định, việc bảo tồn, phát huy Hoàng thành Thăng Long còn gặp nhiều khó khăn về chuyên môn, do đó, Vùng Ile-de-France sẵn sàng tài trợ cho công tác đào tạo để nâng cao trình độ cán bộ. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, ý kiến của các nhà khoa học tại Hội thảo sẽ là những căn cứ, định hướng cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội trong giai đoạn mới. Các giá trị di sản đã được xác định phải đóng vai trò cốt lõi trong việc đánh giá phương án phát triển hài hòa giữa các giá trị truyền thống với các yêu cầu của cuộc sống hiện đại ngày nay ■