Quyết liệt giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm

Lấy chi bộ, đảng viên làm nòng cốt

Công tác giải phóng mặt bằng là một khâu, một công đoạn có ý nghĩa quan trọng trong quá trình triển khai các dự án đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm. Ðây là điều kiện bảo đảm cơ bản và là thước đo sự quyết tâm của các địa phương trong cả nước, đòi hỏi sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng và quyết liệt vào cuộc của các tổ chức, cá nhân liên quan, sự đồng thuận của nhân dân và doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Nhờ bàn giao mặt bằng trước kế hoạch nên các đơn vị đã huy động tối đa phương tiện, đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường cao tốc bắc-nam đoạn qua Hà Tĩnh.
Nhờ bàn giao mặt bằng trước kế hoạch nên các đơn vị đã huy động tối đa phương tiện, đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường cao tốc bắc-nam đoạn qua Hà Tĩnh.

Làm tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình dự án, đặc biệt là những dự án trọng điểm, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương phát triển. Trong những năm qua, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng được cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp của các tỉnh, thành phố quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Các địa phương trên cả nước, nơi có các dự án, công trình trọng điểm, dự án đường cao tốc bắc-nam đi qua đã, đang nỗ lực cùng chủ đầu tư khẩn trương giải phóng mặt bằng, sớm khởi công xây dựng. Ðây là nhiệm vụ khó khăn và nhiều thách thức, cho nên ngoài cơ chế, chính sách của Nhà nước, của địa phương, thì một yếu tố có tính quyết định chính là phải có sự đồng thuận, chia sẻ của người dân và tinh thần gương mẫu của đảng viên.

"Đảng viên đi trước, làng nước theo sau"

Ðể triển khai dự án sân bay quốc tế Long Thành, UBND tỉnh Ðồng Nai thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với tổng kinh phí hơn 22 nghìn tỷ đồng, đến nay ngân sách nhà nước đã bố trí đầy đủ. Thời gian vừa qua, tỉnh Ðồng Nai và huyện Long Thành cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng, bàn giao 2.532ha giai đoạn 1 cho chủ đầu tư là Tổng công ty cảng Hàng không Việt Nam và tiếp tục thu hồi đất phần diện tích còn lại trong gần 5.000ha của toàn bộ dự án.

Sau khi được giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư dự án sân bay quốc tế Long Thành, Huyện ủy Long Thành đã thành lập Ban Chỉ đạo và tám tổ công tác, tổ giúp việc, huy động tất cả hệ thống chính trị địa phương đồng lòng vào cuộc, đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động và giải thích, hướng dẫn các quy định liên quan bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Cán bộ, đảng viên trong vùng dự án cùng người thân phải là những người đi đầu để làm gương.

Ðồng chí Trần Ðức Lộc đang công tác tại Văn phòng Huyện ủy Long Thành có mẹ và năm anh, chị, em cùng sống trên mảnh đất 12.000m2, ở ấp 1, xã Bình Sơn chia sẻ: Trước đây đang công tác tại Ðảng bộ xã Bình An, chưa nhận được quyết định bồi thường, áp giá, giao đất tái định cư, nhưng với trách nhiệm của một đảng viên, tôi đã vận động gia đình di dời ra ngoài khu vực dự án, thuê nhà trọ để bàn giao sớm mặt bằng.

Tôi rất thấm thía câu "đảng viên đi trước, làng nước theo sau" nên đã vận động gia đình tiên phong di dời để còn làm gương cho người dân trong ấp. Mình còn e dè thì làm sao có thể vận động người khác...", đồng chí Lộc chia sẻ.

Ðầu năm 2023, dự án thành phần cao tốc đoạn Hậu Giang-Cà Mau (thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025) khởi công. Tại ấp 8 của xã Thới Bình (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), 72 hộ bị ảnh hưởng đất đai, nhưng qua vận động, nhân dân chấp hành khá tốt. Là hộ có hơn 3.000m2 bị thu hồi phục vụ cho công trình đường cao tốc, đảng viên Trương Văn Ni, Chi bộ ấp 8, cho biết: "Qua sinh hoạt chi bộ, tôi hiểu rõ vai trò và tầm quan trọng của tuyến cao tốc phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đất nước và địa phương nên ngay khi "chốt" phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, gia đình tôi chấp hành và là hộ nhận tiền đầu tiên trong ấp".

