Nội dung quản lý điện thoại di động của học sinh đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định trong Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT về việc ban hành điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học. Thông tư quy định rõ: “Học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”. Tuy nhiên, nội dung này chưa được triển khai đồng bộ ở các địa phương.
Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có văn bản về việc quản lý, sử dụng điện thoại trong trường học. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có công văn đề nghị các phòng giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục tùy điều kiện thực tế, ban giám hiệu và giáo viên nhà trường quản lý điện thoại và các thiết bị thu, phát sóng của học sinh trước khi vào tiết học đầu tiên (quản lý theo từng lớp học) và gửi lại cho học sinh sau giờ tan trường, tan lớp. Các trường học không được để xảy ra tình trạng học sinh dùng điện thoại trên lớp nhưng không phục vụ mục đích học tập và không được giáo viên cho phép. Quyết định này đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo giáo viên, phụ huynh và học sinh.
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thúy, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Tân Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết: Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã thống nhất với phụ huynh học sinh trong cuộc họp ban phụ huynh và nhận được sự nhất trí cao về việc học sinh không được sử dụng điện thoại trong thời gian học tập. Theo đó, đầu giờ học lớp trưởng sẽ thu điện thoại của các bạn rồi đưa cô giáo chủ nhiệm cất vào tủ, khóa lại; kết thúc buổi học sẽ trả lại cho các bạn. Điều này mang lại hiệu quả rõ rệt, học sinh tập trung tốt hơn trong giờ học; tạo sự gắn kết trong tình bạn.
Ủng hộ việc học sinh không được sử dụng điện thoại trong trường học, một phụ huynh có con học ở Trường liên cấp Dewey (Hà Nội) cho rằng: Quy định này rất phù hợp, đã phát huy hiệu quả với các con. Trong giờ học nếu cần dùng, học sinh sẽ sử dụng máy tính cá nhân ở các phòng máy của trường. Ngoài ra, để các con tập trung vào việc học và giảm đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực từ mạng xã hội, trò chơi trực tuyến..., phụ huynh cần có phương pháp phù hợp và giới hạn một ngày các con được sử dụng trong khoảng thời gian bao lâu, nếu vi phạm thì sẽ có hình phạt phù hợp. Em Hoàng Khánh Trung, học sinh Trường trung học cơ sở Ái Mộ (quận Long Biên, Hà Nội) bộc bạch: Ngày nay, điện thoại thông minh có rất nhiều ứng dụng và tính năng thu hút sự chú ý dẫn đến mất rất nhiều thời gian khi sử dụng. Vì vậy, khi áp dụng quy định này, em cũng như các bạn thấy tập trung và chú tâm đến quá trình học tập nhiều hơn. Chúng em có thêm nhiều thời gian đọc sách, trò chuyện cùng nhau.
Không chỉ Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang vừa có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường quản lý việc sử dụng điện thoại di động và các thiết bị thu, phát sóng của học sinh trong trường học. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang yêu cầu các trường học chỉ đạo, triển khai phổ biến, quán triệt, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ đến 100% số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh về việc sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng trong nhà trường. Trong các tiết học cần sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng theo kế hoạch của giáo viên thì học sinh được phép sử dụng.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều trường học đã ra quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại trong khuôn viên trường học. Điều này được nêu rõ trong nội quy của trường, nếu học sinh vi phạm sẽ bị nhắc nhở, thậm chí bị đánh giá hạnh kiểm nếu vi phạm nhiều lần.
Theo các chuyên gia giáo dục, việc hạn chế học sinh sử dụng điện thoại ở trường có thể được coi là một nỗ lực bảo vệ thế hệ trẻ khỏi những nguy cơ của công nghệ. Nhiều trường học cho rằng, sử dụng điện thoại di động trong trường học nguy cơ gây mất tập trung, xao lãng việc học và dễ dẫn đến các vấn đề như bắt nạt trực tuyến, quay phim không phép, lạm dụng mạng xã hội. Học sinh sẽ mất đi khả năng tập trung trong lớp học nếu có thể truy cập vào các ứng dụng giải trí, trò chơi hoặc mạng xã hội...
Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, điều này có thể trở thành một rào cản khiến học sinh mất cơ hội tiếp cận với những công nghệ học tập tiên tiến, từ đó không thể phát triển các kỹ năng quan trọng cho tương lai. Bởi vậy, thay vì hoàn toàn loại bỏ các trường học nên tìm cách điều chỉnh và quản lý việc sử dụng điện thoại một cách hợp lý. Thực tế tại một số nước đã áp dụng biện pháp trung gian, chỉ cấm sử dụng trong một số giờ học nhưng vẫn cho phép học sinh giữ điện thoại trong túi, điều này giúp học sinh tránh bị phân tâm trong lớp học, đồng thời vẫn có thể sử dụng điện thoại vào những mục đích học tập ngoài giờ. Các trường học cần xây dựng các chương trình giáo dục về đạo đức và kỹ năng công nghệ. Học sinh không chỉ cần biết cách sử dụng công nghệ để phục vụ nhu cầu học tập, mà còn phải biết tự kiểm soát và điều chỉnh thời gian sử dụng điện thoại, tránh những cám dỗ từ mạng xã hội và các trò chơi trực tuyến. Đây chính là chìa khóa để giúp các em không chỉ vượt qua các thách thức của thời đại 4.0 mà còn phát triển một cách bền vững trong tương lai.