Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn I, từ năm 2021-2025 được phê duyệt theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi là Chương trình 1719), thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi. Các tỉnh được thụ hưởng chương trình đều xác định đây là nguồn lực quan trọng để hoàn thiện cơ sở hạ tầng; tạo sinh kế, xóa đói giảm nghèo cho người dân. Do đó, các tỉnh đã sớm ban hành các nghị quyết, quyết định triển khai, thực hiện chương trình thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh. Đến nay, việc thực hiện chương trình tại các địa phương đã bước đầu đạt kết quả đáng ghi nhận.
Cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi
Xóm Đồng Bầu, xã Tân Thành, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên có 156 hộ dân, trong đó có 151 hộ là người dân tộc thiểu số. Ba năm trước, đường giao thông của xóm vẫn là đường đất, mưa lầy lội, nắng bụi. Năm 2022, từ nguồn vốn Chương trình 1719, xóm được đầu tư tuyến đường bê-tông dài gần 2 km, rộng 3,5m, dày 18 cm, với kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng. Trưởng xóm Đồng Bầu Lý Thị Cảnh cho biết: “Chính phủ hỗ trợ tiền làm đường, nhiều gia đình trong xóm có tuyến đường đi qua đã hiến đất để mở rộng đường, góp ngày công để công trình thi công đúng tiến độ.
Bếp ăn tập thể phục vụ 280 học sinh nội trú Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Sơn Hà được nâng cấp mở rộng bảo đảm quy chuẩn, từ nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. (Ảnh: Đông Huyền) |
Tuyến đường đưa vào sử dụng giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân thuận lợi, bộ mặt của xóm có nhiều thay đổi”.
Trong hai năm 2022 và 2023, thực hiện Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Chương trình 1719, tỉnh Thái Nguyên triển khai xây dựng 96 công trình và giao cho các huyện tổ chức thực hiện với tổng số vốn gần 100 tỷ đồng. Do tỉnh thực hiện giao kế hoạch vốn từ sớm, làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, cho nên việc tổ chức xây dựng, thanh toán vốn đúng tiến độ. Kết thúc năm 2023, tỉnh giải ngân đạt 92% số vốn giao trong hai năm 2022, 2023. Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên Phan Đức Cường cho biết: “Chúng tôi phân công cán bộ đôn đốc, kiểm tra việc triển khai dự án tại từng địa phương, kịp thời phối hợp với cơ quan chức năng, chủ đầu tư tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh cho nên tiến độ thực hiện các dự án được đẩy nhanh. Các công trình được đưa vào sử dụng đều phát huy hiệu quả đầu tư, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân”.
Năm 2023, tỉnh Hà Giang đã giải ngân được hơn 1.416 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chương trình 1719. Thông qua các dự án cơ sở hạ tầng, nguồn vốn đầu tư trực tiếp cho hộ người dân góp phần giúp địa phương hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân. Tương tự như tại tỉnh Thái Nguyên, một trong những dự án có tiến độ giải ngân cao nhất tại Hà Giang là Dự án 4. Thời gian qua, Hà Giang đã đầu tư 471 công trình xây mới, cải tạo đường giao thông nông thôn, kéo điện cho các thôn vùng cao, xây dựng các trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng... Tổng nguồn vốn được giao là hơn 726 tỷ đồng, đến cuối năm 2023 đã giải ngân hơn 568 tỷ đồng, đạt hơn 78% kế hoạch.
Nhà sinh hoạt động đồng bản Khe Rung, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đang được xây dựng khang trang từ nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. (Ảnh: Hương Giang) |
Ông Triệu Trung Hiệp, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hà Giang cho biết, Dự án 4 đạt kết quả giải ngân cao so với các dự án khác trong Chương trình 1719 là nhờ sự quyết liệt trong công tác của cấp ủy, chính quyền các cấp. Hằng tháng, hằng quý, lãnh đạo tỉnh làm việc và kiểm tra các ngành, địa phương để đốc thúc tiến độ giải ngân, đồng thời giải quyết, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc. Bên cạnh đó, dự án này khi triển khai cũng thuận lợi do các quy định, hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương rõ ràng, các công trình được thực hiện theo luật đầu tư công và đều có các đơn vị tư vấn thực hiện.
