Sáng 6/11, Quốc hội bắt đầu hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề và chất vấn.
Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra về nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát việc thực hiện 10 nghị quyết trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề và chất vấn, liên quan tới 21 lĩnh vực.
Tình trạng thao túng ngân hàng từng bước được kiểm soát
Các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm toán nhà nước đã khái quát những kết quả đạt được, một số hạn chế, bất cập trong việc thực hiện các nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn, chỉ ra được nguyên nhân và xác định các giải pháp cụ thể để tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
Về kết quả đạt được, ông Bùi Văn Cường nêu rõ, thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành đã tích cực, chủ động triển khai nhiều giải pháp để thực hiện nghiêm các nghị quyết của Quốc hội, tạo sự chuyển biến tích cực trong một số lĩnh vực, được đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân, dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao.
Trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, đã tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc về đầu tư công; khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, kéo dài; tập trung đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm tạo sự lan tỏa, kết nối liên vùng.
Việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đã phát huy hiệu quả, kịp thời bổ sung nguồn lực lớn hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, làm giảm bớt khó khăn của người dân, doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực tài chính, việc cân đối ngân sách nhà nước được bảo đảm; kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý tài sản công được nâng cao; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có nhiều chuyển biến.
Trong lĩnh vực ngân hàng, các chính sách tiền tệ được thực hiện chủ động, linh hoạt, kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác; việc xử lý sở hữu chéo, đầu tư chéo khá hiệu quả, tình trạng thao túng ngân hàng từng bước được kiểm soát.
Trong lĩnh vực công thương, các Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản được ban hành; các giải pháp bảo đảm cung ứng điện được quan tâm thực hiện.
Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, đã ban hành Quy hoạch Phòng, chống thiên tai và thủy lợi, các Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp được sắp xếp củng cố từ Trung ương đến các địa phương.
Các đại biểu Quốc hội dự phiên họp. (Ảnh: DUY LINH) |
Cùng với đó, Tổng Thư ký Quốc hội còn nêu rõ một số kết quả đạt được trong lĩnh vực vực giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường, thông tin và truyền thông, lao động, thương binh và xã hội, văn hóa, thể thao và du lịch, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, an ninh, trật tự, an toàn xã hội…
Tiến độ lập quy hoạch ngành, vùng, tỉnh còn chậm so với yêu cầu
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Bùi Văn Cường chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn theo từng lĩnh vực.
Đối với lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tỷ lệ các quy hoạch cần hoàn thành còn thấp, tiến độ lập các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh vẫn còn chậm so với yêu cầu tại Nghị quyết số 41/2021/QH15 và Nghị quyết số 61/2022/QH15. Việc triển khai một số nhiệm vụ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội còn chậm, tỷ lệ giải ngân thấp.
Đối với lĩnh vực tài chính, chưa ban hành được Quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm; việc thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt rất thấp. Đối với lĩnh vực ngân hàng: việc hoàn thiện pháp luật về cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu còn chậm…
Đề cập về một số vấn đề đặt ra sau giám sát, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, công tác giám sát lại cần được tiếp tục triển khai để bảo đảm các nghị quyết của Quốc hội được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc; đánh giá được sự chuyển biến so với yêu cầu, mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong các nghị quyết của Quốc hội.
Để thực hiện có hiệu quả công tác giám sát lại trong các giai đoạn tiếp theo, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cần chủ động, tích cực tổ chức giám sát, khảo sát để phục vụ việc xây dựng báo cáo thẩm tra các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Cùng với đó, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước cần đề cao trách nhiệm cá nhân, công tác phối hợp hành động để thực hiện có hiệu quả hơn các nghị quyết của Quốc hội; chú trọng công tác ban hành văn bản kế hoạch triển khai, phân công thực hiện đối với từng nghị quyết, giao cơ quan chủ trì báo cáo, đầu mối phối hợp, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện.