Cùng suy ngẫm

Bảo đảm nhân lực cho khu vực công

Bộ Nội vụ vừa có công văn gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc. Đây được xem là động thái cần thiết trong bối cảnh nhiều cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc trong thời gian qua.
0:00 / 0:00
0:00
Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai trong giờ làm việc. (Ảnh minh họa: Thiên Vương)
Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai trong giờ làm việc. (Ảnh minh họa: Thiên Vương)

Theo Bộ Y tế, trong vòng 18 tháng (từ ngày 1/1/2021 đến ngày 30/6/2022), ngành y tế cả nước có tới 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc; trong đó, có 3.094 bác sĩ, 2.874 điều dưỡng, 551 kỹ thuật y, 276 hộ sinh, 2.280 viên chức khác… Hiện nay, xu hướng nghỉ việc ở khu vực công và chuyển dịch nhân lực y tế sang khu vực tư nhân đang tăng mạnh, nhất là sau hơn hai năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo Sở Nội vụ thành phố, từ ngày 1/1/2020 đến 30/6/2022, có 6.177 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc theo nguyện vọng; bao gồm 676 cán bộ, công chức và 5.501 viên chức. Trong đó, trong lĩnh vực giáo dục có số người nghỉ việc nhiều nhất với 2.436 người, tiếp theo là lĩnh vực y tế với 2.145 người…

Nguyên nhân chủ yếu làm cho nhiều cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc là mức thu nhập, chính sách đãi ngộ, phúc lợi thấp, chưa tương xứng với công sức làm việc, áp lực công việc lại cao… Thực tế cho thấy, các chính sách đãi ngộ, tiền lương hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống, cũng như chưa tạo được động lực để họ yên tâm làm việc, cống hiến… Trong khi đó, các đơn vị ngoài khu vực công đang ra sức thu hút nhân lực giỏi, người tài bằng những mức thu nhập, chính sách phúc lợi cao, hấp dẫn hơn hẳn.

Theo Bộ Y tế, trong vòng 18 tháng (từ ngày 1/1/2021 đến ngày 30/6/2022), ngành y tế cả nước có tới 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc; trong đó, có 3.094 bác sĩ, 2.874 điều dưỡng, 551 kỹ thuật y, 276 hộ sinh, 2.280 viên chức khác… Hiện nay, xu hướng nghỉ việc ở khu vực công và chuyển dịch nhân lực y tế sang khu vực tư nhân đang tăng mạnh, nhất là sau hơn hai năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn không ít khúc mắc, trắc trở. Nhiều nơi vẫn còn lối suy nghĩ và thực thi theo kiểu “sống lâu lên lão làng”, rồi “phấn đấu không bằng cơ cấu”… Từ đó làm giảm đi động lực, đam mê làm việc, rèn luyện của nhiều người, nhất là những người trẻ tuổi...

Trước thực trạng nêu trên, Bộ Nội vụ đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đặc biệt là ở cấp cơ sở; cải thiện môi trường làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, cạnh tranh lành mạnh; tạo cơ hội phát triển, gắn kết, gắn bó, ổn định của đội ngũ này.

Bộ quản lý ngành, lĩnh vực tham mưu, hoàn thiện các quy định về xã hội hóa, định mức kinh tế-kỹ thuật, định mức chi phí làm cơ sở ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước... làm cơ sở để phê duyệt phương án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Các bộ, ngành, địa phương cần có các chính sách hỗ trợ kịp thời đối với cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý có năng lực, uy tín để tổ chức tốt công việc, tạo niềm tin, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức làm việc.

Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục chủ động nghiên cứu, tham mưu các cấp có thẩm quyền trên cơ sở điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước để triển khai thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) vào thời điểm phù hợp. Các bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng đổi mới công tác bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức để tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi cho họ, phát triển nghề nghiệp, nhất là cán bộ trẻ.

Các đơn vị cần khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức được tham gia học tập nâng cao trình độ, năng lực làm việc thông qua các chương trình, dự án đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước và nước ngoài. Cơ quan chức năng nên có cơ chế, chính sách thỏa đáng, làm cơ sở định hướng phát triển chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ này cũng như phát hiện, trọng dụng những người có tài năng, phẩm chất đạo đức tốt.

Cùng với đó, cần có phương thức đánh giá năng lực và hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức hợp lý, minh bạch hơn để tạo động lực cho họ làm việc, phấn đấu tốt hơn.

Các đơn vị cần khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức được tham gia học tập nâng cao trình độ, năng lực làm việc thông qua các chương trình, dự án đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước và nước ngoài. Cơ quan chức năng nên có cơ chế, chính sách thỏa đáng, làm cơ sở định hướng phát triển chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ này cũng như phát hiện, trọng dụng những người có tài năng, phẩm chất đạo đức tốt.