Nguồn vốn thực hiện Chương trình 1719 của tỉnh Quảng Bình năm 2023 là 653 tỷ 742 triệu đồng. Đến ngày 31/12/2023, các địa phương, đơn vị trong tỉnh giải ngân 317 tỷ 596 triệu đồng, đạt 48,6% kế hoạch. Trong đó, Dự án 4 là dự án được giải ngân nhiều nhất với 80,4% tỷ lệ vốn đầu tư và 100% tỷ lệ vốn sự nghiệp. Trong các địa phương của Quảng Bình, huyện Bố Trạch là đơn vị linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện Chương trình 1719, mang lại hiệu quả cao. Huyện đã tập trung nguồn vốn để đầu tư các tuyến đường liên bản, đường nối cụm bản với trung tâm huyện, công trình cung cấp nước sạch liên bản. Trưởng phòng Dân tộc huyện Trần Nam Trung cho biết, ở xã biên giới Thượng Trạch, trước đây muốn đến các bản đều phải thông qua tuyến Đường 20 Quyết Thắng xuyên vùng lõi Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, vì thế từ trung tâm xã đến các bản thường rất xa vì phải đi vòng. Thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu của Chương trình 1719, huyện Bố Trạch đầu tư tuyến đường từ bản Cà Roòng 1 đi bản Bụt, đường từ bản Bụt đến bản Nôồng... Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thượng Trạch Nguyễn Trường Chinh cho biết, các tuyến đường liên bản hoàn thành giúp việc đi lại của người dân, nhất là học sinh, thuận lợi hơn rất nhiều. Việc sáp nhập các điểm trường được thực hiện khá tốt. Các tiềm năng về kinh tế lâm nghiệp của địa phương được khai thác tốt hơn.
Đa dạng hóa sinh kế, ổn định đời sống người dân
Ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Dự án 4), các địa phương triển khai tích cực và hiệu quả các tiểu dự án đa dạng hóa sinh kế thuộc Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.
Gia đình anh Vàng Seo Phúc, thôn Cóc Mùi Hạ, xã Pố Lồ, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang dựng ngôi nhà sàn mới từ vốn của Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. (Ảnh: Khánh Toàn) |
Tại tỉnh Hà Giang, nguồn vốn thực hiện các tiểu dự án thuộc Dự án 3 được giao từ tháng 9/2022, nhưng đến tháng 7/2023 các địa phương mới tiến hành giải ngân. Mặc dù thời gian giải ngân ngắn, nhưng các địa phương đã chủ động hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân đăng ký tham gia dự án, đồng thời thành lập các tổ cộng đồng thôn nhằm hỗ trợ người dân cũng như thực hiện công tác quản lý dự án. Năm 2023, tỉnh thực hiện 484 dự án đa dạng hóa sinh kế, chủ yếu hỗ trợ cho người dân phát triển chăn nuôi gia súc như bò, ngựa, dê, lợn sinh sản...
Yên Cứ là thôn vùng cao được thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê (Hà Giang) chọn để thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế. Đây là thôn đặc biệt khó khăn với 57 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 26 hộ nghèo, cận nghèo. Trưởng thôn Bồn Văn Đạt cho biết, khi bắt đầu thực hiện dự án, thôn đã họp bàn với người dân xét chọn 24 hộ nghèo, cận nghèo hưởng lợi và thống nhất lựa chọn mô hình nuôi bò sinh sản. Thôn thành lập tổ cộng đồng để hướng dẫn người dân làm thủ tục, liên hệ với các doanh nghiệp cung ứng giống bò sinh sản có uy tín để người dân trực tiếp lựa chọn. Tháng 11/2023, 24 hộ dân đã mua 49 con bò sinh sản. Đến nay, đàn bò dự án phát triển tốt và đã đẻ 12 con bê. Nhờ đó đàn gia súc ở thôn đã tăng lên hơn 210 con, hộ nào trong thôn cũng có trâu, bò để nuôi, tạo cơ hội cho hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế. Gia đình anh Đặng Văn Dền, thôn Yên Cứ được hỗ trợ mua hai con bò sinh sản, mỗi con trị giá hơn 18 triệu đồng từ nguồn vốn dự án và vốn đối ứng của gia đình. Gia đình anh Dền trồng thêm cỏ để chăn nuôi bò theo hình thức nhốt chuồng. Do đó, hai con bò giống phát triển tốt, trong đó có một con sắp đẻ, giúp gia đình anh Dền có thêm thu nhập.
