Sửa đổi Luật Đất đai: Bổ sung quy định riêng về đất di tích, di sản

NDO - Nhấn mạnh vai trò của đất di tích, di sản, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị bổ sung trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định riêng về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với loại đất đặc thù này.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh góp ý kiến về nội dung đất di tích, di sản trong phiên họp sáng 7/4. (Ảnh: DUY LINH)
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh góp ý kiến về nội dung đất di tích, di sản trong phiên họp sáng 7/4. (Ảnh: DUY LINH)

Sáng 7/4, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) nêu rõ đất di tích, di sản có giá trị vô cùng quý giá vì là nơi tọa lạc các di tích, di sản mang tầm quốc tế, khu vực và quốc gia.

Đây là những viên ngọc quý trong kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc cần được bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị trong công cuộc phát triển đất nước đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ. Muốn vậy, việc quản lý và sử dụng đất di tích, di sản phải được thực hiện dựa trên hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất mà trước hết là Luật Đất đai.

Tuy nhiên, theo đại biểu, trong Luật Đất đai hiện hành, loại đất này chưa được định danh, giải nghĩa riêng mà được xếp vào nhóm đất phi nông nghiệp.

Tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cũng không có định nghĩa về loại đất di tích, di sản và cũng không có quy định riêng về quy hoạch, kế hoạch sử dụng loại đất đặc thù này, mà mới chỉ đặt ra yêu cầu bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị bổ sung vào Điều 3 về giải thích từ ngữ trong dự thảo Luật khái niệm về đất có di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên. Bên cạnh đó, cần có quy định riêng về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với loại đất này.

Việc quy hoạch sử dụng đất cần xác định rõ vùng lõi, vùng phụ cận lõi và vùng bao quanh bên ngoài di tích, di sản để có quy định chế độ bảo vệ di tích, di sản tích hợp lồng ghép trong việc quản lý và sử dụng loại đất này.

Cụ thể, đối với vùng lõi của di tích, di sản và vùng phụ cận lõi di tích, di sản nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm sử dụng đất sai mục đích; vùng bao quanh bên ngoài di tích, di sản được sử dụng đất nhưng không được làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ di tích, di sản.

Làm rõ việc đền bù bằng nhà ở đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho biết, Điều 86 về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất có quy định: Nhà nước xem xét hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất để tạo điều kiện cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản có việc làm, có thu nhập, ổn định đời sống, sản xuất.

Sửa đổi Luật Đất đai: Bổ sung quy định riêng về đất di tích, di sản ảnh 1

Đại biểu Nguyễn Quang Huân phát biểu ý kiến tại hội trường. (Ảnh: DUY LINH)

Đại biểu cho rằng, để đánh giá cuộc sống tốt hơn không chỉ dựa vào thu nhập, mà còn dựa trên nhiều tiêu chí, nên cần nghiên cứu rà soát để quy định một cách toàn diện.

Bên cạnh đó, Điều 91 trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định việc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân.

Theo đó, có 4 cách bồi thường thu hồi đất nông nghiệp, bao gồm bồi thường bằng đất nông nghiệp, hoặc bằng tiền, hoặc bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi, hoặc bằng nhà ở. Đại biểu đề nghị cần giải trình rõ lý do bồi thường đất nông nghiệp bằng nhà ở.

Điều 92 về bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo quy định, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo đang sử dụng đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất mà có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 90 của Luật này thì được bồi thường về đất theo quy định của Chính phủ.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng cần bổ sung nội dung về hỗ trợ sinh kế để bảo đảm nguyên tắc giá thị trường, đồng thời lưu ý nơi ở phải được nhận, được đền bù trước khi di dời. Ngoài ra, cần có điều khoản quy định hợp lý, khả thi để tránh hiện tượng nhà quá mỏng trên mặt phố.

Bổ sung quy định thu hồi đất do vi phạm pháp luật về môi trường

Góp ý về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An) đề nghị rà soát, xem xét lại quy định liên quan đến bảo vệ môi trường trong các trường hợp sử dụng đất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp để ngăn chặn việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học làm ô nhiễm, suy thoái đất trong thời gian qua.

Sửa đổi Luật Đất đai: Bổ sung quy định riêng về đất di tích, di sản ảnh 2

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh góp ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH)

Đối với đất chưa sử dụng, đại biểu cho rằng cần có thêm quy định duy trì bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên nhằm bảo đảm chất lượng đất không bị suy giảm.

Bên cạnh đó, đối với quy định về thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, đại biểu chỉ rõ Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa có quy định về thu hồi đất do vi phạm pháp luật liên quan đến môi trường. Do vậy, đề nghị nghị rà soát, bổ sung quy định về thu hồi đất do vi phạm pháp luật về môi trường nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu bảo vệ môi trường hiện nay.

Về quan hệ giữa giá đất và chất lượng môi trường, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nhận thấy, giá đất chịu sự phân phối rất lớn về chất lượng môi trường. Quan hệ này có thể được hiểu, nếu chất lượng môi trường tốt thì giá đất cao và ngược lại. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định nội dung này trong điểm d, khoản 2, Điều 154 của dự thảo Luật.