Tăng cường tính khả thi của quy hoạch

Trong phiên thảo luận của Quốc hội tại hội trường ngày 20/6 về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Thủ đô) và đồ án Ðiều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (Ðiều chỉnh quy hoạch chung), Bộ trưởng Xây dựng và Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư đã giải trình, làm rõ một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp những ý kiến tâm huyết và đề nghị về một số nội dung cần làm rõ, đánh giá thêm.
0:00 / 0:00
0:00
Tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Ðông sau hơn 12 năm triển khai xây dựng mới có thể bàn giao và đưa vào vận hành.
Tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Ðông sau hơn 12 năm triển khai xây dựng mới có thể bàn giao và đưa vào vận hành.

Bài 1: Lập quy hoạch đã khó, thực thi còn khó hơn

Giải trình trước Quốc hội về hai đồ án quy hoạch của Thủ đô, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh về một số nội dung mới. Trong đó, về định hướng phát triển, đồ án Ðiều chỉnh quy hoạch chung lần này được lập cùng với Quy hoạch Thủ đô, do đó tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và cũng phù hợp các quy hoạch cấp trên theo hệ thống quy hoạch đã được thực hiện theo Luật Quy hoạch năm 2017.

Đối với Quy hoạch Thủ đô, sau lắng nghe, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan lập quy hoạch sẽ có báo cáo nghiên cứu, tiếp thu tất cả ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, của Quốc hội để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt theo quy định. Nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội sẽ cụ thể hóa bằng các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để tiến hành triển khai thực hiện.

Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, để quy hoạch này thật sự có ý nghĩa và có tính khả thi cao cần lưu ý: Thứ nhất, phải rà soát để xem xét tính đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch. Thứ hai, phải bảo đảm tính đồng bộ với cả các quy hoạch chung của cả nước, Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng Ðồng bằng sông Hồng, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch của các địa phương chung quanh.

Nêu ý kiến về đồ án Ðiều chỉnh quy hoạch chung, đại biểu Trần Văn Tiến (tỉnh Vĩnh Phúc) chưa đồng tình về thời gian quy hoạch, thời hạn quy hoạch quy định tại khoản 2 Ðiều 1 Quyết định số 700 của Thủ tướng Chính phủ là ngắn hạn đến năm 2030, dài hạn đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065, lý do bởi chưa phù hợp với thời kỳ của Quy hoạch Thủ đô. Về đánh giá hiện trạng, đại biểu cho rằng cần làm rõ thêm về kết quả sau 11 năm thực hiện Quyết định số 1259/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, từ đó thấy được những bất cập, hạn chế, nguyên nhân để rút ra bài học cho công tác lập và điều chỉnh Quy hoạch Thủ đô. Ðồng thời, cần đánh giá lại các tiêu chí về đô thị, còn tiêu chí nào chưa đạt theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội.

Hiện nay Chính phủ đang trình Quốc hội cho ý kiến về Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn để thay thế Luật Quy hoạch đô thị năm 2009. Do vậy, đại biểu Quốc hội cũng cho rằng cần lưu ý, bám sát vào dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, tránh tình trạng quy hoạch mới được phê duyệt, điều chỉnh lại tiếp tục phải điều chỉnh.

Làm rõ nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình, đối với Quy hoạch Thủ đô thì xác định thời hạn quy hoạch, không xác định thời kỳ quy hoạch. Quy hoạch Thủ đô xác định chỉ tiêu kinh tế-xã hội, còn Ðiều chỉnh quy hoạch chung thì xác định chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật cho việc lập quy hoạch. Thời hạn theo Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 được xác định từ 20 đến 25 năm để bảo đảm tính dự báo, tầm nhìn, khả năng để thực hiện quy hoạch. “Luật Quy hoạch đô thị, nông thôn trình Quốc hội sửa đổi lần này, chúng tôi đã báo cáo và giải trình rõ các ý kiến này, tiếp tục tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, chúng tôi sẽ nghiên cứu và có điều chỉnh thể hiện cho phù hợp”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết.

Ðối với vấn đề tổ chức thực hiện quy hoạch, Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá đây là vấn đề quan trọng. “Việc lập quy hoạch đã khó, nhưng chưa khó bằng việc chúng ta giữ được và thực hiện được theo đúng quy hoạch”, Bộ trưởng nói. Ðại biểu Hoàng Văn Cường (thành phố Hà Nội) cũng có những băn khoăn về việc thực hiện quy hoạch: “Làm một dự án đường sắt của Hà Nội mất từ 12 năm đến 15 năm Hà Nội còn 14 tuyến đường sắt mà thiếu cơ chế để huy động, để thực hiện, thì bao giờ xong”.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm, riêng nguồn lực cho phát triển đường sắt của Hà Nội cần khoảng 40 tỷ USD, nhưng Quy hoạch đề ra việc huy động và thực hiện chỉ trong vòng 10 năm, vậy cơ chế, nguồn lực, tổ chức thực hiện như thế nào (?). Ðây là vấn đề lớn và rất khó, sau khi được Quốc hội cho ý kiến, hoàn thiện lại, Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch thì thành phố Hà Nội phải xây dựng kế hoạch để thực hiện quy hoạch một cách khả thi nhất, trong đó có các cơ chế, chính sách đi kèm, cách huy động nguồn vốn, tổ chức triển khai, danh mục dự án, thứ tự ưu tiên... rất nhiều các vấn đề trong tổ chức thực hiện mới có được một Thủ đô Hà Nội phát triển trong tương lai.

(Còn nữa)