Một số địa phương có nhiều cách làm sáng tạo khi triển khai Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) làm nhà sàn mẫu theo phong tục địa phương rộng 34m2 tiêu chuẩn “3 cứng” để bà con tham khảo. Nhà có sàn cao 1,8m, bên dưới sàn nhà huyện vận động người dân bê-tông hóa để có thêm không gian sinh hoạt và bảo đảm yêu cầu vệ sinh môi trường. Ngoài nguồn vốn Trung ương hỗ trợ 40 triệu đồng/căn và mỗi hộ dân được vay ưu đãi 40 triệu đồng để làm nhà theo quy định, tỉnh Quảng Bình và huyện Bố Trạch sử dụng vốn đối ứng hỗ trợ thêm 64 triệu đồng cho mỗi hộ dân để các hộ có đủ kinh phí làm nhà vững chãi, khang trang.
Từ nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gia đình anh Đặng Văn Dền ở thôn Yên Cư, thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang có bò giống để phát triển kinh tế gia đình. (Ảnh: Khánh Toàn) |
Để tái định cư, sắp xếp ổn định đời sống cho người dân tại vùng đặc biệt khó khăn, năm 2023, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi bố trí nguồn vốn Chương trình 1719 xây dựng hai khu tái định cư Xà Riềng và Gò Rem với tổng mức đầu tư gần 30 tỷ đồng với 60 vị trí tái định cư, hệ thống đường giao thông, điện, nước sinh hoạt phục vụ đời sống người dân. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện đẩy nhanh tiến độ, giải ngân 100% vốn được giao để sớm hoàn thành công trình. Cùng với đó, huyện xây dựng 10 phòng nội trú hai tầng, nâng cấp mở rộng bếp ăn, sửa chữa 22 phòng học nội trú cho giáo viên, học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Sơn Hà. Các dự án, thành phần lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng về giao thông, trường học, khu dân cư có tỷ lệ giải ngân đạt từ 70-90% vốn được giao.
Khi nhu cầu bức thiết trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số như: Nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt... được giải quyết có hiệu quả, số hộ nghèo giảm nhanh. Một số xã, thôn trước thuộc khu vực đặc biệt khó khăn, nay đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) Sin Thị Hương cho biết, năm 2023, huyện Trấn Yên đã hỗ trợ làm nhà ở cho 71 hộ nghèo với kinh phí 3 tỷ 325 triệu đồng, trong đó kinh phí từ Chương trình 1719 là 1 tỷ 920 triệu đồng, còn lại là vốn ngân sách và xã hội hóa của tỉnh và huyện. Nhờ đó, đến nay huyện có 15 xã nông thôn mới nâng cao; 122 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Chỉ số hạnh phúc của người dân đạt 69,85%, tuổi thọ trung bình đạt 74,1 tuổi.
Có thể khẳng định, Chương trình 1719 đã tác động tổng thể đến kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của các địa phương được thụ hưởng. Bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều đổi thay tích cực, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được nâng lên. Nhờ đó, khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường; an ninh chính trị được giữ vững, bản sắc văn hóa, các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc được bảo tồn, phát huy; lòng tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, Nhà nước được củng cố vững chắc.
(Còn nữa)