Quyết liệt giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Mục tiêu và trách nhiệm
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi thường xuyên kiểm tra, gỡ vướng mặt bằng dự án đường cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn. (Ảnh: HIỂN CỪ)
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi thường xuyên kiểm tra, gỡ vướng mặt bằng dự án đường cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn. (Ảnh: HIỂN CỪ)

Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong - lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời ấy đã để lại bài học quý báu, tạo sự đồng thuận, đoàn kết của người dân. Thấm nhuần tinh thần ấy, các đảng bộ, chính quyền địa phương nơi có các công trình trọng điểm quốc gia, đường cao tốc bắc-nam đi qua, đã và đang tạo sự đồng thuận trong nhân dân, cùng với quyết tâm của hệ thống chính trị để đẩy nhanh tiến độ, sớm bàn giao mặt bằng thi công.

Ý Đảng, lòng dân

Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4-Vùng Thủ đô là dự án trọng điểm quốc gia, có chiều dài 112,8km đi qua thành phố Hà Nội và hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh với tổng mức đầu tư hơn 85 nghìn tỷ đồng. Với tổng diện tích đất phải thu hồi để triển khai dự án lên tới 798,01ha; 16.633 hộ dân có đất thu hồi và di dời 11.687 ngôi mộ ngay trong năm 2023, công tác giải phóng mặt bằng triển khai dự án là nhiệm vụ khó, chưa từng có tiền lệ đối với Hà Nội.

Ngày 13/9/2022, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã ký ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án đường vành đai 4-Vùng Thủ đô trên địa bàn thành phố Hà Nội. Chỉ thị yêu cầu gắn xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu không hoàn thành đúng tiến độ giải phóng mặt bằng để ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án...

Xã Kim Hoa, huyện Mê Linh là địa phương đầu tiên của thành phố hoàn thành việc di chuyển toàn bộ 50 ngôi mộ nằm trong địa giới đường vành đai 4. Gia đình bà Hà Thị Sinh, thôn Kim Tiền, có sáu ngôi mộ di chuyển. Bà Sinh chia sẻ: Chủ trương, chính sách của Trung ương, thành phố, làm đường lớn đi qua địa phương nên gia đình tôi luôn ủng hộ và đồng thuận. Trước đây, mộ các cụ nằm rải rác ở khu vườn Hội và một số xứ đồng khác, nay được đưa về tập trung tại nghĩa trang của thôn nên gia đình rất phấn khởi, đón các cụ về đây cho mát mẻ, yên tĩnh.

Theo ông Lê Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Kim Hoa: Việc di chuyển 50 ngôi mộ ở cả năm thôn, được lãnh đạo xã đến trực tiếp, cùng với các gia đình chọn ngày, thực hiện đồng loạt trong ba ngày là hoàn tất. Để có được kết quả nhanh như vậy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã xắn tay vào cuộc một cách tận tình, chu đáo.

Trong quá trình thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư dự án sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai), cấp ủy, chính quyền địa phương ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, song dự án đã từng bước được tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ. Theo Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Long Thành Nguyễn Tấn Hưng, khối dân vận, Mặt trận huy động tất cả các cán bộ, công chức của các đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội tham gia các tổ tuyên truyền, vận động, đến trực tiếp từng hộ dân, tạo sự đồng thuận. Mỗi tuần từ hai đến ba buổi, các thành viên Tổ công tác mời các hộ đến trụ sở ủy ban hoặc nhà văn hóa hoặc đến từng cụm dân cư để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, nhất là những kiến nghị. Những trường hợp còn thiếu sót, ảnh hưởng quyền lợi chính đáng của người dân đều nhanh chóng được giải quyết. Đối với các trường hợp không đủ điều kiện phải thông báo, giải thích cặn kẽ cho người dân biết rõ và đề nghị họ chấp hành, sớm bàn giao mặt bằng...

Bí thư Huyện ủy Long Thành Dương Minh Dũng cho biết: Một trong những bài học kinh nghiệm được Đảng bộ Long Thành đúc rút là phải xác định nhiệm vụ thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng trong triển khai dự án sân bay quốc tế Long Thành. Qua thực tiễn cho thấy, nhân dân rất đồng thuận, ủng hộ triển khai xây dựng dự án, bản thân cán bộ, đảng viên huyện Long Thành cũng đã nỗ lực, làm việc hết công suất để bàn giao mặt bằng đúng tiến độ.

Quyết tâm hơn, trách nhiệm hơn

Tại thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), công tác giải phóng mặt bằng đã được Ban Thường vụ thị xã Kỳ Anh thông qua nghị quyết chuyên đề về việc bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng. Sau khi nghị quyết được ban hành, UBND thị xã Kỳ Anh đã lập kế hoạch xây dựng đường găng tiến độ thời gian cụ thể, phân công giao nhiệm vụ cho từng phòng, ngành, cơ quan và UBND các xã, phường; trong đó nêu rõ thời gian hoàn thành từng phần việc cụ thể, ai chủ trì, đơn vị nào phối hợp...

