Bắc Ninh tích cực tháo gỡ vướng mắc quy định về phòng cháy, chữa cháy

Cùng với những yếu tố tác động thời kỳ hậu Covid-19, gần đây, các doanh nghiệp còn gặp khó khăn liên quan đến quy định về phòng cháy, chữa cháy. Tại Bắc Ninh, trước thực tế nhiều thủ tục, quy định về phòng cháy, chữa cháy chưa hợp lý hoặc chưa được thực thi đúng, với quan điểm "đồng hành, chia sẻ", lãnh đạo và các ngành, đơn vị chức năng của tỉnh đã tích cực vào cuộc, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Công an tỉnh Bắc Ninh tổ chức đối thoại với doanh nghiệp về phòng cháy, chữa cháy.
Công an tỉnh Bắc Ninh tổ chức đối thoại với doanh nghiệp về phòng cháy, chữa cháy.

Nhằm kịp thời nắm bắt những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải, nhiều năm qua, tỉnh Bắc Ninh duy trì hoạt động gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, lãnh đạo tỉnh thường xuyên kiểm tra, sâu sát tình hình ở cơ sở, cho nên việc xử lý những hạn chế, bất cập về phòng cháy, chữa cháy cũng có sự chuyển biến tích cực.

Lắng nghe, tìm điểm "nghẽn"

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy, trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua, Công an tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức nhiều buổi gặp gỡ, đối thoại với hơn 1.000 doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn. Với tinh thần sát cánh cùng doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững, nhiều nhóm vấn đề, nội dung đã được thẳng thắn chia sẻ.

Theo đại diện của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (đơn vị đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Quế Võ): Trong 18 tháng, Bộ Xây dựng ban hành ba quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy khiến doanh nghiệp gặp khó trong áp dụng.

Còn đại diện Công ty cổ phần Quốc tế Anpha (Cụm công nghiệp Đông Thọ, Yên Phong) thì cho rằng: Từ ba quy chuẩn này mà nhiều doanh nghiệp bị tắc ở hạng mục sơn chống cháy và bọc bảo vệ kết cấu chịu lực theo quy chuẩn mới, dẫn tới nhà xưởng tê liệt, vì không được cấp phép.

Hay như quy chuẩn cũ không yêu cầu thí nghiệm cấu kiện chịu lửa, nhưng quy chuẩn mới thì có. Thêm nữa, hiện chỉ có hai loại sơn sản xuất trong nước được cấp phép, còn sơn nước ngoài thì chưa, khiến doanh nghiệp có ít lựa chọn và phải chấp nhận giá cao.

Tiếp đó, đầu tháng 6, tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức hai cuộc đối thoại với doanh nghiệp trong nước, hợp tác xã, hộ kinh doanh và với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Với tổng số 540 đại biểu tham dự, tại hai cuộc đối thoại, những vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy là một trong những nội dung "nóng" nhất, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp.

Cùng với hoạt động đối thoại, lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh và các sở, ngành cũng thường xuyên tiến hành kiểm tra, nắm bắt tình hình chung của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, trong đó có nội dung về phòng cháy, chữa cháy.

Trên cơ sở đó, trực tiếp tìm hiểu những điểm "nghẽn" và có hướng chỉ đạo, tháo gỡ phù hợp.

Trao đổi tại các cuộc gặp gỡ, đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh quan điểm: Thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của tỉnh, khó khăn của doanh nghiệp cũng là khó khăn của tỉnh. Vậy nên, tỉnh luôn đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp cũng cần chung tay với các cấp ủy, chính quyền địa phương trong khắc phục khó khăn, để cùng phát triển.

Tháo gỡ các "nút thắt"

Qua nắm bắt, Công an tỉnh Bắc Ninh đã tập hợp 35 vấn đề khó khăn trong thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống phòng cháy, chữa cháy của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Để kịp thời tháo gỡ, xử lý, Thiếu tá Phạm Bá Thống, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh cho biết: Đơn vị đã thành lập năm tổ công tác đến các doanh nghiệp để trao đổi, hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc liên quan đến công tác thẩm duyệt, thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.

Tinh thần là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, trọng tâm, trọng điểm, mục tiêu để tháo gỡ khó khăn...

Cùng với đó, Công an tỉnh mời lãnh đạo Bộ Công an, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ về làm việc với lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng, khảo sát việc thực hiện quy định về phòng cháy, chữa cháy tại doanh nghiệp.

Từ những hoạt động thiết thực, biện pháp cụ thể nêu trên, đến đầu tháng 6, hơn 60% vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy của các doanh nghiệp tại Bắc Ninh đã được tháo gỡ.

Ông Yoon Doek II, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn IDT Vina (Khu công nghiệp Đại Đồng, xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du) chia sẻ: Đi vào hoạt động tại Bắc Ninh từ năm 2005, doanh nghiệp luôn tuân thủ mọi quy định của pháp luật Việt Nam, trong đó có tiêu chuẩn về an toàn phòng cháy, chữa cháy. Thời gian qua, do chưa cập nhật thông tin văn bản mới, cho nên khu nhà xưởng của chúng tôi bị chậm tiến độ. Nhưng sau khi được cảnh sát phòng cháy, chữa cháy hướng dẫn, chúng tôi đã hiểu thấu đáo và lựa chọn giải pháp phù hợp ở xưởng mới.

Còn chị Phạm Thị Xuyến, phụ trách phòng cháy, chữa cháy của Công ty trách nhiệm hữu hạn HS Chemical Việt Nam (Khu công nghiệp Quế Võ 3) cho biết: Thông qua hướng dẫn của cảnh sát phòng cháy, doanh nghiệp đã hiểu rõ hơn các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy, từ đó giúp doanh nghiệp kịp thời khắc phục và tuân thủ đúng quy định.

Có thể thấy, Bắc Ninh đã rất nỗ lực trong tháo gỡ các điểm "nghẽn" nói chung, quy định về phòng cháy, chữa cháy nói riêng cho doanh nghiệp. Song, thực tế cho thấy, có những vướng mắc không thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp địa phương, cần sự chỉ đạo, tháo gỡ đồng bộ từ các cơ quan trung ương.

Đối với các quy định về phòng cháy, chữa cháy, điểm mấu chốt là phải thực hiện nghiêm Công điện số 220/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy.