Kiểm soát nghiêm học sinh sử dụng điện thoại trong trường

Ngay từ đầu năm học mới này, làn sóng cấm học sinh dùng điện thoại trong giờ học đã bùng nổ tại nhiều nước trên thế giới với mục tiêu là giảm thiểu sự phân tâm và cải thiện khả năng tập trung của học sinh trong trường học. Tại Việt Nam, nhiều trường học đã đưa ra những quy định nghiêm ngặt, đó là cấm hoàn toàn việc học sinh sử dụng điện thoại trong trường học.
Ảnh: NAM ANH
Ảnh: NAM ANH

1/Tại Trường THCS Ngoại ngữ (Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) học sinh mang điện thoại đến trường đều phải cất tại một ô tủ riêng, có khóa cẩn thận, do từng lớp quản lý. Học sinh tuyệt đối không được sử dụng điện thoại trong giờ học và cả giờ giải lao, cuối ngày mới được nhận lại. Em Nguyễn Thu Anh, học sinh lớp 7 cho rằng: “Việc nhà trường cấm sử dụng điện thoại khiến chúng em tập trung học tốt hơn, không bị phân tán vì phải "lén lút" dùng trong giờ học. Hơn nữa, giờ ra chơi, chúng em có thể chạy nhảy, vận động, chuẩn bị bài vở và chuyện trò giải lao cũng bổ ích hơn là cứ “cắm mặt” vào cái điện thoại!”.

Còn một bạn nam lớp 8 lại chia sẻ: “Việc cấm điện thoại trong trường học rất tốt vì các bạn đỡ phải lên mạng "tuyên chiến" với nhau vì có nhiều điều khó thể hiện khi gặp mặt trực tiếp. Không dùng điện thoại khiến các xung đột ở lứa tuổi dở dở ương ương của chúng em đỡ phức tạp hơn!”.

Thực tế, phổ biến ở các thành phố lớn, từ cấp THCS, nhiều học sinh đã sử dụng điện thoại thông minh. Tuổi trung bình sử dụng internet ở Việt Nam là 9 tuổi, sớm hơn so ước tính trên toàn thế giới là 13 tuổi. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội từng thống kê, có gần 90% trẻ em Việt Nam truy cập internet hằng ngày nhưng chỉ 35% các em được học về cách bảo vệ mình trên môi trường mạng. Vì vậy nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài vấn đề học tập, còn nhiều vấn đề khác như vấn đề bạo lực, bắt nạt, lừa đảo… có thể nảy sinh với các em.

2/Ths Vũ Thu Hà (Viện trưởng Nghiên cứu Đào tạo và Can thiệp tâm lý Việt Nam, chuyên gia về Tâm lý học đường) nhận xét: “Việc sử dụng điện thoại ảnh hưởng nhiều tới sự tập trung của trẻ. Thông thường, trẻ em không có sự tập trung như người lớn nên dễ bị sao nhãng, rất khó bám được vào mục tiêu. Đấy cũng là đặc trưng tâm lý lứa tuổi của trẻ em. Trên điện thoại thông minh có rất nhiều công nghệ lôi cuốn trẻ dẫn đến việc có thể cả ngày, cả sáng, trưa chiều tối trẻ chỉ tập trung vào điện thoại thôi, dẫn đến mất đi khả năng tương tác của trẻ với mọi người chung quanh. Sử dụng điện thoại di động nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển não của trẻ và trẻ sẽ trở nên thu mình, thụ động…”.

Việc học sinh có được sử dụng điện thoại hay không luôn là vấn đề có nhiều ý kiến trái chiều từ nhiều năm qua. Từ năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) từng có Thông tư 12 hoàn toàn cấm sử dụng điện thoại di động trong trường học. Đến năm 2020, Thông tư số 32 của Bộ, hướng dẫn giáo viên và nhà trường quản lý, khai thác sử dụng thiết bị dạy học, trong đó có điện thoại di động, lại mở ra một chút là học sinh vẫn có thể sử dụng khi giáo viên cho phép. Bộ cũng có Công văn số 5512 vào cuối năm 2020, hướng dẫn các địa phương, các cơ sở giáo dục như sau: “Không bắt buộc học sinh trang bị điện thoại di động để phục vụ việc học tập; Việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động để hỗ trợ hoạt động do giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học quyết định. Giáo viên thông báo cụ thể yêu cầu học sinh sử dụng điện thoại như một thiết bị hỗ trợ hoạt động học và những điều học sinh không được làm khi sử dụng điện thoại trên lớp và trong giờ học…”. Đến năm học này, thực tế nhiều trường lại có xu hướng quay trở lại, cấm hoàn toàn việc học sinh sử dụng điện thoại di động.

Về vấn đề này, Ths Vũ Thu Hà có đề xuất: “Cần cân nhắc rõ ràng giữa lợi ích sử dụng điện thoại di động và hậu quả mà chúng ta phải gánh chịu. Mà hậu quả khi sử dụng điện thoại di động và hậu quả chúng ta không nhìn thấy được trong thời gian gần là một vài năm. Nó có thể kéo dài đến chục năm sau khi chúng ta phải đối mặt về vấn đề học tập của học sinh, việc sao nhãng của học sinh, việc không theo đuổi mục tiêu của các em và những vấn đề về sức khỏe, tâm thần của trẻ. Từ đó để đưa ra những quyết định phù hợp”.

Được biết, vào tháng 7/2023, UNESCO đã đề xuất nên cấm điện thoại thông minh tại các trường học trên toàn thế giới. Bước vào năm học 2024-2025, các nước ở châu Âu như Pháp, Anh, Bỉ, Hà Lan, Phần Lan, Hy Lạp, Hunggari… rồi đến các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc… đều đưa ra quy định cấm điện thoại thông minh tại các trường học. Tại Mỹ, 1/3 số bang ở nước này đã thông qua Luật hạn chế hoặc cấm sử dụng điện thoại di động nhằm giúp các em tập trung học tập, phát triển thể chất, tăng cường giao tiếp… Theo số liệu của UNESCO thì cứ 4 quốc gia lại có 1 quốc gia cấm sử dụng điện thoại thông minh ở trường học.