Bằng cách làm "đảng viên đi trước, làng nước theo sau", cùng gương mẫu, tuyên truyền, vận động các gia đình trên địa bàn mà đến nay, hầu hết các hộ dân trong vùng dự án đi qua đã chấp hành nhận tiền, bàn giao mặt bằng sạch cho dự án. "Trong đợt giải ngân đầu tiên cách đây vài tháng, khoảng 70% số hộ dân nhận tiền bồi hoàn về đất đai và các chính sách hỗ trợ có liên quan. Trong số đó, gương mẫu chấp hành đầu tiên là 11 hộ đảng viên bị ảnh hưởng bởi dự án đi qua", đồng chí Lê Văn Bắc, Bí thư Ðảng ủy xã Thới Bình cho biết thêm.

Theo thống kê sơ bộ, tính đến nay, hầu hết hộ dân ảnh hưởng bởi tuyến cao tốc trên địa bàn huyện Thới Bình đã bàn giao mặt bằng cho dự án. Trong 502 hộ bị thu hồi đất, 397 hộ được khen thưởng do bàn giao mặt bằng sớm, trong đó có 42 hộ gia đình đảng viên.

Nói về cách làm của địa phương, Bí thư Chi bộ thôn Phước Hiệp, xã Ðức Hòa (huyện Mộ Ðức, tỉnh Quảng Ngãi) Nguyễn Văn Hà cho biết: Chi bộ có 37 đảng viên, trong đó có mấy hộ là đảng viên thuộc diện đền bù, giải phóng mặt bằng. Ban đầu các đảng viên lo lắng về di dời phần mộ; băn khoăn về khoản tiền bồi thường không đủ xây nhà mới, không biết chuyển đến nơi mới sẽ như thế nào, nên trong các buổi sinh hoạt chi bộ thường có nhiều ý kiến chung quanh công tác đền bù.

"Sau khi nắm bắt băn khoăn của đảng viên, chi ủy đã tìm hiểu, trao đổi, quán triệt và tổ chức chọn chủ đề sinh hoạt chi bộ về chính sách đền bù của hai dự án đường cao tốc đi qua địa bàn, đặc biệt vận động, phổ biến nội dung, chủ trương, chính sách đền bù công khai, minh bạch của Nhà nước đến từng đảng viên. Sau đó, mọi vướng mắc, lo lắng đã được tháo gỡ, giải quyết và được các đảng viên, quần chúng đồng thuận, ủng hộ thực hiện", Bí thư Nguyễn Văn Hà nói.

Lấy chi bộ, đảng viên làm nòng cốt ảnh 2

Lãnh đạo huyện Long Thành đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động bàn giao mặt bằng xây dựng sân bay quốc tế Long Thành (Ðồng Nai).

Hiệu ứng của việc sâu sát từ cơ sở

Những ngày này, nhà văn hóa thôn Hải Phong 1, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tấp nập, náo nhiệt như ngày hội, khi được lựa chọn làm điểm giao dịch của Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư thị xã Kỳ Anh. Ông Chu Văn Khành, Bí thư, Trưởng thôn Hải Phong 1 chia sẻ, toàn bộ diện tích thôn nằm trong vùng quy hoạch thực hiện khu hậu cảng, logistics Vũng Áng nên thuộc diện phải di dời.

Do nguồn lực phục vụ công tác di dời, tái định cư còn khó khăn nên địa phương đang áp dụng phương thức công trình thi công đến đâu, giải phóng mặt bằng đến đó. Cũng theo ông Khành, bên cạnh các hộ dân đã đồng tình kiểm đếm, áp giá và nhận tiền đền bù, hiện một số gia đình còn băn khoăn về lộ trình di dời, tái định cư, một số thửa đất cần xác định vị trí, nguồn gốc...

Giải đáp ngay về những băn khoăn của người dân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh Nguyễn Thế Anh khẳng định, cùng với kiểm kê, kiểm đếm đối với các hộ phối hợp, họp xác định nguồn gốc đất, niêm yết công khai và lập phương án bồi thường, hỗ trợ theo quy định để trình phê duyệt và chi trả tiền cho các hộ, địa phương đã thành lập tổ tuyên truyền, vận động về bám địa bàn để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng cũng như giải đáp thấu đáo, minh bạch các kiến nghị của người dân.

Ði từng ngõ, gõ cửa từng nhà, sẵn sàng đối thoại, giải quyết những ý kiến trái chiều trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc quy định pháp luật, bảo đảm cao nhất lợi ích chính đáng cho người dân… là cách thức, phương châm hành động được huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) lựa chọn, triển khai nhiệm vụ giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc bắc-nam.

