Tăng cường tính khả thi của quy hoạch (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Tập trung khắc phục những điểm nghẽn

Tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển đô thị Hà Nội là kỳ vọng lớn của người dân Thủ đô đối với hai đồ án Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh quy hoạch chung. Giao thông ách tắc, ngập úng, ô nhiễm môi trường, thiếu trường, thiếu chợ… là những vấn đề mà người dân phải đối mặt hằng ngày do những hệ lụy phát sinh của một đô thị có tốc độ phát triển nhanh như Hà Nội, cộng thêm những yếu tố đặc thù của một Thủ đô.
0:00 / 0:00
0:00
Giao thông ách tắc là vấn đề người dân phải đối mặt hằng ngày do hệ lụy phát sinh của đô thị có tốc độ phát triển nhanh như Hà Nội. (Ảnh ĐĂNG ANH)
Giao thông ách tắc là vấn đề người dân phải đối mặt hằng ngày do hệ lụy phát sinh của đô thị có tốc độ phát triển nhanh như Hà Nội. (Ảnh ĐĂNG ANH)

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đối với Quy hoạch Thủ đô, các đại biểu Quốc hội đề nghị đánh giá thêm các yếu tố, điều kiện đặc thù phát triển Thủ đô Hà Nội như hiện trạng hạ tầng kỹ thuật, tình trạng ùn tắc giao thông, ngập úng và nước thải đô thị, tính đồng bộ giữa các phương thức vận tải. Bên cạnh đó, cần đánh giá thêm những bất cập, hạn chế gây ra các điểm tắc nghẽn và các quy hoạch thời kỳ trước, cụ thể hơn mục tiêu phát triển; cần nghiên cứu, hoàn thiện về ngành quan trọng tương ứng với các nhiệm vụ trọng tâm và các đột phá phát triển.

Với vai trò là một cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định quy hoạch, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá: Quy hoạch có nhiều đổi mới với nhiều tư duy đột phá. Quan điểm định hướng phát triển, như thành phố quay mặt ra sông hay mở rộng các tuyến đường sắt đô thị, phát triển không gian ngầm, giải quyết được các vấn đề về môi trường nước, trong đó, có việc xử lý và làm sạch các dòng sông Nhuệ, sông Tô Lịch, sông Tích và môi trường không khí của Hà Nội… Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, quy hoạch đã cơ bản xem xét từ các vấn đề gọi là điểm nghẽn lớn hiện nay của thành phố, như ngập úng hay ô nhiễm môi trường, những vấn đề về giao thông, đô thị, an ninh nguồn nước…

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) đặt vấn đề, phải suy nghĩ là làm thế nào để quy hoạch sẽ được triển khai thực hiện như mục tiêu và kỳ vọng. Một trong những vấn đề trọng tâm của Quy hoạch Thủ đô là phải đầu tư xây dựng được một hệ thống thu gom nước thải tách rời hệ thống nước mưa, bố trí những khu vực xử lý nước thải cục bộ và nước thải tập trung để khi nước thải sinh hoạt ra hệ thống môi trường là nước sạch, không có ô nhiễm nữa. Đồng thời, cần triển khai ngay việc xây dựng hai đập tràn dâng nước ở sông Hồng và sông Đuống, việc này đã có trong Quy hoạch thủy lợi mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhiều lần đã đề xuất.

Một vấn đề nữa cũng rất quan trọng là, quy hoạch cần thể hiện sự tập trung cho vấn đề cải thiện môi trường thành phố, trong đó tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ, tổng thể để khắc phục ô nhiễm không khí, môi trường nước, cũng như các vấn đề ô nhiễm môi trường khác bằng việc thực hiện đồng bộ giải pháp phát triển xanh, chuyển đổi xanh, giảm đến mức thấp nhất các nguồn ô nhiễm như chuyển đổi hình thức giao thông công cộng, chuyển đổi công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý rác thải, nước thải theo từng giai đoạn. Trong quy hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật cũng đã xác định rõ để vừa khắc phục những điểm nghẽn vừa bảo đảm các yếu tố phát triển bền vững cho Thủ đô trong thời gian tới.

Trước phiên thảo luận tại hội trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và cho ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô và đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung. Các ý kiến cũng lưu ý, bên cạnh quy hoạch tổng thể, thành phố Hà Nội cần quan tâm, giải quyết phù hợp các nội dung cụ thể liên quan đến vấn đề ùn tắc giao thông; ngập úng, thoát nước trong mùa mưa; quy hoạch mạng lưới các trường đại học, trường phổ thông…

Về đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung, cần bổ sung một số nội dung dự báo, dự kiến như: dự báo về dân số cho phù hợp với thời kỳ, tầm nhìn mới của quy hoạch; rà soát, hoàn thiện các chương trình, dự án đột phá trọng tâm của thời kỳ quy hoạch phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ trong việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính và đặt trong mối quan hệ với các địa phương khác.

Những yêu cầu đặt ra cho hai đồ án quy hoạch của Hà Nội thể hiện quan điểm, chủ trương của Đảng, đó là bảo đảm tính đồng bộ, tuân thủ, không xung đột với nhau và với các luật liên quan, có tầm nhìn mới, tư duy mới, tạo ra cơ hội mới, giá trị mới trong phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại cả trước mắt và lâu dài. Chất lượng của đồ án quy hoạch không chỉ thể hiện ở sự nhất trí cao khi được thông qua, mà mục tiêu cao nhất, quan trọng nhất là tính khả thi của đồ án trên thực tế, mang lại giá trị toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế-xã hội.

------------------------

(*) Xem Trang Hà Nội, Báo Nhân Dân từ số ra ngày 28/6/2024.