Đổi mới để giáo dục mầm non phát triển toàn diện

Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách. Những năm qua, giáo dục mầm non đã được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm đầu tư phát triển nhưng vẫn chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn đặt ra.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh Trường mầm non Đông Quý, huyện Tiền Hải (Thái Bình) trong giờ học. (Ảnh THU PHƯƠNG)
Học sinh Trường mầm non Đông Quý, huyện Tiền Hải (Thái Bình) trong giờ học. (Ảnh THU PHƯƠNG)

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, 10 năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển giáo dục và đào tạo, trong đó có giáo dục mầm non. Vì vậy, giáo dục mầm non từ chỗ là cấp học còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ, mạng lưới trường lớp chưa được quan tâm quy hoạch thì đến nay đã có bước phát triển khá toàn diện. Trong đó, việc thực hiện thành công mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đã tạo cơ chế, động lực phát triển, từng bước đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em; chuẩn bị các điều kiện cho trẻ em sẵn sàng vào lớp 1.

Theo Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi, hiện nay, cả nước có gần 15,5 nghìn trường mầm non ở các loại hình và gần 16 nghìn cơ sở độc lập (nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập). Toàn quốc có 56,9% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ giáo viên mầm non có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên chiếm 87,3%, năng lực sư phạm từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục.

Các địa phương đã quan tâm đầu tư xây mới phòng học, kiên cố hóa trường lớp nhằm đáp ứng nhu cầu tới trường của trẻ em mầm non, trung bình toàn quốc đã bố trí bảo đảm tỷ lệ một phòng học/lớp, trong đó phòng học kiên cố đạt tỷ lệ 80%. Các chính sách hỗ trợ tổ chức nấu ăn, hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo vùng khó khăn, hỗ trợ giáo viên dạy lớp ghép và tăng cường tiếng Việt, hỗ trợ con em công nhân... được triển khai góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.

Đáng chú ý, hiện nay, tỷ lệ huy động trẻ tới nhà trẻ mới đạt 32,1%; trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi mới đạt 93,1% (hiện có khoảng gần 300 nghìn trẻ em mẫu giáo 3-4 tuổi chưa được đến trường, chủ yếu ở vùng khó khăn, vùng núi cao, vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long).

Mặc dù được quan tâm, đạt được những kết quả tích cực, nhưng so với nhu cầu phát triển giáo dục mầm non vẫn là bậc học còn nhiều hạn chế, bất cập. Chương trình giáo dục mầm non chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW; yêu cầu của Luật Giáo dục…

Đáng chú ý, hiện nay, tỷ lệ huy động trẻ tới nhà trẻ mới đạt 32,1%; trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi mới đạt 93,1% (hiện có khoảng gần 300 nghìn trẻ em mẫu giáo 3-4 tuổi chưa được đến trường, chủ yếu ở vùng khó khăn, vùng núi cao, vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long).

Trong khi đó, hệ thống trường mầm non công lập chưa đủ điều kiện để nhận thêm trẻ; hệ thống trường ngoài công lập khó phát triển ở nhiều nơi, đặc biệt ở những nơi có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị đông dân cư… Phần lớn trẻ em con công nhân, con người lao động đang được nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non độc lập với điều kiện về chất lượng còn nhiều hạn chế. Toàn quốc hiện còn khoảng hơn 5.000 phòng học nhờ, học tạm không bảo đảm an toàn.

Tình trạng thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không đạt chuẩn, thiếu thiết bị, đồ dùng, đồ chơi theo quy định ở các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn khá phổ biến. Nhiều địa phương chưa hoàn thiện quy hoạch tổng thể về phát triển trường, lớp mầm non, chưa dành quỹ đất để xây dựng trường mầm non. Tình trạng thiếu giáo viên mầm non kéo dài trong nhiều năm chưa được giải quyết, hiện nay toàn quốc còn thiếu khoảng 50 nghìn giáo viên mầm non.

Để phát triển giáo dục mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đặt nền móng quan trọng trong phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, cần sớm khắc phục những hạn chế, khó khăn hiện nay. Từ thực tiễn địa phương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho rằng, phổ cập giáo dục trẻ mầm non 5 tuổi được triển khai từ năm 2010-2015.

Như vậy, đến nay, việc triển khai phổ cập trẻ mầm non năm tuổi đã được gần 10 năm cho nên cần triển khai phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ ba tuổi trở lên. Mặt khác, để đổi mới giáo dục mầm non hiệu quả, cần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên. Chính phủ, ngành giáo dục cũng như các địa phương cần có giải pháp để có lộ trình bảo đảm số lượng, nâng cao chất lượng giáo viên bởi hiện nay giáo viên mầm non thiếu nhưng dù có chỉ tiêu tuyển dụng cũng không tuyển dụng được vì thiếu nguồn tuyển.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, hơn 10 năm qua, giáo dục và đào tạo của đất nước đã có nhiều sự thay đổi mang tính cách mạng. Tuy nhiên, đổi mới được tiến hành mạnh mẽ và được chú ý nhiều hơn ở giáo dục đại học, giáo dục phổ thông. Sự đầu tư, quan tâm, chuyển biến của giáo dục mầm non vẫn chưa thật sự nhiều như mong muốn. Với chủ trương phát triển con người một cách toàn diện, lấy dạy người làm gốc, lấy sự phát triển con người để làm nền tảng cho sự phát triển của nguồn nhân lực, thì việc đổi mới và chăm lo cho giáo dục mầm non càng trở nên quan trọng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, cần tăng cơ hội tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng cho trẻ em mầm non thông qua thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo. Nhà nước có chính sách ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư; coi trọng phát triển giáo dục hòa nhập và vấn đề công bằng trong xây dựng, triển khai các chính sách nhà nước dựa trên quyền và lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Các địa phương chủ động tổ chức triển khai có hiệu quả nguồn vốn có thể có được từ ngân sách trung ương, từ các chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn lực xã hội hóa khác cho phát triển giáo dục mầm non. Trong đó, ưu tiên nguồn ngân sách đầu tư công giai đoạn 2026-2030 để xây dựng bổ sung phòng học; sửa chữa, cải tạo thay thế phòng học tạm, bán kiên cố bảo đảm an toàn cho trẻ, giáo viên; ưu tiên bố trí kinh phí cho phát triển giáo dục mầm non đáp ứng yêu cầu huy động trẻ em tới trường và thực hiện mục tiêu phổ cập.

Đáng chú ý, các địa phương cần đẩy mạnh việc phát triển cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục; dành quỹ đất xây dựng cơ sở giáo dục mầm non, đầu tư đủ cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; bố trí đủ nhân viên y tế trường học và đủ định mức giáo viên/lớp đối với cấp học mầm non theo định mức và quy định...