Theo Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Nguyễn Văn Khoa, sau khi đã xác định khối lượng công việc, tiến độ dự án, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung tuyên truyền, công khai các quy định, chính sách liên quan nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Ở nơi nào người dân còn thiếu thông tin, băn khoăn về chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thì ngay ở nơi đó sẽ có sự hiện diện của cán bộ chuyên trách giải phóng mặt bằng và các tổ chức mặt trận đoàn thể.

"Thông qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, những khúc mắc lần lượt được làm sáng tỏ, được giải quyết kịp thời, phù hợp, vừa bảo đảm quyền lợi cho họ, vừa góp phần cho dự án triển khai đúng tiến độ", ông Khoa khẳng định.

Với cách làm nêu trên, Thạch Hà là địa phương đầu tiên ở Hà Tĩnh bàn giao mặt bằng dự án đường cao tốc bắc-nam, với khối lượng 118,7ha/149,4ha, đạt tỷ lệ 79,5% diện tích cần thiết cho Ban Quản lý dự án Thăng Long, vượt kế hoạch và tỷ lệ so với yêu cầu của Chính phủ.

Trong thời gian vừa qua tại thành phố Hà Nội, các quận, huyện cũng đang vào cuộc quyết liệt để giải phóng mặt bằng đường vành đai 4-Vùng Thủ đô. Gia đình Bí thư Chi bộ thôn 3 (xã Song Phương) Nguyễn Văn Khương và anh em trong nhà có gần 2.000m2 đất bãi chuyên canh trồng cây hằng năm chủ yếu là cây ổi đang cho thu hoạch nằm trong diện thu hồi phục vụ dự án.

Sau buổi đầu được Ðảng ủy, UBND xã thông tin về dự án, ông Khương gương mẫu cùng anh em chấp hành, đồng thời cùng chi bộ tuyên truyền, vận động người dân không trồng thêm cây và làm lều lán. Theo ông Khương, mặc dù ban đầu chưa có sự đồng thuận, nhưng nếu cán bộ biết nói cho dân hiểu và làm gương cho dân tin, mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn!

Tại xã Văn Bình (huyện Thường Tín, Hà Nội), không khí triển khai dự án cũng đang rất khẩn trương. Bí thư Ðảng ủy xã Nguyễn Chí Tình cho biết, các tổ công tác của xã hầu như ngày nào cũng làm việc đến tối muộn và không có ngày nghỉ với quyết tâm cao. Trên địa bàn, gần 3.800 ngôi mộ phải di chuyển và lúc đầu, nhiều gia đình chưa đồng thuận.

Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh với tinh thần cán bộ, đảng viên thực hiện trước. Gia đình đồng chí Bí thư Huyện ủy và các Bí thư Ðảng ủy xã gương mẫu đi đầu đã thật sự tạo hiệu ứng lan toả sâu rộng. Sau khi gặp gỡ, đối thoại với các hộ, nhất là việc kiên trì vận động, thuyết phục người đứng đầu các dòng họ, cuối cùng người dân đã ủng hộ, thậm chí tự nguyện di chuyển dù chưa nhận được kinh phí hỗ trợ.

Chia sẻ cách làm, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND Mộ Ðức (tỉnh Quảng Ngãi) Phạm Ngọc Lân cho rằng, Ban Thường vụ huyện đã đưa vào nhiệm vụ trọng tâm hằng tháng, trong đó các cuộc giao ban tuần đều được đưa ra trao đổi, theo dõi tiến độ. Ngoài ra, huyện thành lập Ban Chỉ đạo, thành lập ba tổ: Tổ tuyên truyền vận động, tổ thẩm định và tổ giải quyết khiếu nại.

Cùng với đó, huyện thành lập Zalo nhóm chỉ đạo giải phóng mặt bằng đường cao tốc với 39 thành viên từ lãnh đạo huyện, xã, thôn, các phòng, ban liên quan nhằm thông báo tiến độ, gửi tài liệu, triển khai các công việc đền bù, tái định cư... đến tất cả các thành phần nghiên cứu, tham khảo, học tập.

"Ðến thời điểm này, nhờ triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp, cũng như thực hiện công tác dân vận bài bản, linh hoạt nên những vướng mắc, khó khăn đã được giải quyết kịp thời, dự kiến ngày 30/6, sẽ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai thi công dự án đường cao tốc qua địa bàn", ông Lân cho biết.

(Còn nữa)