Đặc biệt hơn, hầu hết tất cả các dự án giải phóng mặt bằng đều đưa ra các đầu việc cần làm, phân công thường trực, ban thường vụ, ủy viên ban chấp hành đảng bộ cho đến cán bộ chi đoàn, chi hội phụ trách theo dõi từng dự án cụ thể, quy trách nhiệm giải quyết theo thẩm quyền được phân cấp, từ đó giải quyết kịp thời các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh những thuận lợi như: Thị ủy ban hành nghị quyết chuyên đề về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác giải phóng mặt bằng; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị..., nhiệm vụ giải phóng mặt bằng vẫn còn gặp không ít khó khăn liên quan đến cơ chế, chính sách đền bù, nguồn lực, thậm chí một số cán bộ có biểu hiện làm việc cầm chừng sau những va vấp của một số cán bộ, đảng viên trước đây vấp phải.

“Để hóa giải khó khăn này, trước hết phải khơi dậy tinh thần, động lực làm việc cho đội ngũ cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng. Bên cạnh việc khuyến khích anh em chủ động tham mưu, xử lý những phần việc thuộc thẩm quyền, chúng tôi luôn đề cao ý kiến tập thể gắn trách nhiệm của người đứng đầu. Đối với những việc khó, chúng tôi bàn thảo kỹ càng, dự kiến phương án thực hiện trước khi đưa ra xin ý kiến của tập thể Ban Thường vụ Thị ủy”, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh Nguyễn Thế Anh cho biết.

Với tầm quan trọng của dự án đường cao tốc bắc-nam phía đông, đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, Quảng Ngãi đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc; chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương khẩn trương, tập trung, quyết liệt thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và các công việc liên quan kịp thời bàn giao mặt bằng cho Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông vận tải) thực hiện dự án theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng tuyến chính hoàn thành khoảng 51,29/60,3km, đạt tỷ lệ 85,1%. Trong đó, chiều dài đủ điều kiện tổ chức bàn giao thực địa là hơn 47km, đạt 79,3% tổng chiều dài tuyến đi qua Quảng Ngãi...

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết: Quảng Ngãi được xem là điểm sáng giải phóng mặt bằng bởi Thường vụ Tỉnh ủy luôn giao nhiệm vụ cho người đứng đầu (Chủ tịch UBND tỉnh, huyện, xã, trưởng các sở, ban, ngành) chịu trách nhiệm, đứng ra chỉ đạo trực tiếp công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Trong quá trình triển khai giải quyết bồi thường, giải phóng mặt bằng, luôn giải thích rõ cho người dân mục tiêu, lợi ích, hiệu quả của dự án mang lại cho xã hội, cộng đồng dân cư, nhất là lãnh đạo tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng phải tuân thủ đúng pháp luật về công tác bồi thường, nhưng cũng cần phải linh hoạt, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương, người dân.

Trong công tác triển khai dự án thành phần cao tốc đoạn Hậu Giang-Cà Mau, các đơn vị nhà thầu đã gặp khó khăn trong việc thi công như đường vận chuyển một số vị trí bị vướng hạ tầng điện lưới, cấp nước… Nghe được thông tin, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã lập tức đi kiểm tra thực tế, xử lý các vấn đề vướng mắc ngay trên công trường. “Vướng ở đâu, gỡ ngay ở đó! Tôi sẽ trực tiếp theo dõi, tham gia xử lý những bất cập, tháo gỡ ngay những khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Điều quan trọng là chúng ta quyết liệt, cùng nhau làm vì sự phát triển chung, cố gắng rút ngắn thời gian hoàn thành dự án”, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt khẳng định.

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, đối với các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo triển khai dự án trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhất là lãnh đạo các cấp, các ngành phải vào cuộc với ý chí quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao nhất; xác định tất cả vì việc chung... Tinh thần ấy đã được lan tỏa đến cả hệ thống chính trị và nhờ đó đến nay, Hà Nội đã giải phóng mặt bằng 364,66/798,043ha, đạt tỷ lệ 45,69%; di chuyển 5.645/10.911 ngôi mộ, đạt tỷ lệ 51,92%, dự kiến tháng 6/2023 bàn giao được khoảng 70% diện tích để khởi công và trước ngày 31/12/2023 bàn giao 100% diện tích...

Với sự đồng thuận, đồng lòng ủng hộ của nhân dân - là nhân tố rất quan trọng, qua đây đòi hỏi các địa phương, các ngành phải làm thật tốt nhiệm vụ được giao, quyết tâm bảo đảm tiến độ công tác giải phóng mặt bằng như đã đề ra; đặc biệt cần công khai, minh bạch, làm tốt hơn nữa công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư cho người dân; bảo đảm cho người bị thu hồi có chỗ ở, có điều kiện sống tốt với thu nhập bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ... Đồng thời, các địa phương cần đồng tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, linh hoạt trong cách làm, cùng với phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên ở cơ sở, lấy vai trò của chi bộ thôn, khu, đảng viên làm nòng cốt.