Ðột phá trong phát triển văn hóa, con người Thủ đô

Bài 1: Kiến tạo môi trường văn hóa lành mạnh

Là Thủ đô nghìn năm văn hiến, Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo, Hà Nội luôn nỗ lực xây dựng Thủ đô xứng đáng với vai trò, vị trí là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục. Thành phố đã triển khai thực hiện Chương trình 06-Ctr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội khóa 17 về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025". Việc thực hiện chương trình đã tạo ra những bước đột phá trong phát triển văn hóa, con người trên địa bàn Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00
Ðồng bào dân tộc Mường (huyện Quốc Oai) trình diễn đánh chiêng trong ngày hội.
Ðồng bào dân tộc Mường (huyện Quốc Oai) trình diễn đánh chiêng trong ngày hội.

Môi trường văn hóa là yếu tố quan trọng giúp cải thiện nhu cầu hưởng thụ văn hóa, góp phần hình thành nên những giá trị văn hóa trong mỗi cá nhân. Do đó, thành phố đã tập trung xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa, các mô hình văn hóa... Việc xây dựng các mô hình Làng Văn hóa, Tổ dân phố văn hóa đi vào thực chất, giúp đời sống tinh thần nhân dân được nâng cao.

Tiến Xuân là xã miền núi, thuộc vùng xa của huyện Thạch Thất, nơi có gần 70% dân số là đồng bào Mường. Thực hiện Chương trình 06-Ctr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội khóa 17 về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025", Ðảng bộ xã Tiến Xuân tập trung nhiệm vụ xây dựng các mô hình phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ, lễ hội. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tiến Xuân Nguyễn Văn Nghĩa cho biết: "Ðể bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống, nâng cao chất lượng đời sống thì cần có hệ thống thiết chế văn hóa. Nhà văn hóa các thôn được hoàn thiện, cùng với đó là hoạt động của các Câu lạc bộ văn hóa. Do đó, xã Tiến Xuân luôn duy trì gìn giữ và phát triển các nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Mường. Hiện nay, Tiến Xuân có bảy thôn thì mỗi thôn có từ hai đến bốn bộ chiêng. Câu lạc bộ Cồng chiêng của xã hiện có hơn 300 thành viên tập luyện thường xuyên". Tiến Xuân hiện nay giàu và đẹp hơn; điều đáng nói là những nét đẹp văn hóa không phai nhạt mà còn đậm đà hơn. Vào các dịp lễ, Tết, những sắc mầu trang phục dân tộc cùng tiếng chiêng Mường trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây.

Câu chuyện ở xã Tiến Xuân là một trong những điển hình trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Mỗi địa bàn, tùy theo yêu cầu thực tế lại có những cách làm khác nhau. Quận Hai Bà Trưng là địa bàn đất chật, người đông, người dân thiếu những không gian công cộng. Ðể tạo thêm không gian văn hóa cho nhân dân, từng bước thu hút khách du lịch, Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng đã đưa vào hoạt động Không gian đi bộ khu vực phố Trần Nhân Tông và phụ cận từ cuối năm 2022. Từ đây người dân và du khách có thêm không gian đi bộ, nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thương mại dịch vụ hòa nhập với không gian cảnh quan của công viên Thống Nhất. Từ đầu năm 2023 đến nay, các hoạt động của tuyến phố đi bộ được triển khai an toàn, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của người dân; các hoạt động văn hóa văn nghệ, vui chơi giải trí được nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia. Do đó, quận sẽ tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động của không gian đi bộ này trong thời gian tới.

Nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa trên địa bàn thành phố được triển khai cụ thể thông qua nhiều nội dung khác nhau: Phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, trọng tâm là xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng các mô hình Gia đình văn hóa, Thôn văn hóa, Tổ dân phố văn hóa, các cơ quan văn hóa; triển khai thực hiện các Quy tắc ứng xử... Hằng năm, trên địa bàn thành phố có 88% số gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, 63% thôn (làng) đạt danh hiệu Làng văn hóa, có 72,5% tổ dân phố đạt danh hiệu Tổ dân phố văn hóa.

Ðể cải thiện đời sống văn hóa người dân, việc xây dựng thiết chế văn hóa là yêu cầu bắt buộc đặt ra. Tính đến hết quý I/2023, thành phố có 383 thiết chế văn hóa, thể thao thuộc quản lý của Ủy ban nhân dân thành phố, các sở, ban, ngành, đoàn thể; 30 quận, huyện, thị xã có Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao với 84 công trình văn hóa, thể thao; 125 xã, phường, thị trấn có công trình Trung tâm văn hóa, thể thao; 4.656 thôn, tổ dân phố có Nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng, đạt tỷ lệ 85%. Các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở đã trở thành địa chỉ phục vụ việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao tại cộng đồng dân cư, góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống tinh thần lành mạnh trong nhân dân. Trong hai năm qua, thành phố đã xây mới 8 điểm và củng cố 55 điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, 35 cụm văn hóa thể thao.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Ðỗ Ðình Hồng cho biết: "Việc xây dựng các mô hình văn hóa trên địa bàn thành phố gắn với những nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể tại mỗi địa phương. Thí dụ như xây dựng thôn, làng văn hóa được gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng Tổ dân phố văn hóa gắn với xây dựng đô thị văn minh, cải tạo cảnh quan đô thị phường đạt chuẩn văn minh đô thị... Công tác xây dựng các mô hình văn hóa thời gian qua đã không còn chạy theo số lượng, mà tập trung đầu tư, xây dựng mô hình bảo đảm chất lượng gắn với đời sống văn hóa cơ sở và phù hợp với nhu cầu của nhân dân". Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự sáng tạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, việc thực hiện Chương trình 06-Ctr/TU của Thành ủy đã đem lại thay đổi rõ nét trong đời sống văn hóa của nhân dân.

(Còn nữa)